Tôi ra đảo hai lần, mỗi lần cách nhau chục năm, nhưng đều đi trên một con tàu, đi cùng một hành trình, cũng thăm từng đó đảo. Tôi muốn đề xuất đi tuyến khác, tàu khác, để được biết nhiều hơn, nhưng mọi người lại bảo: “Đi xem sau bao năm có gì thay đổi không”. Thế là lại vẫn con tàu nhỏ ấy, cũng vẫn nằm trên chiếc giường gỗ ấy, qua Thuyền Chài, Phan Vinh, An Bang, Tiên Nữ…
Sóng gió vẫn thế, đảo xây khang trang hơn. Còn mọi người thì sao? Vũ, một thủy thủ tóc đã lốm đốm bạc, bảo: “Chúng em tìm danh sách nhà báo đi đợt này và biết có anh lại đi”. Chúng tôi còn một vài anh em khác nữa, một người ở buồng máy, một người chuyên sửa ti vi. Chúng tôi giờ đây tóc đã phai màu, đã có gia đình con cái, đã không còn thấy biển cả mênh mông quá nữa. Trường Sa, Hoàng Sa với chúng tôi không còn xa lạ.
Người chỉ huy cũ của con tàu HQ này, từng ra Hà Nội công tác, tìm đến báo Tiền Phong thăm tôi, cùng hai chiến sĩ nữa. Chúng tôi đi ăn trưa ở gần báo. Anh em bảo: “Anh đi về chuyến ấy viết bài dài, cả đơn vị ai cũng đọc, nên nhân đợt này ghé thăm anh”. Mọi người bảo người chỉ huy cũ giờ làm lãnh đạo trên bờ rồi, lãnh đạo vùng. Lại có nhân viên ở nhà khách, nơi chúng tôi trú tránh gió lớn cả tuần, gửi tặng tôi một chiếc đèn bằng vỏ ốc. Nhà khách thì cuộc sống ai nấy đều tốt cả.
Tôi vẫn bị say sóng nhiều, chủ yếu sống nhờ củ đậu, vì tôi không uống sữa. Nửa đêm lại nghe vỗ vỗ: “Mời anh xuống ăn cháo cá”. Thì ra khi tôi ngủ, mọi người đi câu. Bữa cháo cá mú đêm chỉ có mấy anh em chúng tôi. Cả đoàn thì ăn đêm ngoài boong. Chúng tôi ngồi gần phòng máy.
Mười năm trước còn có bác Liên là lãnh đạo vùng này đi cùng, ăn cháo cùng. Chuyến đi ấy gặp gió bão lớn suốt bảy ngày, nhai mì tôm, nấu cơm không được. Đến ngày vào bờ, bác Liên phải nhập viện cấp cứu, da xanh lét, đoàn nhà báo vào tận viện để chào chia tay. Chúng tôi khi ấy cũng mệt lử rồi.
Đảo Phan Vinh đây! “Anh có nhận ra em không?”. Một sĩ quan cao lớn chào tôi vui vẻ. Đang ăn trưa thì có báo động, máy bay lạ xẹt ngang bầu trời, lập tức tất cả vào vị trí sẵn sàng. Máy bay lạ chuồn đi mất. Tôi vẫn đứng trong sân bóng của đảo, chưa kịp chụp tấm hình nào vì chiếc máy bay lạ vụt qua rất nhanh.
Mọi người bảo: “Hồi nọ anh ra đảo, viết bài nói rằng đảo có đàn mà không ai biết đánh đàn, đúng không?”. Chà, nhớ dai nhỉ. Số là báo chí viết “đảo buồn quá, anh em không biết giải trí thế nào”. Lúc đó điện đóm ít lắm, mỗi đêm chỉ xem ti vi một chương trình thời sự. Lập tức các địa phương ồ ạt gửi đàn ghi ta ra tặng. Chuyến ấy tàu chúng tôi mang theo mấy cây đàn mới tinh để thay thế đàn cũ ngoài đảo. Không ngờ đàn ngoài đảo vẫn còn mới nguyên. Lính tráng kể: “Chúng em có biết nhạc đâu mà đánh, nên đàn vẫn nguyên đấy”. Tôi về, có sao viết vậy. Anh sĩ quan này bảo: “Chẳng biết có phải vì anh viết bài đó không, mà bây giờ trước khi đi đảo anh em đều được học đàn ghi ta”. Tôi thấy nhiều tay văn nghệ tốt, đàn hay, thậm chí đệm đàn để ngâm thơ nữa!
Tiên Nữ, hòn đảo xa vẫn đẹp như một bức tranh. Chuyến đi trước tôi đi cùng anh Quyết, phóng viên ảnh TTXVN. Chuyến sau tôi lại đi với con trai của một đồng nghiệp anh Xuân Quyết cũng làm ở TTXVN. Bố của Vũ thủy thủ trước cũng là lính Trường Sa. Như vậy cánh lính và nhà báo đều có mấy thế hệ gắn bó với chủ quyền biển đảo. Người phóng viên trẻ bị say sóng nhiều hơn tôi, nhưng lúc vào việc bạn này nhanh nhẹn, cẩn thận không kém gì các cha chú kinh qua chiến trường.
Chuyến đi trước, sau khi vào đất liền, chừng một tháng thì tôi nhận được phong bì. Hóa ra người đàn anh đi cùng tuyến là nhà báo Đào Văn Sử bên báo Quân đội nhân dân ở TPHCM gửi tặng những bức hình chụp tôi tác nghiệp trên đảo. Anh em chúng tôi chụp các chiến sĩ mà chẳng mấy khi nhớ chụp chính mình. Anh Sử thật là một người cẩn thận.
Chuyến đi này có một phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nữa. Anh phỏng vấn cả các phóng viên chúng tôi, giữa sóng biển gầm rú. Tôi nghe các chiến sĩ bảo ngoài này “nhiều khi đài lạ phát lớn và rõ hơn đài ta”. Dĩ nhiên quân ta không nghe đài lạ. Một chiến sĩ đứng ngoài hành lang, áp tai vào đài, nghe tường thuật trận bóng đá, rồi tường thuật cho anh em khác nghe. Vỗ tay ầm ĩ.
Chuyến đi trước tôi viết phóng sự rồi. Chuyến sau tôi làm phóng sự ảnh đi bắt cá trên Trường Sa. Bộ đội bắt cá khi nước biển rút dần. Tôi đi theo, mải xem bắt cá, ra rất xa, ngẩng lên thấy tàu đánh cá không treo cờ nước nào, đen trũi. Xa chút nữa là đảo của ta bị Trung Quốc chiếm trái phép xây như lô cốt, ngoài nhìn vào không thấy gì, chỉ thấy một khối tròn tròn. Nghe nói có tàu vào xong là cửa sập xuống kín mít. Vậy đấy, còn chúng tôi đi bắt cá ung dung trên đảo chủ quyền của mình.
Đêm nằm trên đảo, thao thức không ngủ được. Vẫn nhớ đến lễ tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống khi bảo vệ từng mét nước, từng tấc đất chủ quyền.
Chuyến đi sau, tôi đã viết một truyện ngắn lấy tên “Chuyến tàu đi trên đồi” tả cảnh ra Trường Sa, truyện đã đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Vào bờ. Truyện đăng xong một tuần, nhận được điện thoại: “Em là Dương ở Trường Sa đây. Anh viết truyện về chúng em à”. Tôi đùa: “Anh viết về bọn em lúc nào?”. Dương cười: “Anh viết về những ai, chúng em đều biết cả. Anh tả đúng quá, nhất là Vũ”. Tôi cũng cười: “Không viết về bọn em thì anh còn viết về ai!”.
Một thập kỷ, hai chuyến đi, trên cùng một con tàu nhỏ bé nhưng can trường, với tôi thật nhiều kỷ niệm. Tôi chỉ tiếc cho bạn Hương Giang phóng viên của VTV. Bạn này từ Hà Nội vào, trực tiếp xin đi ra đảo, nhưng do không có trong danh sách và các mũi đã bố trí hết cả rồi, nữ phóng viên VTV phải ở lại trong bờ. Khi tiễn chúng tôi, nữ phóng viên kiêm biên tập viên đứng trên cầu cảng, nước mắt cô dàn dụa...
Tôi vẫn nhớ đến Trường Sa, Hoàng Sa như nhớ về những người bạn bè cùng thế hệ, hoặc các bậc đi trước, và cả những lớp trẻ sau này. Chính Trường Sa, Hoàng Sa đã hội tụ tất cả chúng tôi trên con sóng bạc đầu.
6/2014
Đảo của ta bị Trung Quốc chiếm trái phép xây như lô cốt, ngoài nhìn vào không thấy gì, chỉ thấy một khối tròn tròn. Nghe nói có tàu vào xong là cửa sập xuống kín mít. Vậy đấy, còn chúng tôi đi bắt cá ung dung trên đảo chủ quyền của mình.