Những “hiệp sỹ” của người lang thang

“Bờm” chụp ảnh cùng ông lão vô gia cư
“Bờm” chụp ảnh cùng ông lão vô gia cư
TP - Phía sau một Hà Nội thong dong, yên bình vẫn còn không ít những nốt nhạc trầm, những mảng màu tối. Trong đó phải kể đến cuộc sống của những người vô gia cư. 10 năm qua, nhóm thiện nguyện của “Bờm” qui tụ hàng trăm bạn trẻ đã góp phần sưởi ấm cho những mảnh đời cô đơn bằng những việc làm thiết thực.

Sinh năm 1990 tại Hà Nội, Nguyễn Đức Huy được cộng đồng mạng biết đến với biệt danh “Bờm”. “Bờm” có gương mặt và nụ cười hiền lành song gây sợ ít nhiều với người lần đầu tiếp xúc bởi những hình xăm đỏ, đen chẳng cần che  đậy nơi cánh tay. “Bờm” kể: Anh mồ côi mẹ từ năm 11 tuổi. Cú sốc lớn khiến “Bờm” trở nên hung hăng, lì lợm.

Suốt 5 năm liền, “Bờm” nằm trong danh sách học sinh cá biệt, thường bị các chú công an “hỏi thăm” vì hay đánh nhau. Đến năm lớp 11, “Bờm” suy nghĩ lại, thấy cuộc sống của mình trôi qua vô ích, nên quyết tâm thay đổi. “Bờm” vừa học, vừa đi làm thuê. Tuổi mới lớn, ham ăn ham ngủ, có lần đang rửa bát, “Bờm” ngủ gật bị chủ cho cái tát “nảy đom đóm mắt”. Cuộc sống khắc nghiệt khiến “Bờm” dễ động lòng với những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Học hết cấp 3, “Bờm” xin được “chân” bưng bê bia ở một nhà hàng trên đường Hoàng Hoa Thám. Đêm hôm ấy, tầm 11 rưỡi, đạp xe qua vườn hoa, “Bờm” trông thấy hai mẹ con nhà nọ ngồi ôm nhau khóc rất to. Dừng xe lại, “Bờm” tiến đến hỏi han sự tình. Người phụ nữ kể: Chị và con nhỏ bị chồng đánh, đuổi ra ngoài. Hai mẹ con lang thang mấy ngày rồi, con nhỏ đói sữa.

Nghe chuyện, “Bờm” giật mình, vội vã đi tìm sữa giữa đêm khuya, cậu gõ cửa một nhà người quen bán hàng, trình bày sự việc. Vét hết tiền “Bờm” chỉ đủ mua một lốc sữa, chủ cửa hàng thương tình cho không cái bánh mì. Anh mang tất cả đi “cứu đói”. “Đến bây giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi hình ảnh em bé mút sữa, mút một hơi, hết luôn một hộp”, “Bờm” nhớ lại.

Những ngày sau, khi đi làm về anh đều xin đồ ăn ở quán bia, mang cho hai mẹ con tội nghiệp. Khoảng một tuần sau, người đàn bà và đứa trẻ mất hút, không để lại một dòng địa chỉ. “Bờm” lo lắng đi tìm. Trên đường đi, “Bờm” gặp một ông già thản nhiên nằm ngủ dưới mưa, thấy lạ, lại tạt vào hỏi chuyện. Hai ông cháu trò chuyện đến tận 2, 3 giờ sáng. “Bờm” trở về nhà  trong đêm mịt mù và quan sát, hóa ra Hà Nội không chỉ có hai mẹ con ôm nhau khóc ở vườn hoa hay ông già nằm ngủ dưới mưa, mà còn nhiều phận đời lang thang cơ nhỡ.

Từ đó, “Bờm” nảy ra ý định: Phải trợ giúp họ, ít nhất, giúp họ có một bữa cơm. “Bờm” cùng hai người anh họ xin đồ ăn không dùng hết ở nơi làm việc. Về nhà, họ phân loại, rồi chế biến. Người chia thức ăn, người đảo lại thức ăn, người đóng hộp. Sau đó ba anh em chở nhau đi phát  thức ăn cho người vô gia cư. Song họ chỉ phát được vài hộp, không biết những người vô gia cư “Bờm” vẫn gặp hằng đêm đã đi đâu. Hóa ra, phát cơm cũng không hề dễ!

Từ đó, mỗi  khi gặp người vô gia cư, ba anh em đều hỏi chuyện, ghi chép cẩn thận rồi lên cung đường phát cơm, bắt đầu ở điểm nào, kết thúc ở điểm nào, để công việc hiệu quả nhất lại không gây phiền đến đời sống của người dân bình thường. Công việc của ba người kéo dài khoảng 2 năm thì tan rã, hai người anh không thể tiếp tục tham gia hoạt động thiện nguyện vì họ đã đến tuổi lập gia đình.

May mắn, lúc này xuất hiện mạng xã hội. Một mình “Bờm” đi phát cơm, anh chụp lại cuộc sống của những người lang thang ở thủ đô, sau đó “up” facebook. Những hình ảnh này đã tác động mạnh tới cộng đồng mạng. Đầu tiên, những người bạn học của “Bờm” xin đi theo. Họ lại thuyết phục những người khác tham gia. Đến nay trang “Chia sẻ vì cộng đồng” do “Bờm” lập ra đã có hơn 1.000 thành viên.

Trời mưa thì mặc trời mưa…

Hà Nội một đêm cuối tuần trước cơn bão lớn, tôi rời quán cà phê quen thuộc để trở về nhà, khoảng 11 giờ đêm. Trong khi lấy xe, tôi trò chuyện đôi câu với bà lão ôm bịch tải ngồi tựa lưng vào chiếc cột  và bất ngờ khi thấy mấy bạn trẻ từ bên đường đi tới, kính cẩn đưa cho bà một hộp thức ăn cùng chai nước khoáng loại nhỏ. Tôi gặp “Bờm” và nhóm thiện nguyện trong hoàn cảnh như vậy. Khi nhóm bạn trẻ đi xa, tôi mới hỏi bà lão: “Cơm thiện nguyện có ngon không?”. Bà lão vui vẻ đáp: “Ngon lắm. Còn nóng hổi”.

Hóa ra, cứ đêm thứ 6, bà lão lại nhận được một suất cơm như vậy. Nhóm thiện nguyện phát cơm cho người vô gia cư vào thứ 6, phát cháo ở bệnh viện K1, K2, K3 vào thứ 2, thứ 4, thứ 6. Vào những đợt Hà Nội nắng nóng, họ còn tổ chức 3 điểm đặt bình nước, để cung cấp nước uống cho những người qua đường. Những hoạt động thiết thực, có ích với cộng đồng tạo cảm hứng lớn. Một người phụ nữ chuyên nấu ăn ở chùa Quán Sứ (Hà Nội) đã nhận công việc chợ búa, nấu nướng giúp nhóm thiện nguyện. Những người dân ở những điểm đặt bình nước cung cấp cho người qua đường đã tự nguyện cất bình nước giúp nhóm hoặc “alo” cho nhóm khi hết nước.

Hiện nay, nhóm chưa có nhà hảo tâm tài trợ, chủ yếu vẫn tự đóng góp để duy trì hoạt động. Mỗi thành viên khi tham gia đi phát cơm, phát cháo đóng 50 ngàn đồng, còn “Bờm” sẽ chịu trách nhiệm đóng phần còn thiếu. Nhóm lên đến vài trăm người, hoạt động luân phiên, nên lúc nào đi phát đồ thiện nguyện cũng đông vui, khoảng 20-30 người. Đa phần họ là những người trẻ tuổi, đang đi học hoặc mới đi làm. Thay vì vào quán uống cà phê hay trà sữa, những người trẻ này tự nguyện dùng số tiền ấy để sưởi ấm phần nào cho những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Họ tập trung chủ yếu vào người vô gia cư.

Theo quan sát của họ, hiện nay Hà Nội có khoảng 160 người sống lang thang thường trực. Họ nắm khá vững hoàn cảnh của từng người. Như bà lão ôm bịch tải ngồi dựa cột ở quán cà phê đối diện ga Hà Nội được họ tiết lộ cụ thể:  “Bà lão thuê phòng ngay bên đường, phòng bà thuê bé xíu như… nhà vệ sinh. Bà bị bệnh tai biến, thỉnh thoảng lên cơn co giật”. Có lần, nhóm đã phải khiêng bà từ đường vào nhà. Buổi tối đi phát cơm nếu không thấy bà lão đâu, họ lại đi tìm.

Chính vì nắm vững lai lịch, hoàn cảnh của người vô gia cư nên nhóm thiện nguyện đã phát hiện một số trường hợp người vô gia cư chết cứng, không ai biết. Những hình ảnh này được họ chụp lại đưa lên trang “Chia sẻ vì cộng đồng” để kêu gọi mọi người cùng chung tay san sẻ khó khăn với những mảnh đời cô đơn, bất hạnh.

Trong túi đựng hộp cơm và nước uống, họ để lại một tấm card, giúp người lang thang tiện liên lạc khi có việc cần. Ngay cả khi 3, 4 giờ sáng, nếu người vô gia cư gọi, họ đều phân nhau đến nắm tình hình và trợ giúp. Dịp tết, nhóm còn quan tâm tới những bệnh nhân ở bệnh viện bỏng: “Các em bé vùng sâu, vùng xa hay bị ngã vào nồi bánh chưng. Nếu chúng tôi xác minh được hoàn cảnh của các bé khó khăn thật sự, sẽ kêu gọi cộng đồng trợ giúp”.

Hoạt động thiện nguyện dành cho những người vô gia cư gặp không ít khó khăn. Ngay như việc phát cơm đã gây tị nạnh, có những người không phải vô gia cư cũng xin cơm, hoặc “ghen” với người được nhận cơm. Để nhận diện chính xác người vô gia cư không có cách nào khác, ngoài việc lăn lộn thật sự với công việc.  Cũng có người nghi ngờ nhóm làm thiện nguyện để “đánh bóng” hoặc để “ăn chặn”. Nhóm biết, song họ không bận tâm nhiều. Cứ việc mình, mình làm. Người hiểu cho thì quí, không hiểu cũng đành.

Ít người biết rằng, thời chưa vợ con, công việc bấp bênh, “Bờm” còn phải nhịn ăn để dành tiền mua thức ăn làm thiện nguyện. Có dạo, nhóm bán cơm 2.000 đồng, một phụ nữ bán rau đi qua thắc mắc: Cơm 2000 đồng thì… ăn gì? Họ lí giải: Vừa bán, vừa cho, chủ yếu hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn. Người phụ nữ bán rau mua một hộp cơm và trả 100 ngàn đồng. Số tiền thừa bà muốn đóng góp vào hoạt động thiện nguyện. Thỉnh thoảng bà lại ủng hộ vài mớ rau. “Của ít lòng nhiều”, sự đồng cảm của người phụ nữ bán rau khiến nhóm thiện nguyện thêm nhiệt huyết.

10 năm qua, ngày nắng nóng cực điểm hay bão mưa tơi bời, nhóm vẫn đi phát cơm, phát cháo. Có những người rời nhóm vì hoàn cảnh riêng, nhóm lại đón những thành viên mới, không bao giờ thiếu  sự rôm rả. “Bờm” nói: Những năm trước còn phải “alo” nhắc mọi người việc nọ, việc kia. Nay không cần phải nhắc, mọi người đều tự giác.

Từ tò mò đến gắn bó

Họ đều là những người trẻ chưa có nền tảng kinh tế vững vàng. Như “Bờm” đã lập gia đình, sinh con song vẫn ở nhà thuê. Các bạn trẻ khác cũng không khấm khá hơn. Đóng góp mỗi buổi tham gia thiện nguyện 50 ngàn đồng,  là số tiền không nhỏ với những người chưa dư dả. Tham gia một hoạt động đã không có “lương” lại tốn thời gian, tốn công sức, tốn chi phí, lí do nào khiến người trẻ tích cực?

“Bờm” cho biết: “Ngoài thời gian phát cơm, phát cháo, làm việc thiện nguyện, nhóm cũng tổ chức gặp gỡ vui chơi, ăn uống. Đây là một cách xây dựng thiện cảm cho nhóm, khiến mọi người muốn tham gia lâu dài”. Song hơn hết, hoạt động thiện nguyện là một trải nghiệm tích cực của người trẻ. San sẻ với người có hoàn cảnh khó khăn cũng là một cách như “Bờm” nói: “Tự mình làm thỏa mãn mình. Người ta có hộp cơm ăn, người ta vui, mình cũng vui lây”.

Những “hiệp sỹ” của người lang thang ảnh 1

Hộp cơm, hộp sữa dành cho người đàn bà lang thang đang ngủ

Những “hiệp sỹ” của người lang thang ảnh 2

Những bạn trẻ tham gia nhóm thiện nguyện

Những “hiệp sỹ” của người lang thang ảnh 3

Mang chăn ấm giúp người lang thang xua giá lạnh mùa đông

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.