Những kiến nghị sửa đổi luật

TP - Dự thảo Luật Công chứng đã có những đổi mới tiến bộ so với luật hiện hành, đưa ra thêm các quy định nhằm tăng cường chất lượng đào tạo, tập sự, bồi dưỡng công chứng viên, thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên để quản lý hoạt động công chứng tốt hơn…

> Bảy năm thi hành Luật Công chứng: Nhiều kẽ hở
> Thả nổi văn phòng công chứng

Công chứng viên Hoàng Văn Sự (ngoài cùng bên trái) lĩnh án vì không kiểm tra kỹ hồ sơ góp vốn khi ký công chứng, tạo điều kiện cho kẻ xấu chiếm đoạt tiền tỷ. Ảnh: Bảo Thắng.

Tuy nhiên, từ những kẽ hở thực tiễn thi hành Luật Công chứng, nhiều chuyên gia đề xuất thêm những quy định cần có trong Luật Công chứng sửa đổi.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Số báo trước, Tiền Phong đã nêu những sai phạm về thủ tục công chứng của một số công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng. Những sai phạm kiểu này rất khó phát hiện. Khi đương sự muốn khiếu nại, họ rất khó chứng minh.

Chẳng hạn trường hợp công chứng viên không giải thích cho các bên giao dịch biết rõ quyền và nghĩa vụ của mình, nếu đương sự khiếu nại, công chứng viên sẽ giải trình đơn giản “chúng tôi đã giải thích”, khi đó những người giải quyết khiếu nại sẽ rất khó phân định ai đúng, ai sai.

Cả nước hiện có 625 tổ chức hành nghề công chứng (138 phòng công chứng và 487 văn phòng công chứng), tăng gấp 4,77 lần so với năm 2007, số công chứng viên tăng từ 353 người (2007) lên 1.505 người (2013).

Nhiều người cho rằng, sau khi tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên ra đời, tổ chức này cần xây dựng một bộ quy tắc đạo đức công chứng viên. Quy tắc đạo đức sẽ lấp bớt những khoảng hở pháp luật chưa với tới.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra định kỳ và đột xuất các tổ chức hành nghề công chứng, tổ chức các đường dây nóng để giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động công chứng, thậm chí thanh tra ngành Tư pháp cần “vi hành”, vào vai người yêu cầu công chứng để phát hiện sai phạm, những việc như vậy cần có một “hành lang” đủ rộng trong luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Làm sai phải bồi thường

Nếu công chứng viên mắc sai phạm gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức liên quan đến hoạt động công chứng, thì công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng đó phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại. Xung quanh vấn đề này đang có nhiều ý kiến.

Nhiều người cho rằng, luật cần quy định rõ hơn trách nhiệm của công chứng viên. Chẳng hạn khi công chứng một hợp đồng dân sự, nếu hợp đồng có sai phạm, trách nhiệm của công chứng viên như thế nào; nếu gây thiệt hại, trách nhiệm bồi thường ra sao; với những hợp đồng đã được công chứng, khi xảy ra tranh chấp và có thể bị tòa án tuyên vô hiệu, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng phải tham gia phiên tòa với tư cách thế nào…

Việc chứng minh thiệt hại trong những vụ việc kiểu này cũng cần được quy định cụ thể. Thực tiễn cho thấy, chỉ ra sai phạm đã khó, chứng minh thiệt hại còn khó hơn. Nhiều người hy vọng trình tự, thủ tục, phương pháp tính thiệt hại… sẽ được quy định cụ thể trong Luật Công chứng sửa đổi.

Văn bản công chứng không phải “bản án”

Dự thảo Luật Công chứng sửa đổi đưa ra vấn đề, với những giao dịch đã được công chứng, một trong các bên tham gia có quyền yêu cầu các bên còn lại phải thi hành thông qua cơ quan thi hành án. Vấn đề này đang gặp phải nhiều ý kiến phản đối.

Qua Luật Công chứng hiện hành cũng như dự thảo luật sửa đổi, có thể thấy trình tự, thủ tục công chứng không thể chặt chẽ, khoa học, dân chủ như các quy định về tố tụng dân sự. Hoạt động xét xử được giám sát bởi viện kiểm sát, và việc xét xử thường thông qua hai cấp. Dễ thấy vì sao văn bản công chứng không thể là căn cứ để cơ quan thi hành án tổ chức cưỡng chế thi hành.

Trong việc sửa đổi Luật Đất đai, có ý kiến cho rằng cần quy định văn bản giao dịch về bất động sản (chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn, tặng cho…) không cần công chứng. Theo nhiều chuyên gia, việc sửa đổi như vậy chưa phù hợp với thực tế Việt Nam hiện nay.

Theo Báo giấy