Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 5)

Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 5)
Trước bọn quan toà thực dân, Lý Tự Trọng ngẩng cao đầu dõng dạc tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không có con đường nào khác”...

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở lại Hương Cảng để chuẩn bị chủ trì hội nghị hợp nhất thành lập Đảng. Lý Tự Trọng được đồng chí Ung Văn Khiêm đưa về Sài Gòn hoạt động. Số đoàn viên còn lại (trong 8 đồng chí nêu trên) tiếp tục công tác ở Quảng Châu và tại tỉnh Quảng Đông cùng các đồng chí cách mạng Việt Nam trong số đó có nữ đoàn viên Lý Phương Thuận lúc này lấy tên là Lý Tam hay còn gọi là cô Ba.

Sau hội nghị hợp nhất thành lập Đảng thành công tốt đẹp, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, rèn luyện với chính cương, sách lược, điều lệ ... mở ra thời kỳ mới cho cách mạng nước ta.

Do một sơ suất từ bên ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lúc này lấy tên là Tống Văn Sơ bị mật thám Anh bắt giữ và đứng trước nguy cơ bị chúng trao cho mật thám Pháp theo sự dàn xếp, đeo bám của thực dân Pháp.

Cùng bị bắt với Tống Văn Sơ có đoàn viên Lý Phương Thuận (Lý Tam). Mặc dù bị tra hỏi và đe doạ gắt gao kể cả đòn roi, Lý Phương Thuận nhất mực không khai báo nửa lời, giữ tròn khí tiết của người đoàn viên thanh niên cộng sản.

Luật sư Lô dơ bai nổi tiếng đã vượt qua nhiều khó khăn cứu thoát Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù với lòng cảm phục nhà lãnh đạo cách mạng lớn của Việt Nam.

Ông bà Lô dơ bai đã hết lòng giúp Nguyễn Ái Quốc - Tống Văn Sơ trở lại Liên Xô ... Lý Tam vô tội trở lại với đội ngũ chiến đấu của mình và sau cách mạng tháng 8/1945 về nước công tác.

Ngày 17/4/1931, Lý Tự Trọng bị thực dân Pháp kết án tử hình do trước đó (ngày 8/2/1931), anh đã bắn chết tên mật thám Pháp cáo già khét tiếng tàn bạo Lơ gơ răng trên đường phố Sài Gòn nơi có sân bóng đá La ray nie.

Trước bọn quan toà thực dân, Lý Tự Trọng ngẩng cao đầu dõng dạc tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không có con đường nào khác”.

Các thế hệ trẻ Việt Nam tiếp bước theo anh và các đồng chí của anh coi đó là bản Tuyên ngôn bất diệt trên con đường đấu tranh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

10 năm sau, kể từ ngày 17/4/1931, quân đội của Phát xít Đức tiến sát thủ đô Mátxcơva trong đại chiến thế giới lần thứ 2.

Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tự (tức Tợ), ba trong số 8 đoàn viên đầu tiên cùng các đồng chí Việt Nam khác đang học tập và làm việc tại Liên Xô tình nguyện tham gia sư đoàn quốc tế bảo vệ Liên Xô.

Cả ba đồng chí đã hy sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam Mátxcơva và đều được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Vệ quốc cao quý.

Trong các cuốn biên niên sử của Đoàn ta, Đội ta, 8 đoàn viên ấy – “tám cháu hiếm hoi từ bước đầu” do Bác Hồ kính yêu bồi dưỡng, đào tạo mãi mãi là 8 đoá hoa ngát hương trong rừng hoa rực rỡ của triệu, triệu chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi nguyện hiến dâng tuổi thanh xuân vì lý tưởng của Đảng, của Bác. Hãy nhận lấy và nhân lên niềm tự hào và sự vinh quang không dễ gì có được này. 

(Kỳ sau : 6 - Đoàn ta ra đời)

>> Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 4)

>>Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (kỳ 3)

>>Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 2)

>>Những đoàn viên cộng sản đầu tiên (Kỳ 1)

MỚI - NÓNG