> Ngành kiểm sát có nhiều đổi mới, song còn khiêm tốn
> Nóng nhưng không mới
“Theo báo cáo của văn phòng HĐND, tại thời điểm điểm danh đầu giờ chiều nay có 21 đại biểu vắng mặt. Tuy nhiên trong điểm danh bằng máy đầu giờ lại chỉ thể hiện có 11 đại biểu vắng mặt. Chủ tọa đề nghị các đại biểu nghiêm túc thực hiện việc điểm danh, không điểm danh hộ những đại biểu vắng họp hoặc đến muộn” - Báo Tuổi Trẻ trích dẫn thông báo của người điều hành phiên thảo luận. Thậm chí, cũng theo tờ báo này, đến khi biểu quyết thông qua nghị quyết, chỉ có 76/95 đại biểu tham gia, vẫn vắng tới 19 vị.
Hiện 7 triệu dân Hà Nội có 95 vị đại biểu HĐND, tính ra mỗi vị đại biểu HĐND sẽ đại diện cho 73.684 người dân. Như vậy 21 vị vắng mặt trong phiên thảo luận chiều 6-12 đang đại diện cho trên 1,5 triệu người dân.
Bất luận vì lý do gì, có phép hay không phép, song sự vắng mặt của họ vô hình trung đã khiến 1,5 triệu dân Hà Nội mất đi tiếng nói tại cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương tại thời điểm đó.
Nếu những ông nghị, bà nghị này luôn ý thức được trọng trách to lớn này, hẳn những hàng ghế trên nghị trường mỗi phiên họp sẽ đỡ trống vắng hơn, sẽ nồng ấm trách nhiệm hơn với dân - những người đã bầu cho họ. Không biết có vị nào điểm danh hộ không, nhưng nếu điều tệ hại đó xảy ra, khác nào vị đó đang nói dối dân?
Ở cấp độ Quốc hội, ngót 500 vị đại biểu đại diện cho 88 triệu dân, vị chi mỗi vị đại diện cho 176.000 dân. Trọng trách lo việc dân, việc nước cũng lớn hơn, ấy vậy mà kỳ họp vừa qua có vị vắng mặt vì những lý do rất “việc nhà” kiểu như đi nước ngoài dự lễ tốt nghiệp của con kết hợp khám sức khỏe định kỳ.
Vẫn biết các vị đại biểu, nhất là các đại biểu không chuyên trách, rất bận rộn. Họ phải điều hành công việc cơ quan, tổ chức trong lúc vẫn phải ngồi dài ngày trên ghế nghị trường bàn việc dân, việc nước.
Song đã là đại biểu của dân, đã nhận trọng trách dân giao phó, thiết nghĩ rất cần một sự hy sinh lớn lao để không chỉ tối thiểu là dự họp đầy đủ, mà còn phải thực hiện tốt phận sự “đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”, theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.
Hình ảnh những hàng ghế trống trên nghị trường khiến ta liên tưởng tới sự trống vắng trách nhiệm với dân, lẽ nào người dân lại đi bầu cho những chiếc ghế trống ?