Hơn 10 năm nay, nghệ sĩ cải lương Nhất Sinh, Lý Lắc hay vũ công Thu Hồng đón giao thừa bên hàng trăm ngôi mộ tại chùa nghệ sĩ (TP HCM). Công việc của họ là trông nom, chăm sóc phần mộ những đồng nghiệp đã khuất. Nhất Sinh kể, thủa trẻ, ông là một kép đẹp của nhiều gánh hát, từng đón giao thừa ở những nơi xa hoa cùng nhiều người đẹp. Nhưng ở tuổi xế chiều, cuộc đời ông gắn liền với những con người câm lặng đang nằm sâu dưới ba tấc đất.
"Ngày xưa tôi còn có tiền mua xe, mua nhà trước cả Minh Phụng. Giờ Minh Phụng đi trước, còn tôi một thân một mình thức cùng Phụng đón giao thừa", nghệ sĩ tâm sự.
Kép hài Lý Lắc kể ban đầu ông thấy khá sợ hãi và cô độc khi đón giao thừa bên những ngôi mộ nhưng lâu rồi cũng quen. "Họ đều là đồng nghiệp, đàn anh, đàn chị hay thế hệ con cháu mình trong nghề. Kể từ khi mẹ tôi mất, tôi thường xuyên đón những cái Tết cô độc. Nay vào đây còn có anh em, bạn bè, ngẫm ra tôi thấy mình vẫn hạnh phúc và may mắn", Lý Lắc nói.
Nhiều nghệ sĩ cải lương về già không nơi nương tựa đều đón giao thừa lẻ loi, lặng lẽ chỉ với mâm đồ cúng đơn sơ. Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh kể ngày cuối cùng của năm cũ là ngày bà bận rộn nhất. Ai cũng tranh thủ làm đẹp nên cần đến tay nghề của một người làm móng dạo như bà.
"Có năm tôi làm đến gần giao thừa vẫn chưa hết khách. Xong việc, xách đồ nghề đi về thì ngang đường đã thấy pháo hoa bắn đùng đoàng, mùi nhang đốt thơm khắp phố phường. Vậy là đón giao thừa ngoài đường", nữ nghệ sĩ cho biết.
Hoa Mỹ Hạnh khoe năm nay bà đón giao thừa trong chùa - nơi đặt tro cốt của con trai và anh trai. Sau khi nhận tiền công từ vị khách cuối cùng, bà đến ngay chùa để thắp hương cho người thân rồi về phòng trọ nghỉ ngơi để sáng hôm sau tiếp tục công việc làm móng dạo. Tết là những ngày đem lại cho nghệ sĩ thu nhập nhiều nhất trong năm.
Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân (đeo kính) cùng em gái cúng giao thừa trong căn phòng ngổn ngang đồ đạc cũ.
Do sống cùng em gái nên nghệ sĩ cải lương Trang Thanh Xuân có cái Tết chỉn chu hơn một chút. Chỉn chu với Trang Thanh Xuân là "mua chút thịt hộp trị giá mười mấy ngàn đồng trong siêu thị, về nhà nấu thêm nồi cơm là có đồ cúng giao thừa". Giống Hoa Mỹ Hạnh, ngày cuối năm, Trang Thanh Xuân cùng em gái bán vé số tới khuya. Có năm, trở về phòng trọ, hai chị em ngả mình xuống nền nhà ngủ ngon lành vì mệt, quên cả khoảnh khắc đón năm mới. Sáng hôm sau, cả hai lại tiếp tục rong ruổi trên những nẻo đường, bán vận may cho người khác qua những tờ vé số.
Một số nghệ sĩ vì bận rộn đi diễn phục vụ bà con hay có hoàn cảnh đặc biệt mà bất đắc dĩ đón khoảnh khắc đầu tiên của năm mới ở ngoài đường.
Cha con nghệ sĩ hài Tiểu Bảo Quốc sống trong một căn gác xép rộng chừng 6 m2. Nhiều năm trước anh vẫn chạy show đêm giao thừa để con trai ở nhà một mình. Vài năm nay, thu nhập đỡ hơn anh dành thời gian quý báu này bên con.
"Giao thừa, bố con tôi mua đồ về xong mang xuống dưới đường thắp hương chứ nhà chật vậy lấy đâu ra chỗ cúng. Năm nào hai bố con cũng đón năm mới dưới lòng đường vậy đó", nghệ sĩ hài kể.
Diễn viên Hiếu Hiền có những năm đón giao thừa trên xe hơi của gia đình. Bạn diễn, người em thân thiết của anh - diễn viên Minh Tuyền - kể khi vợ Hiếu Hiền mang bầu con thứ nhất, cả hai vẫn đi diễn tỉnh ngày Tết. Hai vợ chồng mang theo cả bếp, nồi xoong, thực phẩm chất lên xe, dừng chân ở đâu thì nấu ăn ở đó và mừng thời khắc giao thừa.
Gần 20 năm "gà trống nuôi con", diễn viên hài Tiểu Bảo Quốc nhiều năm cúng giao thừa dưới lòng đường.
Sau vai diễn ấn tượng trong kịch Người đàn bà uống rượu, Kim Huyền tạm chia tay sân khấu sang Nhật du học. Ở tuổi ngoài 40, lần đầu chị đón cái Tết ở một nơi xa lạ. Chị chia sẻ từng nhiều năm đón giao thừa xa nhà, nhưng khi ở một đất nước khác, nữ diễn viên cảm thấy tủi thân và nhớ quê hương da diết.
"Năm nay tôi sẽ đón giao thừa trên đường phố Nhật Bản cùng một vài người thân. Người Nhật bỏ tục lệ đón Tết Nguyên đán từ lâu nên tôi cảm giác mình sẽ cô đơn lắm. Chưa khi nào tôi nghe đi nghe lại câu hát 'Quê hương là chùm khế ngọt' mà lại khóc nhiều như những ngày xuân về", nữ diễn viên chia sẻ.