Những hoạt động ý nghĩa của đồng hành Hoa khôi ĐBSCL 2015

Những hoạt động ý nghĩa của đồng hành Hoa khôi ĐBSCL 2015
TPO - Từ ngày 1/6-8/6, 34 thí sinh vào Vòng chung kết Hoa khôi đồng bằng sông Cửu Long bước vào chương trình đồng hành đầy ý nghĩa với nhiều hoạt động sôi nổi, thú vị. 

Đây là một trong những hoạt động tìm hiểu nét đẹp văn hóa và tinh thần của người dân miền sông nước, mang đến cho thí sinh những kỷ niệm khó quên khi đặt chân đến với vùng đất trù phú Cửu Long giang.

Ngày đầu tiên: Cho sắc đẹp vẹn toàn

Vào ngày 01/6, các người đẹp đã đến thăm salon tóc – Cây Kéo Vàng Tuấn Hà Lan và Trung tâm Thẩm mỹ Công nghệ cao – Trung tâm Chống lão hóa Diamond. Thông qua chuyến đi này, BTC mong muốn mang đến cho các cô gái trẻ cơ hội được tận hưởng những phút giây thư giãn cùng những tư vấn sắc đẹp tốt nhất để chuẩn bị cho hành trình sắp tới.

Cây Kéo Vàng Tuấn Hà Lan sẽ đồng hành với Hoa khôi ĐBSCL 2015 trong suốt chặng đường từ vòng thi Bán kết đến hết Chung kết. Còn Trung tâm chống lão hóa và thẩm mỹ công nghệ cao Diamond mong muốn có thể chăm sóc sức khỏe và làn da của các thí sinh để các bạn sẵn sàng cho vòng chung kết sắp tới

Những hoạt động ý nghĩa của đồng hành Hoa khôi ĐBSCL 2015 ảnh 1
Những hoạt động ý nghĩa của đồng hành Hoa khôi ĐBSCL 2015 ảnh 2

Ngày thứ hai: Tự hào thành phố mang tên Bác


Trong ngày 02/6, các thí sinh vòng Chung kết cuộc thi Hoa khôi ĐBSCL 2015 đã có chuyến đồng hành đầy ý nghĩa khi đi thăm những thắng cảnh đặc trưng của thành phố mang tên Bác, tiêu biểu là công trình văn hóa mới – Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bưu điện Thành phố và Nhà thờ Đức Bà.

Các thí sinh đã cùng nhau ghi hình, chụp ảnh tại phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây là công trình hiện đại, ghi dấu ấn mạnh về mặt kiến trúc của thành phố. Với không gian rộng thênh thang cho mọi người vui chơi thỏa thích, hệ thống nhạc nước lung linh đầy màu sắc, phố đi bộ Nguyễn Huệ kéo dài từ trụ sở UBND TP Hồ Chí Minh đến đường Tôn Đức Thắng là điểm đến của mọi lứa tuổi, nơi giao lưu văn hóa, và là điểm sinh hoạt cộng đồng hay trình diễn nghệ thuật.

Sau đó, các thí sinh cùng nhau tham quan những công trình đặc trưng của thành phố: Nhà Thờ Đức Bà, Bưu Điện Thành Phố. Tại đây, nhiều thí sinh đã thể hiện sự tự tin và niềm tự hào dân tộc khi giao tiếp và giới thiệu về thành phố mang tên Bác với khách du lịch nước ngoài. 

Những hoạt động ý nghĩa của đồng hành Hoa khôi ĐBSCL 2015 ảnh 3

Những hoạt động ý nghĩa của đồng hành Hoa khôi ĐBSCL 2015 ảnh 4

Ngày thứ 3: Hành trình của những giá trị tinh thần

Sau hai ngày đồng hành tại Tp. Hồ Chí Minh, các thí sinh Hoa khôi đồng bằng 2015 bắt đầu hành trình về với vùng sông nước để tìm hiểu lịch sử văn hóa và hành trình bảo vệ đất nước của người dân vùng sông nước.   

Trong sáng ngày 3/6, các cô gái đã có chuyến ghé thăm Công viên Long An Trung Dũng Kiên Cường Toàn Dân Đánh Giặc. Công viên Long An Trung Dũng Kiên Cường Toàn Dân Đánh Giặc có diện tích 62m2 và được đưa vào hoạt động vào ngày 30/4/2010, đúng vào lễ kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước với tổng vốn đầu tư 150 tỉ đồng. Khu công viên được thiết kế phức hợp gồm 3 địa điểm gắn liền với nhau: phía trên là tượng đài, giữa là phòng trưng bày hiện vật chiến tranh và đi sâu vào lòng đất là tầng hầm, khu vực được thiết kế chứa 8 mô hình tượng trưng cho 8 chữ vàng: Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc.

Sau khi làm lễ dâng hương, tham quan khu vực trưng bày, lắng nghe về những gian nan, vất vả nhưng hào hùng của người dân Long An trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong mỗi thí sinh đều dâng lên lòng tự hào dân tộc và sự biết ơn sâu sắc về những hi sinh của ông cha. 

Tiếp nối dòng cảm xúc ấy, buổi chiều, các thí sinh di chuyển đến tỉnh Tiền Giang và tham quan Khu di tích Ấp Bắc. Vừa mới bước chân vào khu di tích, các thí sinh đã được BTC hướng dẫn làm lễ tưởng niệm tại tượng đài Chiến thắng Ấp Bắc, dâng hương khu mộ 3 chiến sĩ gang thép: Nguyễn Văn Đừng, Đỗ Văn Trạch và chiến sĩ Hùng và tìm hiểu về đời sống thời chiến của cán bộ và chiến sĩ Cách mạng nơi đây.

Với quần thể rộng khoảng 2ha, gồm: 1 tượng đài; nhà mộ 3 chiến sĩ gang thép; 3 hồ sen lớn; nhà trưng bày xe tăng,máy bay; khu tái hiện mô phỏng cuộc sống thời chiến, khu di tích Ấp Bắc ghi chiến thắng ngày 2/1/1963, đã đánh bại các chiến thuật bủa lưới, phóng lao, trực thăng vận và thiết xa vận mà đế quốc Mỹ cho là tối tân nhất. 

Các hoạt động đồng hành tìm hiểu về cuộc sống gian khổ thời chiến cùng những hi sinh của những người đi trước mang lại nhiều bài học ý nghĩa với các thí sinh. 

Thí sinh Cao Mộng Thu Huyền (SBD 118, đến từ Bà Rịa Vũng Tàu) bộc bạch cảm xúc: “Lần đầu tiên em được đến với Công viên Long An Trung Dũng Kiên Cường Toàn Dân Đánh Giặc và Khu di tích Ấp Bắc, được xem những hình ảnh chiến đấu gian khổ của lớp người đi trước, em cảm thấy biết ơn và tự hào về lòng dũng cảm, không ngại khó khăn, gian khổ của các anh chiến sĩ để giành độc lập dân tộc. Em cảm thấy mình cần phải cố gắng hơn trong học tập và hoàn thiện bản thân để góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.

Những hoạt động ý nghĩa của đồng hành Hoa khôi ĐBSCL 2015 ảnh 5
Ngày đồng hành thứ 4: Hành trình về miền gạo trắng nước trong

Ngày 4/6, các người đẹp tiếp tục hành trình về với cội nguồn dân tộc khi đi tham quan Bảo tàng Thành phố và Khám Lớn Cần Thơ. Đây là ngày đầu tiên trong chuỗi hành trình 5 ngày tại vùng đất Tây Đô xinh đẹp.

Tọa lạc tại số 1 Ðại lộ Hòa Bình, phường Tân An, quận Ninh Kiều, với diện tích gần 3.000m2, bảo tàng Cần Thơ được xem là bảo tàng tổng hợp có quy mô lớn nhất khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây trưng bày, giới thiệu các hiện vật về đất nước và con người Cần Thơ qua từng thời kỳ lịch sử; giới thiệu các thành tựu kinh tế - văn hóa xã hội của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer… trên địa bàn trong quá trình dựng nước giữ nước cùng những thành tựu kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội của vùng đất Tây Ðô ngày nay.

Khám lớn Cần Thơ có diện tích gần 3.800m2 là nhà tù chuyên phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp và cũng là nơi giam giữ những chiến sĩ cách mạng trong toàn vùng. Khám lớn có tổng cộng 21 phòng giam tập thể cùng nhiều xà lim với chế độ cực kỳ khắc nghiệt, có lúc số tù ở mỗi phòng giam lên đến 150 người trong khi sức chứa quy định chỉ từ 30 – 35 người. 

Trong hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhiều chiến sĩ cách mạng bị giam cầm, xử bắn nhưng vẫn giữ trọn khí tiết, một lòng trung thành với Đảng, với dân. Trong số đó có thể kể đến nhiều đồng chí còn rất trẻ như Trần Đóng (14 tuổi), Nguyễn Ngọc Trai (16 tuổi), Ngô Hữu Hạnh (thường vụ tỉnh ủy Cần Thơ) bị xử bắn sau khởi nghĩa Nam Kỳ 1940.

Thí sinh Nguyễn Thị Nhung (SBD 149, đến từ Thanh Hóa) xúc động: “Đến và thấy những cực hình của thực dân Pháp dành cho những chiến sĩ cách mạng, tôi càng cảm thấy biết ơn những hy sinh mất mát mà cha ông đã ngã xuống để có được hòa bình hôm nay. Là một người trẻ, tôi hứa sẽ làm hết sức mình để tiếp tục gìn giữ nền hòa bình và phát huy tinh thần yêu nước của những người đi trước”.

Những hoạt động ý nghĩa của đồng hành Hoa khôi ĐBSCL 2015 ảnh 6
MỚI - NÓNG