Những đứa trẻ dưới lớp mặt nạ Joker

0:00 / 0:00
0:00
Joaquin Phoenix thủ vai Arthur Fleck -Joker giành giải Oscar Nam chính xuất sắc nhất năm 2019
Joaquin Phoenix thủ vai Arthur Fleck -Joker giành giải Oscar Nam chính xuất sắc nhất năm 2019
TP - Bậc cha mẹ có khi nào nhìn thấy đứa con của mình dưới lớp mặt nạ Joker và những điệu cười quái dị, cho dù hình ảnh thật trên gương mặt chúng không phải bao giờ cũng vậy?

“Joker” (Gã hề), bộ phim tâm lý nổi tiếng của Mỹ sản xuất năm 2019 (đạo diễn Todd Phillips) từng giành nhiều giải thưởng lớn. Trong đó Joaquin Phoenix thủ vai Arthur Fleck/Joker giành giải Nam chính xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 92 năm 2019.

Bộ phim từng dấy lên lo ngại bởi có quá nhiều cảnh bạo lực. Và giới phê bình đa phần hướng vào hành vi bạo lực điên loạn của một bệnh nhân tâm thần, như là phản kháng của một kẻ thất bại dưới đáy xã hội. Nhưng không.

Arthur Fleck (gã hề Joker) trở nên như vậy không phải do được sinh ra, mà là do được nuôi dạy nên, một nạn nhân của mong muốn và hành động của cha mẹ: chết và đau đớn từ bên trong, với một nụ cười giả tạo với thế giới bên ngoài.

Gã hề kiêm diễn viên hài độc thoại ấy bị hành hạ, về cơ thể lẫn tâm lý xuyên suốt cuộc đời mình. Mỗi ngày hắn về nhà và chăm sóc mẹ mình, người không hề có khả năng chăm sóc hắn lúc nhỏ. Người mẹ đã nuôi dạy đứa con ấy dưới một hiện thực méo mó: Mọi chuyện dù có tệ hại đến mức nào đi chăng nữa thì chúng vẫn tốt đẹp. Khiến Arthur bối rối về vị trí của mình trong xã hội, cái gì là thật và cái gì là ảo?

Khi ở một mình, phần lớn thời gian Arthur đều khỏa thân, một sự đối lập rõ ràng với cuộc sống thường ngày giấu dưới chiếc mặt nạ. Hắn không có khả năng tự nhận thức, là một người trống rỗng và tô màu sự trống rỗng đó bằng lớp hóa trang. Và che giấu nỗi thống khổ của mình bằng nụ cười giả tạo vẽ trên môi. Rồi sau đó xuất hiện những cơn trầm cảm cười (smiling depression) tệ hại, non nớt, khó chịu.

Cứ mỗi lần Arthur cố gắng bước ra khỏi thế giới nội tâm đau đớn của mình để kết nối với người khác, kể cả khi với tư cách một chú hề, hoặc một người diễn hài độc thoại thì cơn trầm cảm cười khôn lường lại lôi hắn về với nỗi đau bên trong. Tiếng cười đó được coi như là một căn bệnh - có thể là Rối loạn máy cơ mặt. Tuy nhiên nhà phân tâm học lại có cách diễn giải khác: Đó là một cơ chế phòng vệ. Chúng ta sau đó biết được rằng Arthur từng bị lạm dụng và bỏ mặc một cách tồi tệ xuyên suốt thời thơ ấu, dẫn đến sự đau khổ bẩm sinh và khiến hắn cảm thấy vũ trụ này thật buồn nản và nhẫn tâm.

Trong khi người mẹ mắc chứng hoang tưởng lại luôn nghĩ rằng hắn là một đứa trẻ hạnh phúc khiến Arthur nhỏ bé luôn cực kì bối rối: mình rất buồn, bị hành hạ cả thể chất lẫn tinh thần, nhưng mẹ lại nói mình hạnh phúc? Điều này dẫn đến tính cách của Arthur: con người bên trong và bên ngoài không và sẽ không bao giờ giống nhau.

Tất cả những điều này có thể lí giải cho sự lựa chọn nghề khiến hắn trông vui vẻ với người khác và cố giúp họ vui vẻ trong khi phải chịu nỗi đau đớn tột cùng ở bên trong. Và tràng cười điên dại là giọt nước tràn ly của phản ứng phòng vệ, một tiếng thét của sự hạnh phúc vừa làm mẹ hắn hài lòng và cũng đồng thời đẩy bà và những người khác ra xa. Nó bảo vệ Arthur khỏi thế giới bên ngoài cũng như kéo y trở lại hố đen sâu thẳm trong nội tâm, tạo nên con người hắn. Tràng cười đó phong tỏa mọi cố gắng kết nối với thế giới bên ngoài. Mặc dù trông tốt đẹp bên ngoài thế nhưng đứa trẻ bên trong hắn lại nhận thấy đó là một sự dối trá và tàn nhẫn. Tràng cười đó bảo vệ hắn khỏi thế giới trong nhận thức của mình.

Sự mông lung về những thứ mà hắn có thể tin tưởng và thứ gì sẽ làm tổn thương hắn đã tạo nên một mớ cảm xúc hỗn độn ghê gớm mà giết chóc là thứ tiếp theo.

Hắn trở thành kẻ bạo lực và nhẫn tâm, giống như Thomas Wayne (người mà sau này hắn mới biết chỉ là cha nuôi), trong khi vẫn thực hiện mong muốn của người mẹ: một tên hề luôn mỉm cười. Hắn giết mẹ, người là mỏ neo giữ hắn ở lại với thế giới ảo mộng đẹp đẽ không có thật, và cũng là một lời dối trá to lớn. Và rồi hắn lao vào giết những người từng cho hắn hi vọng vào thế giới thực. Joker giết những thứ mà hắn không thể có và không thể trở thành, và rồi ngắt kết nối với mọi thứ.

Joker không phải là con quái vật của xã hội mục rữa. Tôi nhìn thấy ở đó, một đứa trẻ buồn bã đáng thương trong một người đàn ông lạc lối, giữa những chuyển động hỗn loạn nội tâm và hiện thực mà gia đình, người lớn đã gieo mầm, từ cách dạy dỗ với niềm tin hoang tưởng và sai lầm.

MỚI - NÓNG