Những hệ lụy từ gầm cầu quá thấp

Xe chở khách đâm vào gầm cầu Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) đêm 9/8 làm bay nóc khiến 19 người bị thương. ảnh: Tiến Hưng
Xe chở khách đâm vào gầm cầu Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) đêm 9/8 làm bay nóc khiến 19 người bị thương. ảnh: Tiến Hưng
TP - Ở ĐBSCL, nhiều cầu bê tông vĩnh cửu bắc qua sông hoặc đường bộ có gầm cầu quá thấp, gây ra nhiều hệ lụy cho dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa.

Ách tắc đường bộ

Điển hình là chiếc cầu Sập ở xã Vĩnh Hưng A (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), bắc ngang con đường từ trung tâm huyện Hồng Dân ra Quốc lộ 1A. Theo quy định, gầm chiếc cầu này phải cao trên 4,5 m, nhưng để giảm tiền đầu tư, địa phương cho hạ xuống chỉ hơn 2 m và làm đường vòng tránh.

Cầu được khởi công xây dựng năm 2010 đến năm 2012 hoàn thành khoảng 90% khối lượng thì hết tiền và dừng lại cùng với đường vòng tránh chưa xong, biển báo không có. Gần nửa đêm 9/8, chiếc xe khách 83N- 3505 chui vào gầm cầu, bị bóc toàn bộ phần nóc, làm bị thương 19 người, trong đó có 3 người nguy kịch.

Tại xã Vĩnh Phú Đông (Phước Long, Bạc Liêu), cầu Thầy Thép trên đường Quản Lộ-Phụng Hiệp dài 45,9 m; rộng 8 m bắc ngang con đường chính của xã. Cầu chỉ cao khoảng 2 m, cũng đang gây ách tắc lớn.

Ông Nguyễn Văn Lưu, người dân ở gần cầu, cho biết: “Từ ngày có cầu, muốn đưa máy móc ra ruộng hay vận chuyển lúa bằng xe tải về nhà đều vướng cầu, không thể đi được. Đường của xã đã được đầu tư cho xe bốn bánh chạy tốt nhưng cây cầu đột nhiên bắc ngang thì đường xã bế tắc”.

Những hệ lụy từ gầm cầu quá thấp ảnh 1

Cầu bắc ngang đường Nguyễn Văn Trường ở nội ô Cần Thơ

Đường Quản Lộ - Phụng Hiệp dài hơn 111 km, từ thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) đi qua tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu đến TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), được mở mới hoàn toàn, khởi công năm 2005, khánh thành năm 2011, tốn hơn 2.200 tỷ đồng.

Con đường chạy giữa vùng sâu vùng xa, rút ngắn khoảng cách từ Hậu Giang về Cà Mau so với quốc lộ 1A và mở ra điều kiện phát triển cho nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, trên con đường này có 78 cây cầu, một số cầu có gầm thấp tương tự như cầu Thầy Thép, đang hạn chế hiệu quả đầu tư. 

Ở nội ô TP Cần Thơ có cầu Rau Răm trên đường Nguyễn Văn Cừ đoạn mới mở, dài 62,2 m, bắc qua đường Nguyễn Văn Trường rộng 6 m. Đường Nguyễn Văn Trường đã được tráng nhựa, nối phường An Bình và Long Tuyền, lưu lượng xe rất lớn. Nhưng gầm cầu Rau Răm cao chỉ khoảng 2 m, từ khi xây dựng đã làm ách tắc đường Nguyễn Văn Trường.

Ông Nguyễn Văn Phước ở khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền, cho biết: “Trước đây, người dân chở hàng hóa bằng xe tải từ phường ra lộ Vòng Cung, đem đến chợ nổi Cái Răng bán dễ dàng.

Nhưng từ 4 năm nay, xuất hiện cầu Rau Răm gầm quá thấp thì xe tải lớn không chui qua được dưới cầu, phải đi đường vòng xa thêm 5 km hoặc phải thuê người bốc hàng sang phương tiện khác rất tốn kém”.

Cùng khu vực là ông Nguyễn Văn Thiện bức xúc: “Trước đây, vùng này sung túc, đất đai nhiều người đến hỏi mua. Từ khi có cầu chắn ngang, xe du lịch 16 chỗ không còn vô được nên đất cũng mất giá”.

Cản trở đường thủy

Ngày 6/11/2011, tỉnh Sóc Trăng tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Maspero bắc qua sông Nguyệt, nối đường Lý Thường Kiệt và đường Phạm Hùng ở TP Sóc Trăng. Tổng kinh phí xây dựng là 73 tỷ đồng. Cầu Maspero tạo thêm nhiều thuận lợi cho người dân đi đường bộ nhưng lại cản trở đường thủy nghiêm trọng. 

Những hệ lụy từ gầm cầu quá thấp ảnh 2

Cầu có thông thuyền chỉ cao 1,5 m trên sông Nguyệt ở Sóc Trăng

Cầu dài 85 m, rộng 14 m, khoang thông thuyền rộng 15 m nhưng cao chỉ có 1,5 m nên tàu thuyền qua lại trên sông Nguyệt vô cùng khó khăn. Ông Nguyễn Văn Sáu, chủ một chiếc ghe chở gạo, cho biết: “Ghe của tôi có chiều cao tính từ mớn nước lên đến vị trí đặt máy là 1,5 m, phía trên có mái che cao hơn 1 m nữa, mỗi khi chở lúa gạo đi qua đây, phải chờ nước ròng mới đi qua được nhưng phải hạ mái che xuống”.

Cũng chính vì điều này mà nhiều chủ ghe vận tải trên sông Nguyệt đã phải làm lại mái che nóc theo kiểu di động, khi chui qua cầu hạ xuống, xong rồi kéo lên.

Một chủ tàu sắt chở gạo từ tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Tàu của tôi tải trọng mấy trăm tấn, chở lúa gạo cho các nhà máy ở bên sông nhưng bị cầu Maspero chặn ngang đường đi, khi nước lớn không thể chui cầu, khi nước ròng thì tàu khó chạy, làm ăn khổ sở vô cùng”.

Những hệ lụy từ gầm cầu quá thấp ảnh 3

Cầu trên đường Quản Lộ - Phụng Hiệp đè đường xã ở Bạc Liêu

Dọc hai bên bờ sông Nguyệt từ lâu có nhiều nhà máy, kho hàng của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng. Từ khi xuất hiện cây cầu bê tông vĩnh cửu, những cơ sở phía ngoài cầu vẫn hoạt động nhộn nhịp với nhiều tàu thuyền tải trọng tới hàng ngàn tấn cập bến, còn các cơ sở ở phía trong cầu thì đìu hiu, chỉ lơ thơ những chiếc thuyền nhỏ. Chủ các cơ sở kinh doanh phía trong cầu đang rất bức xúc, mong đập cây cầu này để xây cầu mới có gầm cao hơn.

Không ai chịu trách nhiệm

Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra dưới cầu Sập ở tỉnh Bạc Liêu, đêm 9/8. Chủ đầu tư là Ban quản lý xây dựng cơ bản huyện Vĩnh Lợi giải thích, xây gầm thấp để giảm tiền đầu tư là “chủ trương của tỉnh”.

Đơn vị thi công, Cty CP Xây dựng Hằng An nói “đã cắm biển báo đường rẽ”. Nhưng lúc tai nạn xảy ra không còn biển báo, GĐ Sở GT&VT tỉnh Bạc Liêu Ngô Hữu Dũng cho biết, đã phê bình tổ đi kiểm tra khi thấy mất biển báo mà không khắc phục.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.