Những gam màu tối - sáng trong ‘bức tranh’ kinh tế Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2022, nền kinh tế của tỉnh Bình Dương tuy có tăng trưởng nhưng lại đối mặt không ít khó khăn khi nhiều doanh nghiệp xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất. Để năm 2023, tránh được những biến động bất ngờ, Bình Dương đã xây dựng, định hình lại bước đi bền vững.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, trong năm 2022, các chỉ tiêu quan trọng đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 8,9%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 269.440 tỷ đồng, tăng 16,8%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 35,7 tỷ đô la Mỹ, tăng 9%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 25,8 tỷ đô la Mỹ, tăng 1%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9%.

Trong 10 tháng năm 2022, Bình Dương đã thu hút được hơn 2,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 57% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, Bình Dương đứng thứ hai cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh) về thu hút FDI với 4.053 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39,6 tỷ USD, chiếm hơn 9,3% tổng vốn FDI cả nước.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế, chính trị thế giới đã tác động đến sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của tỉnh Bình Dương. Dù ở mức tăng trưởng, bức tranh kinh tế Bình Dương còn đang “thiếu sáng” trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô sản xuất, cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ việc, nhất là ngành dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ… do thiếu đơn hàng, nguyên liệu.

Những gam màu tối - sáng trong ‘bức tranh’ kinh tế Bình Dương ảnh 1

Bình Dương phát triển các khu công nghiệp thu hút vốn đầu tư

Để năm 2023 kinh tế phục hồi và phát triển ổn định, Bình Dương đã vạch ra hướng đi mới. Tất nhiên, địa phương này vẫn xác định công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác. Do đó, Bình Dương tiếp tục có những giải pháp tái cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh và tạo động lực để phát triển, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Bình Dương sẽ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thông tin và viễn thông, điện - điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghệ sinh học, điện tử y sinh, sản xuất phần mềm, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương đổi mới và phát triển đa dạng các loại hình khu công nghiệp khoa học - công nghệ, cụm công nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu phương án dịch chuyển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lên phía bắc của Bình Dương. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, như: Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, Khu công nghiệp VSIP III, Khu công nghiệp Cây Trường.

Để giải quyết nút thắt thiếu đơn hàng, nguyên liệu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan theo dõi sát thông tin, dự báo thị trường, cập nhật các chính sách trong và ngoài nước có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu và triển khai đến doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động có kế hoạch, định hướng phát triển thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu Ấn Độ, Nam Mỹ... nhằm tránh phụ thuộc vào một số thị trường dẫn đến bị động.

Để thu hút vốn đầu tư FDI, trong năm 2023, Bình Dương tập trung phát triển hạ tầng, nhất là các dự án đường liên kết vùng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ một số công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm như VSIP III, dự án nhà ở xã hội, cầu Bạch Đằng 2, vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Dương sẽ phát triển công nghiệp theo hướng phân công, phân nhiệm rõ ràng cho từng địa phương. Đối với các đô thị phía Nam sau quá trình xây dựng các khu, cụm công nghiệp sẽ được định hình lại và hoạch định phát triển theo hướng chú trọng phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp chất lượng cao… Trong khi đó, các địa phương phía Bắc được phân công chủ động sắp xếp, xây dựng và phát triển quỹ đất để tiếp nhận di chuyển các nhà máy, xí nghiệp từ các đô thị phía Nam.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.