Những em bé Trường Sa

Những em bé Trường Sa
TP - Mười em nhỏ là con em huyện đảo Trường Sa, đã hoặc đang sinh sống, học tập trên đảo có dịp đến Hà Nội dự chương trình Trung thu kết nối yêu thương hướng về biển đảo Tổ quốc được VTV1 tường thuật trực tiếp vào 20 giờ ngày 8-9.

> Trung thu từ bảo tàng đến nhà hát
> Quà Trung thu cho trẻ em Trường Sa
> Trung thu hướng về biển đảo Tổ quốc

Hồ Úy Vy, 8 tuổi (đảo Sinh Tồn) là thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn. Sau 2 ngày đêm lênh đênh sóng nước, vượt biển trở về đất liền, Úy Vy vẫn chưa hết nôn nao vì say sóng. Được đi thăm Hồ Gươm, phố phường Hà Nội, nhưng Vy vẫn nhớ đảo Sinh Tồn với tiếng sóng vỗ ì ầm và những đêm trăng sáng. “Không nơi đâu đẹp bằng đảo Sinh Tồn”, Vy hồn nhiên nói.

Nguyễn Thị My Sen, 9 tuổi, cũng bày tỏ niềm tự hào về đảo Trường Sa Lớn nơi em sinh sống một cách rất tự nhiên. Sen bảo, thích nhất là các chú bộ đội vui tính, hay kể chuyện cho các em nghe. Sen thích nhất môn âm nhạc và nhờ đó em thuộc rất nhiều bài hát về Trường Sa về lính đảo. Bài tủ của Sen là Khúc quân ca Trường Sa. Sen cho biết khi giao lưu với các bạn ở Thủ đô em sẽ hát bài này.

Đây là lần thứ hai Nguyễn Thị Trà My, 11 tuổi, trở về đất liền. Lần này, My sẽ về hẳn đất liền ở với ông bà nội để tiếp tục học chương trình lớp 5 (ở Trường Sa chỉ dạy đến chương trình lớp 4). My nhớ đảo, nhớ gia đình và bè bạn đến cồn cào. My là con cả, dưới còn 2 em gái. Sáu tuổi, Trà My theo bố mẹ ra Trường Sa để bắt đầu cuộc sống mới. “Ngày đó, mọi người đi tiễn rất đông, mẹ khóc nhiều vì nhớ ông bà, quê hương, còn em vẫn còn hồn nhiên lắm. Mất 7 ngày lênh đênh trên biển mới ra đến đảo, 2 ngày đầu say sóng, 5 ngày tiếp theo cơn say tan biến, em chạy nhảy tung tăng trên tàu và thấy biển cả bao la thật tuyệt vời”, Trà My nhớ lại.

Trà My kể, cuộc sống trên đảo không được đầy đủ như đất liền, nhưng trẻ con ngoan và chăm chỉ học. Đặc biệt, trẻ em trên đảo ít khi ốm đau. Tết Trung thu, My và những đứa trẻ trên đảo được bộ đội làm đèn ông sao tặng. Đèn được làm bằng giấy cứng, quét nước màu lên rất đặc biệt.

Nỗi nhớ khi xa đảo...

Năm nay, Võ Thị Uy Phương lên lớp 7 (trường THCS Nguyễn Hiền, Cam Ranh, Khánh Hòa). “Ba năm rồi xa đảo Trường Sa em nhớ lắm! Nhớ nhất là các chú bộ đội!”, Phương bộc bạch. Phương kể, 9 tuổi, em bắt đầu ra đảo. Sau hai ngày đêm đánh vật với những cơn say sóng, Phương cùng gia đình đến được Trường Sa. Đón em và gia đình là lính đảo. “Các chú ân cần hỏi han, chuyển hộ hành lý, bế em vào tận bờ, rồi dẫn gia đình về tận nơi nghỉ ngơi… Em yêu quý các chú bộ đội từ giây phút đó”, Phương kể. Cuộc sống trên đảo của Phương thi vị hơn nhờ các chú bộ đội. Sau mỗi giờ học, em hay đến điểm gác kể cho các chú nghe đủ chuyện vui buồn trong cuộc sống. Ngược lại em cũng được các chú gấp tặng nhiều con sếu, tặng những bó hoa hồng làm từ vỏ ốc, dạy cho trồng cây phong ba… “Em trồng được nhiều cây phong ba lắm, giờ có những cây đã cao quá đầu em”, Phương khoe.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của Phương là lần thi học kỳ môn văn lớp 4 tả về chú bộ đội, em được 9 điểm. Bài văn đó được cô giáo khen, đọc mẫu trước cả lớp và được đưa đến tận tay các chú bộ đội. Phương kể, khi đọc đề thi này, em vui lắm, hình ảnh oai phong, dũng cảm mà gần gũi của các chú bộ đội Trường Sa cứ hiển hiện. “Về đêm khi đèn các nhà trên đảo đã tắt, mọi người chìm vào giấc ngủ, các chú bộ đội vẫn đứng đó hiên ngang canh gác, quyết hoàn thành nhiệm vụ. Em thật hạnh phúc được ở trên đảo Trường Sa, được quen các chú bộ đội. Em mong các chú cũng đừng quên em”, Phương đọc lại một đoạn trong bài làm văn của mình.

My Sen làm dáng cùng chiếc mũ Hải quân em mang từ Trường Sa Lớn về
My Sen làm dáng cùng chiếc mũ Hải quân em mang từ Trường Sa Lớn về.

Nguyện ước trở lại Trường Sa

Phương bảo, trong thời gian phải xa Trường Sa em sẽ cố gắng học giỏi để thi vào ngành sư phạm. Ước mơ của em là sẽ trở lại Trường Sa, làm cô giáo truyền kiến thức cho các em nhỏ trên đảo.

Nguyễn Xuân An cũng từng có 2 năm sống ở Trường Sa, nay em lên lớp 7 (THCS Hùng Vương, Cam Lâm, Khánh Hòa). Kể chuyện về những ngày sống trên Trường Sa, mắt Xuân An mơ màng như một nghệ sĩ. “Nước biển Trường Sa xanh ngắt một màu. Những ngày hè, trời trở nên rộng, cao, biển mênh mông, tuyệt vời lắm”, Xuân An nói. Tuy nhiên, điều khắc ghi trong trái tim An là tiếng sóng biển. Có những chiều An ngồi hàng giờ trước biển chỉ để nghe tiếng sóng vỗ rồi mơ màng hay cùng ba lang thang xung quanh đảo ngắm từng con sóng bạc đầu. Trong những lúc như thế, ba luôn nhắc An điệp khúc: Phải nhớ học giỏi. An cũng thường xuyên theo bố đi thả lưới, đánh cá cùng các chú bộ đội. Những lúc được ngụp lặn trong nước biển mặn mòi như thế, An càng ao ước được sống mãi ở vùng đảo này.

“Nắng gió Trường Sa đã ăn sâu vào máu thịt, em sẽ trở lại đó để làm chiến sĩ bảo vệ đảo, bảo vệ vùng biển tuyệt đẹp của Tổ quốc” - Nguyễn Xuân An nói

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG