Những kỷ niệm nhỏ về một người Thầy lớn

Những kỷ niệm nhỏ về một người Thầy lớn
TP - Ngày 15/1/2008, bạn bè văn chương trong Nam ngoài Bắc gọi nhau thông báo tin dữ: Nhà văn Nguyễn Khải - cây đại thụ văn xuôi Việt Nam sau năm 1945 đã ra đi. Được biết nhà văn mất do bệnh tim tại TP HCM.
Những kỷ niệm nhỏ về một người Thầy lớn ảnh 1
Ảnh: phuongnamvn.com

Với cái bệnh thấp khớp của mình, tất cả các đầu ngón tay ngón chân và thân thể tôi sưng lên nhức nhối khi buổi sáng rét đột ngột dưới 10oC. Nhưng nỗi đau buốt nhói quặn thắt từ trái tim tôi, từ đáy lòng tôi là tin bất ngờ từ cô thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ quân đội và từ báo Tiền phong: Nhà văn Nguyễn Khải đã mất.

Nhà văn Nguyễn Khải đã mất! Ai? Cái gì? Nhà văn Nguyễn Khải. Nhà văn Nguyễn Khải làm sao? Đã mất bao giờ? 8 giờ. Có thật không? Anh ấy không ốm đau gì mà mất? Nói lại đi! Bác ấy đau tim đột ngột.

Tự nhiên nước mắt tôi rơi ra, tôi không thể tin đấy là sự thật. Anh Nguyễn Khải. Nhà văn Nguyễn Khải, người thầy lớn của tôi đã trút lại đau đớn. Nỗi đau đớn khôn cùng của tôi chỉ đến bằng những mẩu tin lạnh lẽo để đặt tôi viết bài.

Tôi không nhận lời thì hóa ra tôi bạc bẽo với một nhà văn lớn, với một người thầy lớn của tôi, còn khi tôi đã nhận lời có nghĩa là tôi đã tự dối lòng mình. Với một người đã khai phá cho tôi, đã dìu dắt tôi từ một đứa mò cua bắt ốc ở cái làng Trung Hòa (Khoái Châu, Hưng Yên) ấy để trở thành người viết văn mà viết về anh chỉ mấy dòng hời hợt trong tâm trạng bất ổn định làm sao mà xứng đáng, làm sao mà nói được điều gì như lời biết ơn suốt cả đời mình.

Trong lúc trộn rộn này tôi chỉ xin kể một vài mẩu chuyện nhỏ về người thầy lớn của tôi.

Năm 1964, khi Nguyễn Khải đi thực tế để viết tiểu thuyết “Chủ tịch huyện”, tôi được phép đi theo. Được đi theo nhà văn đấy là niềm sung sướng của cả mẹ tôi, anh chị tôi, cả xóm làng tôi, rồi cả xã, cả huyện, cả tỉnh nữa.

Nhà văn Nguyễn Khải lúc bấy giờ đã là tác giả của những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn nổi tiếng: Xung đột, Một chặng đường, Mùa lạc, Hãy đi xa hơn nữa… Nghĩa là một nhà văn đã lừng lững khắp cả nước đã từng được nhà thơ Tố Hữu đích thân đưa về giới thiệu với Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên.

Đây là một nhà văn nhạy bén, sâu sắc, có thể phát hiện ra những hiện tượng, những ý nghĩ từ trong sâu thẳm của con người. Có thể nói một Banzắc của Việt Nam lúc bấy giờ.

Với một nhà văn như thế, một thằng lính cấp hạ sĩ như tôi được sờ vào áo đã thấy sung sướng huống hồ lại mời được nhà văn cùng với nhà thơ Xuân Khiêm, nhà phê bình Nhị Ca về ở hẳn nhà mình 3 tháng. Để mẹ và các anh chị, các cháu được phục vụ, để đi khoe với khắp huyện, khắp xã là có nhà văn Nguyễn Khải ở nhà mình. Dù cả nhà còn kham khổ vẫn đảm bảo được cá mòi, thịt, đậu và cơm gạo trắng nuôi các nhà văn, nhà thơ.

Mà cả nhà tôi vẫn thấy rạo rực sung sướng và rậm rịch niềm vui, háo hức kể chuyện trên các bãi dỡ khoai, trên các khu làm cỏ về thằng con và thằng em là tôi ngày nào cũng được đi với nhà văn Nguyễn Khải.

Suốt hàng tháng giời anh cho tôi theo để học quan sát và ghi chép ở các bến sông, các nơi hội họp của hợp tác, nơi cãi cọ của bà con nông dân. Nơi chợ búa, chỗ dỡ khoai lang…

Ngày nào anh cũng ghi 30-40 trang ở quyển vở bằng nửa tờ giấy A4 bây giờ, đọc lên cứ như là đang nghe chuyện và sau này anh in vào chuyện cũng chỉ thay đổi một vài dấu chấm dấu phẩu và một vài chữ.

Còn tôi mỗi ngày kỳ cạch ghi được 2-3 trang nhưng đều vứt đi bởi vì không ghi được không khí, lời ăn tiếng nói và những việc làm cụ thể bộc lộ tính cách nhân vật, mà chỉ được những cái mà hàng nghìn năm sau nói vẫn thế như: Trời mưa, trời nắng, nóng, lạnh…

Anh bảo ghi những cái đấy làm gì, hàng tháng trời ngày nào cũng viết vài ba trang và ngày nào cũng bỏ đi vài ba trang ghi chép ấy. Tôi thấy lo quá hỏi: “Anh ơi, anh có thấy em viết được văn không, nếu không để em còn đi học nghề khác?”. “Cậu viết được đấy” - “Anh nói thật đi, đừng động viên em”- “Tôi không bao giờ động viên ai để làm hại cả cuộc đời người ta”.

Suốt 30 năm đi viết, thành công và thất bại tôi mới nhận ra câu nói của anh thật tài tình, thật chính xác, thật đáng để cho tôi hiểu câu các cụ ngày xưa nói: Văn là người, nghĩa là đọc văn của ai đó, trong mỗi câu mỗi chữ ấy có bộc lộ được tính cách, tình cảm của người ấy (nếu không anh là một nhà văn viết hàng nghìn quyển sách cũng chỉ là một chàng viết thuê cho người khác).

Tôi mê nhà văn Nguyễn Khải đến mức tôi thuộc từng đoạn văn xuôi trong các truyện ngắn của anh, đến mức tôi viết ra dòng nào người ta cũng ngửi thấy cái hơi văn của Nguyễn Khải trong văn tôi.

Suốt hàng chục năm tôi phải “chống thầy” để vượt ra khỏi sự ám ảnh, sự chi phối giống như có một người nào đó bắt hết hồn vía của mình. Tôi phải cố gắng gượng lắm mới thoát ra khỏi hơi hướng của Nguyễn Khải. Từ quan niệm, cách xây dựng truyện, đến từng dấu chấm, dấu phẩy, từng câu chữ để tránh là kẻ ăn cắp văn của thầy. 

Đến nay, dù chưa có một giọng văn riêng nhưng tôi đã thoát ra được khỏi sự sắc sảo đến rợn người của thầy, mặc dù tôi vẫn kính trọng, vẫn thủy chung, vẫn là một người học trò hết sức tôn trọng và sẵn sàng hy sinh khi thầy cần đến tôi. Cả thầy và gia đình coi tôi như một người em của anh chị, một người chú trước sau như một của mọi người. 

Tôi có 2 người thầy – 2 nhà văn lớn tôi đều hết sức kính trọng là thầy Kim Lân và thầy Nguyễn Khải. Thầy Kim Lân thì bảo: Đời là thế, người là thế, có gì anh viết nấy việc đếch gì phải bịa.

Thầy Nguyễn Khải lại nói: Trước hết anh phải phát hiện xem con người ấy, sự việc ấy bộc lộ ý tưởng gì rồi anh mới đi tìm người, tìm chuyện để tải ý tưởng của anh.

Hai cách nói khác nhau nhưng cùng sâu xa, cùng là những đỉnh cao của nghệ thuật sáng tạo văn xuôi Việt Nam. Điều quan trọng những người học trò như chúng tôi phải chọn lọc, phải nghĩ ngợi, phải xem xét để tìm ra cùng một ý nghĩa sâu xa của những người thầy có cách nói cách đặt vấn đề khác nhau.

Trước giờ phút vĩnh biệt thầy, tôi chỉ còn biết nói vài kỷ niệm nhỏ nhoi, một vài mẩu chuyện nghề nghiệp nhưng đó là cả đời tôi, cả ý tưởng tình cảm và trí lực của thầy đã truyền đến cho tôi.

Tôi viết mấy dòng này như một nén hương, lòng thành kính của tôi trước linh hồn của thầy tôi. Nhà văn Nguyễn Khải của tôi. Người anh kính trọng của tôi đã ra đi vĩnh viễn không bao giờ trở lại. Em xin vĩnh biệt anh và chia sẻ nỗi đau này với chị Bắc và các cháu. Vĩnh biệt anh. Vĩnh biệt!

Hà Nội, ngày 15 tháng 1, năm 2008

Nhà văn Lê Lựu

Đôi điều về nhà văn Nguyễn Khải

Những kỷ niệm nhỏ về một người Thầy lớn ảnh 2
Ngày 15/1, bạn bè văn chương trong Nam ngoài Bắc gọi nhau thông báo tin dữ: Nhà văn Nguyễn Khải- cây đại thụ của văn xuôi VN sau 1945 đã ra đi (theo thông báo chính thức từ gia đình, nhà văn Nguyễn Khải trút hơi thở cuối cùng lúc 19 giờ 25 phút).

Tìm kiếm về Nguyễn Khải trên google cũng thấy cập nhật “ông mất ngày 15 tháng 1 năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh do bệnh tim”.

Nguyễn Khải tên thật là Nguyễn Mạnh Khải, quê nội ở Nam Định nhưng được sinh tại Hà Nội (3/12/1930). Trong kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập tự vệ chiến đấu ở thị xã Hưng Yên sau đó vào bộ đội, làm y tá rồi làm báo.

Sự nghiệp viết văn của ông bắt đầu từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước và được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột. Những tác phẩm của Nguyễn Khải gồm: Xung đột (gồm 2 phần, 1959- 1962), Mùa lạc (tập truyện ngắn, 1960), Ngày tết về thăm quê, Họ sống và chiến đấu (ký sự, 1966), Cha và con, và... (tiểu thuyết, 1979), Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết, 1982), Thời gian của người (tiểu thuyết, 1985), Một người Hà Nội (tập truyện ngắn, 1990), Hà Nội trong mắt tôi (tập truyện ngắn, 1990), Một thời gió bụi (truyện ngắn, 1993); Ông đại tá và vị sư già (truyện ngắn, 1993), Truyện ngắn Nguyễn Khải (1996)...

Năm 2000, ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt II và từng là Đại biểu Quốc hội 2 khóa và từng là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà văn VN khóa III. 

PVH Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.