Những hoàng đế Mãn Thanh 'tuyệt tự'

Những hoàng đế Mãn Thanh 'tuyệt tự'
TP - Các hoàng đế Mãn Thanh đều có nhiều vợ và cung nữ nhưng càng về sau số lượng con cháu càng giảm và những hoàng đế sau cùng thì tuyệt tự. Điều này có nguyên nhân từ lối sống và truyền thống hôn nhân của Hoàng tộc.
Những hoàng đế Mãn Thanh 'tuyệt tự' ảnh 1
Quang Tự hoàng đế

Sinh con đẻ cái để duy trì sự thống trị của dòng họ là một trong những  mục tiêu được đặt lên hàng đầu của các hoàng đế Trung Hoa. Theo Kinh Lễ, thiên Hôn nghĩa, thiên tử thì đặt 3 bà phu nhân, 9 bà tần, 27 người thế phụ, 81 người ngự thê.

Lễ ấy nói rằng thánh nhân đặt ra như thế. Không biết ông thánh nào mà có cái óc kỳ quái như vậy? Một người đàn ông mà có đến 120 người đàn bà để phục vụ tình dục thì quả là kinh khủng.

Lễ đặt ra như vậy, song các hoàng đế Trung Quốc đời xưa cũng không có đâu đến số ấy. Duy đến Tùy Dạng Đế thì mới thực sự thi hành theo lễ. Ổng đặt ra 3 bà phi, ngang hàng nhất phẩm; 9 bà tần, ngang hàng nhị phẩm; 12 bà thiếp dư, ngang hàng tam phẩm; 15 bà vừa mỹ nhân và tài nhân, ngang hàng tứ phẩm, tức là thế phụ; 24 bà bảo lâm, ngang hàng ngũ phẩm; 24 ngự nữ, ngang hàng lục phẩm; 37 thái nữ, ngang hàng thất phẩm, tức là ngự thê. Cộng là 120 người, theo lễ của thánh đặt ra.

Thê thiếp hàng đàn như vậy, nhưng số con cái của các đế vương ngày một giảm, chất lượng cũng ngày một kém. Đơn cử như triều Thanh, Hoàng đế Khang Hy có 35 hoàng tử (trai), 20 công chúa (gái); Ung Chính có 10 trai, 4 gái; Càn Long có 17 trai, 10 gái; Gia Khánh 5 trai, 9 gái; Hàm Phong 2 trai 1 gái; đến 3 hoàng đế cuối cùng Đồng Trị, Quang Tự và Tuyên Thống (Phổ Nghi) đều không có con cái.

Đồng Trị cưới hoàng hậu tháng 10/1872, mất tháng 1/1875, trước khi lấy vợ chính thức cũng đã có quan hệ tình dục, nhưng chỉ tính từ sau khi cưới cũng đã có khoảng thời gian 2 năm 3 tháng vui vầy với bầy đàn hậu phi, vậy mà không có được một mụn con.

Quang Tự hoàng đế mất khi 38 tuổi cũng không có người nối dõi nào dù ông có 1 hoàng hậu, 2 bà phi và cả bầy cung nữ xinh đẹp hầu hạ. Còn vị hoàng đế cuối cùng là Tuyên Thống Phổ Nghi thì sống đến 61 tuổi, có tới mấy người vợ dưới 2 chế độ và cả đàn cung phi, vậy mà cũng không thể có lấy nổi 1 người con dù trai hay gái.

Ba hoàng đế liên tiếp của triều Thanh đều không có con cái! Liệu đó có phải là sự sơ suất của các sử gia trong việc ghi chép? Câu trả lời là: Không phải!

Tuy là một vương triều ngoại tộc vào thống trị Trung Nguyên, nhưng nhà Thanh cũng tuân theo tư tưởng truyền thống của phong kiến Trung Quốc “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Trong ba điều bất hiếu, không có người nối dõi là lớn nhất).

Đối với hoàng đế, có con cái nối dõi là một bộ phận làm nên sự tôn nghiêm nên không có chuyện các sử gia sơ suất trong việc ghi chép. Dù các hoàng đế có con trai nhưng bị chết yểu hay chỉ có con gái thì các sử gia cũng không dám bỏ qua.

Thế nhưng, nghiên cứu các sử ký, truyện ký...đều không hề thấy ghi chuyện ba vị hoàng đế này có con với ai. Do đó, ba vị này “vô hậu” là một sự thực chắc chắn. Vì sao ba vị hoàng đế liên tiếp đều không có con là một điều bí ẩn trong lịch sử được nhiều người tập trung giải mã.

Hậu quả của chế dộ hôn nhân nội tộc

Xét từ góc độ y học hiện đại, việc ba vị hoàng đế không có con có mối liên quan chặt chẽ đến tập tục hôn nhân của hoàng tộc Mãn Châu. Theo tập tục hoàng tộc Mãn Châu, sau khi người chồng chết, người vợ  lấy em chồng, thậm chí  lấy con trai, cháu trai làm chồng.

Thanh Thái tổ Nỗ-nhĩ-cáp-xích trước khi qua đời còn dặn lại: “Sau khi ta trăm tuổi (chết), giao các con nhỏ và Đại Phúc Tấn (hoàng hậu) cho Đại A Ca (con trai đầu) thu dưỡng”. Đại Phúc Tấn là vợ cả của Thanh Thái Tổ, Đại A Ca là con trưởng của ông, “thu dưỡng” ở đây là chỉ sau khi hoàng đế chết thì Đại Phúc Tấn thuộc sở hữu của Đại A Ca.

Đời Hoàng Thái Cực, sau khi Bôn-cổ-nhĩ-thái-bối-lặc chết, đám đông các bà vợ của ông được chia cho hai người cháu là Hào-cách và Khưu-thác. Khi người con trai thứ 10 của Thanh Thế Tổ là Đức-các-loại chết, một người vợ được gả cho người em trai là hoàng tử thứ 12 A-tế-cách.

Túc Thân Vương Hào-cách là con trưởng của Hoàng Thái Cực, Đa-nhĩ-cổn là con trai thứ 14 của Thanh Thái Tổ, là em trai của Hoàng Thái Cực, xét về tôn ti thì Đa-nhĩ-cổn là chú ruột của Hào-cách. Nhưng Hào-cách đã lấy một người em gái của thím dâu làm vợ, khi Hào-cách chết thì Đa-nhĩ-cổn đã lấy luôn người cháu dâu này.

Việc hôn phối của khai quốc hoàng đế Hoàng Thái Cực và con trai ông là Thuận Trị hoàng đế là điển hình của việc hôn nhân loạn luân cận huyết trong hoàng gia. Nỗ-nhĩ-cáp-xích, thủ lĩnh bộ lạc Nữ Chân ở Kiến Châu để thống nhất các bộ lạc, đã cưới con gái của Minh An, thủ lĩnh bộ lạc Khoa Nhĩ Tất người Mông Cổ làm vợ, mở ra truyền thống người Nữ Chân cưới vợ Khoa Nhĩ Tất.

Về sau, thủ lĩnh Khoa Nhĩ Tất là Bôn-cổ-tư đã gả 1 con gái, 2 cháu gái cho Hoàng Thái Cực làm hậu và phi; sau đó lại gả 1 cháu và 2 chắt gái cho Thuận Trị - tức là cháu ngoại của mình - để làm hậu và phi nhà Thanh. Mối liên hôn chính trị Mãn – Mông đó đã gây nên sự loạn luân trong triều đình nhà Thanh và để lại hậu quả nghiêm trọng.

Số lượng và chất lượng các thế hệ ngày càng suy giảm

Khai quốc hoàng đế Hoàng Thái Cực hưởng dương 51 tuổi, có 15 người vợ. Họ sinh cho Hoàng Thái Cực 11 con trai, 14 con gái. Trong số 11 hoàng tử chỉ có 7 người sống quá tuổi 16 (trưởng thành), 4 người chết yểu; 13/14 công chúa vượt qua tuổi 16. Tính chung tỷ lệ con cái chết yểu là 20%.

Hoàng đế thứ hai là Thuận Trị chết vì bệnh đậu mùa khi chưa tròn 24 tuổi, có 8 hoàng tử và 6 công chúa, nhưng tỷ lệ chết yểu là 43%.

Hoàng đế thứ ba là Khang Hy thọ được 68 tuổi, có cả thảy 35 người con trai và 20 con gái, nhưng tỷ lệ chết yểu tới 51%.

Mấy hoàng đế tiếp theo khả năng sinh sản giảm hơn nhưng không quá nghiêm trọng. Đến hoàng đế thứ 6 là Gia Khánh thì tỷ lệ con chết yểu đã tới 57%.

Hoàng đế thứ 8 là Hàm Phong nổi tiếng phong lưu, có tới 19 bà hậu, phi có danh phận, nhưng chí có mỗi 2 hoàng tử và 1 công chúa. Hoàng tử lớn chết khi chưa kịp đặt tên, công chúa sống được đến năm 20 tuổi, chỉ còn hoàng tử bé sau này lên ngôi là hoàng đế Đồng Trị.

Đến ba hoàng đế cuối là Đồng Trị, Quang Tự, Tuyên Thống (Phổ Nghi) thì chẳng ai có được mụn con nào.

Vì đâu nên nỗi...

Giáo sư Lương Tấn – chuyên gia nghiên cứu lịch sử y học của Viện Y học Trung Quốc cho rằng: việc ba hoàng đế nhà Thanh “vô hậu” là do họ không có khả năng sinh sản.

Nguyên nhân, theo ông, để họ khoẻ mạnh, từ nhỏ hoàng gia đã bắt họ sử dụng đủ thứ tẩm bổ và được “ngự hạnh” các hậu, phi rất sớm. Chính việc tẩm bổ quá mức và phóng dục quá mức đã khiến họ trở thành những người mất khả năng truyền giống.

“Quá bổ hư tính” – Cơ thể hoàng đế là báu vật quốc gia nên được tẩm bổ hàng ngày, dùng đủ thức thuốc bổ, lượng dùng đều quá mức bình thường, cơ thể không thể hấp thụ được.

Mặt khác các ngự y mỗi người một khác, tiến bổ quá nhiều không những không tăng cường được công năng tình dục mà còn làm hại đến hoạt động sinh lý bình thường. Ngày nay, mỗi khi ai gặp vấn đề về chức năng tình dục là rất căng thẳng, nghĩ ngay đến “thận hư” để ra sức “bổ dương” bằng cách tự mua uống các thứ đồ bổ như Nhân Sâm, Lộc Nhung, kết quả là nhiều người “càng bổ càng hư”.

“Lo nhiều bại tính” - Một lý do quan trọng khiến ba hoàng đế không thể có con là họ trưởng thành và nắm quyền trong bối cảnh loạn lạc trong ngoài, suốt ngày phải lo lắng đối phó, tinh thần luôn căng thẳng, u uất, lâu ngày sẽ sinh ra chứng mộng tinh, liệt dương, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Vào năm 1907, tức một năm trước khi chết, Quang Tự đã tự viết về bệnh của mình như sau: “Di tinh đã 20 năm, mấy năm trước mỗi tháng bị hàng chục lần, nay mỗi tháng bị 2 – 3 lần, nhiều lần chẳng mộng mị, chẳng cương lên mà tinh vẫn ra, nhất là mùa Đông. Mấy năm gần đây bị ít, không phải là bệnh khỏi mà thận đã hư tổn quá rồi, không còn lực mà tiết nữa”.

Quang Tự sinh tháng 8/1871, khi viết những dòng trên vừa tròn 36 tuổi, bị đặc điểm tinh từ khi 15-16 tuổi, mỗi tháng hàng chục lần, bị bệnh nặng như thế thì làm gì có thể sinh “long chủng” được kia chứ? Đối với Đồng Trị và Tuyên Thống e rằng cũng như thế.

Tuyên Thống Phổ Nghi không có con dù có tới mấy hậu lẫn phi. Vì Mãn Châu quốc, hoàng hậu Uyển Dung đã lén lút quan hệ với người tình rồi sinh ra một đứa bé, nhưng Phổ Nghi đã tàn nhẫn ném đứa trẻ vào lò lửa. Tình tiết này đã được đưa lại trong cuốn hồi ký “Nửa đời trước của tôi” mới được tái bản gần đây ở Trung Quốc.

Chứng bệnh liệt dương của cựu Hoàng đế Phổ Nghi đã được Thủ tướng Chu Ân Lai quan tâm. Ông đã thăm hỏi và sắp xếp để Ủy ban trung ương Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc giao cho bệnh viện Hiệp Hoà Bắc Kinh khám và chữa bệnh cho Phổ Nghi.

Bệnh án có ghi: “Bệnh nhân khi lên ngôi hoàng đế 30 năm trước đã bị liệt dương, đã liên tục chữa nhưng vô hiệu... Đã 3 lần kết hôn nhưng vợ đều không sinh con”. Thế là theo chỉ thị của Thủ tướng, Hội nghị Chính trị Hiệp thương đã tìm mọi cách để khôi phục khả năng tình dục của vị Ủy viên đặc biệt Phổ Nghi. Với sự ra tay của các chuyên gia hàng đầu, nghe nói tình hình cũng đã có biến chuyển tốt...

Lan Hương – Thu Thủy
Theo Tân Hoa, Easea.net, Trung Quốc

MỚI - NÓNG