'Nhúng' học sinh vào môi trường nghiên cứu

0:00 / 0:00
0:00
Đề tài nghiên cứu của học sinh tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia 2020 - 2021 được Bộ GD&ĐT tổ chức từ 25-27/3
Đề tài nghiên cứu của học sinh tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia 2020 - 2021 được Bộ GD&ĐT tổ chức từ 25-27/3
TP - Từ ngày 25 - 27/3 diễn ra cuộc thi nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia do Bộ GD&ĐT tổ chức tại Thừa Thiên - Huế. Chín năm qua, từ khi có cuộc thi này, nhờ sự vào cuộc hỗ trợ tích cực của các trường đại học (ĐH), học sinh phổ thông đã thực sự được “nhúng” vào môi trường nghiên cứu khoa học.

Toàn tâm hỗ trợ học sinh

Trao đổi với Tiền Phong, TS. Trần Thanh Thưởng, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho biết, trường có chương trình hỗ trợ miễn phí 100 câu lạc bộ nghiên cứu khoa học ở các trường phổ thông trên toàn quốc dựa trên tinh thần yêu cầu đổi mới dạy học theo hướng STEM (Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Toán học) của Bộ GD&ĐT.

Tính đến thời điểm hiện tại, trường đã hỗ trợ thành lập 70 câu lạc bộ. Hằng năm, trường mở trại hè miễn phí 2 tuần cho học sinh ăn ở tại trường để tham quan, làm quen với nghiên cứu khoa học. Sự hỗ trợ của trường bước đầu có kết quả khi những năm qua, học sinh được hỗ trợ tham gia các cuộc thi như Khởi nghiệp quốc gia, Nghiên cứu khoa học (Intel Isef) đều đạt giải cao.

TS. Thưởng vui mừng cho biết thêm vừa qua, sau khi tham gia trại hè của trường, cô học trò Lê Nhật Minh lớp 11C2A trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai đã có sản phẩm dự thi Olympic phát minh và sáng chế thế giới (WICO) 2020 và đã xuất sắc giành huy chương vàng.

Giữa tháng 3 vừa qua, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Chuyển giao tri thức, trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Thái Nguyên đã ra mắt Phòng STEM - STEM LAB để hỗ trợ cho các trường THPT của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận triển khai Giáo dục STEM. Nhờ đó đẩy mạnh phong trào học tập nghiên cứu và sáng tạo của sinh viên, cán bộ giảng viên trẻ của nhà trường.

Phòng STEM's LAB sử dụng công nghệ thực tế ảo cho phép học sinh, sinh viên trải nghiệm học tập phong phú và hấp dẫn hơn nhiều so với việc cung cấp thông qua sách, trang web hoặc thậm chí video.

Lợi đôi đường

Sự gắn kết nghiên cứu khoa học giữa các trường ĐH và phổ thông theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) là lợi đôi đường. Trường ĐH sẽ tuyển sinh được những học sinh thực sự đam mê nghiên cứu khoa học, còn trường phổ thông, ngoài nâng cao năng lực nghiên cứu cho học sinh, giáo viên cũng được một lần học tập, trải nghiệm.

Theo PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, thực tế các trường ĐH và phổ thông có thể phối hợp cùng nhau để làm nghiên cứu những đề tài gần gũi với học sinh. Chính vì vậy, ở các cuộc thi Khoa học kỹ thuật, Ban tổ chức chỉ đánh giá những phần việc học sinh làm được trong đề tài, không chấm đề tài.

Hôm qua, 27/3, tổng kết cuộc thi Khoa học Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia 2020 - 2021, Bộ GD&ĐT đã trao 12 giải nhất, 19 giải nhì, 26 giải ba và 34 giải tư từ 141 đề tài thuộc 69 đơn vị trên cả nước.

Những năm qua, để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên cũng đã từng bước thay đổi phương pháp dạy học. Trong thiết kế chương trình, Bộ GD&ĐT đã tính tới việc này bằng việc xác định kiến thức không hàn lâm, gắn với thực tiễn. PGS. Thành nhìn nhận, trong thời gian tới, đối với STEM ở lĩnh vực nông nghiệp thì khu vực nông thôn sẽ tiến nhanh hơn nhưng đối với lĩnh vực khoa học công nghệ, khu vực thành thị có nhiều thuận lợi.

Tuy vậy, PGS Thành khẳng định, để học STEM thành công thì giáo viên phải có thời gian “nhàn rỗi”, những lớp học sĩ số quá đông khó có thể triển khai. Theo ông, khó khăn nữa là mới có một bộ phận giáo viên tham gia đi đầu tổ chức cho học sinh các hoạt động trải nghiệm, vẫn còn có một bộ phận giáo viên chưa nhập cuôc.

TS. Trần Thanh Thưởng thì nhìn nhận, khả năng nghiên cứu của học sinh tốt vì có trình độ ngoại ngữ, tiếp cận được xu hướng của thế giới nhưng thiếu người hướng dẫn. Giáo viên một số trường phổ thông rất giỏi nhưng đôi khi những đề tài các em đưa ra quá tầm thầy cô.

“Sự phối hợp giữa ĐH và phổ thông sẽ rất tốt cho học sinh. Các trường ĐH có “chất xúc tác” để học sinh làm tốt hơn. Đó là trường có cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm và đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao mà ở trường phổ thông không có được”, TS. Thưởng nói.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.