Nhiều vi phạm ở bãi sông Hồng qua Hà Nội: Ai bảo kê?

Những 'góc chết' nhìn từ lòng sông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các chuyên gia cho rằng, nếu thành phố Hà Nội muốn phát triển du lịch hai bên bờ sông Hồng, ngoài công khai quy hoạch, còn phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy hoạch đó, không để các cá nhân, doanh nghiệp tranh thủ xâm lấn, xây dựng manh mún rồi hợp thức hóa…

Nhiều chuyên gia thống nhất, tiềm năng lớn nhất, tương lai nhất của sông Hồng qua nội thành Hà Nội là vận tải khách - tức là dịch vụ du lịch trên sông. Những người làm trong ngành du lịch lâu nay luôn khát khao Hà Nội có được mô hình du lịch trên sông Hồng như sông Hàn ở Seoul, Hàn Quốc hay sông Seine của Paris, Pháp…

Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế du lịch trên sông Hồng, cho thấy, cảnh quan hai bên sông Hồng nhiều chỗ còn hoang sơ. Đoạn qua nội thành có nhiều công trình xây dựng nhưng lại luộm thuộm, nhà chủ yếu vẫn “quay lưng” ra sông. Một số đoạn sông là nơi tập kết rác thải, phế thải xây dựng, khai thác cát… dễ làm khách tham quan có ấn tượng xấu. Nhiều khu vực được đầu tư thành “khu sinh thái”, “thảo viên”, công viên để phục vụ khách du lịch nhưng đều được làm theo kiểu phân lô, quy mô nhỏ và tuyệt đại đa số là xây dựng trái phép, trá hình dưới dạng dự án nông nghiệp nên cũng tạo ra khung cảnh nhộm nhoạm. Đại diện đơn vị cung cấp dịch vụ tua du lịch trên sông Hồng hiện nay cho biết, phong cảnh hai bên sông luộm thuộm là lý do khiến họ đã kinh doanh 20 năm nhưng vẫn không phất lên được.

Những 'góc chết' nhìn từ lòng sông ảnh 1

Nhìn từ dưới sông Hồng, nhiều nơi ở hai bên bờ sông xấu xí. Ảnh: Long Vân

Các nhà đầu tư các khu du lịch, khu sinh thái ven bờ sông Hồng cũng rơi vào tình trạng như ngồi trên đống lửa. Họ bỏ vốn đầu tư rất lớn, kinh doanh đông khách nhưng luôn nơm nớp vì công trình, dự án không có phép hoặc có phép nhưng hoạt động không đúng với giấy phép.

“Tình trạng đổ thải lấp sông đang khiến lòng sông không được thẳng. Không có quy hoạch, nhà cửa mọc lên lổn nhổn tức mắt. Thà rằng, bờ sông là bãi đất trống, là bãi cỏ, du khách nhìn vào còn mát mắt, còn đẹp. Hà Nội cần có quy hoạch sớm, quy hoạch cứng và phải công khai. Khi đó, người dân biết có quy hoạch sẽ không mua bán, xây dựng...”.

Ông Lưu Đức Kế Nguyên Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist

Trong các dự án du lịch lớn được đầu tư bên sông Hồng phải kể đến dự án Làng văn hóa du lịch và ẩm thực Nắng sông Hồng (phường Bồ Đề, quận Long Biên). Từ trên cao nhìn xuống, đại công trình rộng 5,3 ha này giống như một quần thể làng việt cổ đẹp mắt. Đây là nơi thu hút được lượng khách lớn, tạo thành điểm nhấn về không gian, hoạt động văn hóa bên bờ sông Hồng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, cán bộ phường Bồ Đề cho biết, những khu vực xây dựng trong Nắng sông Hồng là không được phép. Những vi phạm này là tồn tại cũ, chủ đầu tư đang trong quá trình khắc phục…

Tương tự, như đã phản ánh ở bài 1, khu sinh thái Đầm Tránh rộng đến 22 ha tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên được các nhà đầu tư đổ vốn đầu tư ước đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, chính quyền địa phương khẳng định đây là dự án nông nghiệp, các công trình, dịch vụ phi nông nghiệp như nhà hàng, đua xe… tại đây đều sai phép và sẽ phải dỡ bỏ. Một nhà đầu tư trong dự án này cho hay, anh đã đầu tư hai mươi tỷ đồng tại đây, chủ yếu là hạng mục liên quan đến cây trồng. Sau đó, dự án mở mang thêm các hạng mục khác và đang rơi vào tình trạng lơ lửng về pháp lý; các công trình có thể bị phá bỏ bất cứ lúc nào… Nhiều chủ nhà hàng, khu sinh thái, sân tập golf khác ở bãi sông Hồng khi trao đổi với chúng tôi cũng đều ái ngại về tính pháp lý của dự án. Nếu đầu tư xây dựng lớn, họ rất lo sau này bị phá dỡ; đầu tư nhỏ lại rơi vào tạm bợ và cũng không ít lãng phí.

Những 'góc chết' nhìn từ lòng sông ảnh 2

Nhiều chỗ ăn nghỉ núp dưới những lùm cây trên bờ sông Hồng

Cần chấm dứt kiểu làm mánh khóe

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thành phố Hà Nội đã có quy hoạch phân khu sông Hồng nên các cá nhân, tổ chức muốn làm kinh tế phải tính toán để không làm trái, gây lộn xộn trong quản lý đô thị. Dĩ nhiên, theo ông Chức, nếu làm trái quy hoạch thì họ là người đầu tiên bị ảnh hưởng về kinh tế.

Cụ thể, theo TS Chức, thành phố Hà Nội chắc chắn phải xử lý nghiêm những hoạt động san lấp, đổ thải, lấn chiếm xây dựng trên đất bãi sông Hồng. Đến khi bị xử lý, cưỡng chế… việc hủy hoại các tài sản đó đều là sự lãng phí. Vì thế thay vì tuỳ tiện, bất chấp làm trái quy định, tự do san lấp, phá cảnh quan môi trường, cá nhân, tổ chức nên cùng thành phố thực hiện đúng theo quy hoạch. Có như vậy, sông Hồng mới trở thành con sông hiền hoà giữa Thủ đô văn hiến. “Mỗi cá nhân, tổ chức với trách nhiệm của mình nên thực hiện đúng chứ không nên sử dụng mánh khoé, tranh thủ lúc nửa đêm, gà gáy tranh thủ đào lấp, thay đổi hiện trạng. Cùng với đó, cán bộ địa phương, người quản lý cũng phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh. Tôi tin rằng, dư luận, người dân đều đồng tình xử lý nghiêm những vi phạm, không để những lý do này nọ để trì hoãn, không thể phạt cho tồn tại được” - ông Chức nói.

Những 'góc chết' nhìn từ lòng sông ảnh 3

Nhìn từ trên cao, các điểm vui chơi, du lịch bên bờ sông Hồng được chia thành các ô, khoảnh nham nhở

Cũng ông Chức cho rằng, muốn làm được điều đó, thành phố Hà Nội cần công khai quy hoạch, phổ biển để người dân biết, giữ gìn các khu vực ven sông. Nếu thực hiện đúng quy hoạch thì giá trị thật từng tấc đất ngày một tăng và chất lượng cuộc sống của người dân ở Hà Nội ngày càng cao. Và đương nhiên, khi công khai quy hoạch thì sẽ tránh được những hiện tượng, những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm”, TS Chức cho hay.

Ông Lưu Đức Kế, nguyên Giám đốc Cty Lữ hành Hanoitourist (Tổng Cty Du lịch Hà Nội), cho biết, thành phố Hà Nội cần công khai và thực hiện nghiêm theo quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Theo ông Kế, thành phố Hà Nội muốn làm bài bản thì quy hoạch phải đi trước một bước. Quy hoạch xây dựng hai bờ sông Hồng đã có, cũng đã có những doanh nghiệp xin làm kè sông Hồng, đo dòng chảy, độ nông sâu để tính nhưng rồi lại dừng. “Theo tôi, Nhà nước, Chính phủ cần đứng ra làm vì sông Hồng chảy qua nhiều tỉnh, không riêng Hà Nội, có thể thực hiện giống như làm đường cao tốc Bắc - Nam. Có tiền thì làm nhiều, ít tiền thì làm từng đoạn”, ông Kế cho hay.

Theo ông Kế, Hà Nội nên công khai quy hoạch, đặc biệt là ở những nơi có mật độ dân số cao như quận Hoàn Kiếm. Nếu để người dân tuân thủ quy hoạch thì sau này Nhà nước sẽ đỡ vất vả đền bù. Hà Nội quyết tâm làm sẽ có không gian xanh và tăng quỹ đất giá trị để phát triển.

MỚI - NÓNG