Những điều ít biết về tác giả Đoàn ca

Anh Cao Cảnh Giác, con trai út nhạc sỹ Hoàng Hòa, và vợ.
Anh Cao Cảnh Giác, con trai út nhạc sỹ Hoàng Hòa, và vợ.
TP - Có một bài hát, phổ nhạc theo bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ đã đi cùng bao thế hệ thanh niên Việt Nam, trở thành Đoàn ca từ năm 1992. Nhưng có lẽ còn ít người biết rõ về tác giả, nhạc sỹ Hoàng Hòa.

Tôi may nhiều năm viết cho Tiền Phong, Tri Thức Trẻ, thường qua lại ngõ nhỏ số 3 Hồ Xuân Hương hầu chuyện vị nhạc sĩ không qua trường lớp nào. Đó là những năm tháng nhạc sĩ chưa gặp tai nạn, trí nhớ bị ảnh hưởng. Ông là Cao Hy Vọng, sinh năm 1930, quê ở Nam Trực, Nam Định. Sau Cách mạng tháng Tám, ông làm bí thư huyện Đoàn Đông Quan. Rồi bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình, ủy viên Thường vụ T.Ư Đoàn, trưởng ban Trường học. Thông tin về ông trên các trang mạng có nhiều điểm không chính xác. (Rất nhiều trang mạng ghi tác giả bài hát Thanh niên làm theo lời Bác là Hoàng Hà, thay vì Hoàng Hòa-PV).

Hoàng Hòa là ai?

Về bút danh Hoàng Hòa: Hoàng là họ người bạn, Hòa (không phải Hà) là vợ bạn, hai người rất thân thiết với tác giả, “nắm cơm chạy giặc chia ba”. Vợ chồng bạn hy sinh, Vọng đứt ruột, mượn họ tên bạn mà đặt bút danh để tưởng nhớ. Nhạc sỹ Hoàng Hòa trong Ban Chấp hành T.Ư Đoàn từ 1967 đến 1981. Không phải “nghỉ hưu ở Vũng Tàu” (như một số người nói) mà ở chung cư T.Ư Đoàn, cuối phố Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

“Đêm đó anh trằn trọc, chừng 9 giờ bật dậy cầm theo chiếc ác- mô- ni-ca đi thẳng ra cánh đồng sau làng, hai tay bụm chiếc kèn lần lời bài thơ - chưa biết nốt nhạc: te tí tồ te tí… Nhưng phải có đầu có đuôi. Anh ngồi xuống, đứng lên, đi lại mãi giữa bãi cỏ chăn bò. Thế rồi các nốt đồ rê mi pha son nhảy múa trong đầu anh”.

Thời chúng tôi, các quầy hàng xén đều bán kèn ác- mô- ni-ca của Pháp buôn từ vùng địch ra. Nhiều bạn trẻ sắm cả măng - đô - lin, tự mầy mò chơi theo lời hát. Ngày tỉnh Đoàn Thái Bình về đặt trụ sở tại vùng tự do Đông Hồ Kim Anh, Cao Hy Vọng có một cây ác - mô - ni - ca bỏ túi. Khi anh về số 3 Hồ Xuân Hương thì “nâng cấp” lên chiếc măng - đô - lin. Anh kể, sau thu đông 1952- 1953, đồn bốt địch co cụm lại, các cuộc càn quét ra các vùng tự do mở rộng thưa dần. Các buổi sinh hoạt tập thể quanh đi quẩn lại cũng chỉ vài bài hát “Kết đoàn”,  “Du kích ca”, “Đời sống mới”… Tình hình tại các vùng “da báo” ta - địch xen kẽ rất phức tạp, là nỗi lo lớn của lãnh đạo trong công tác tuyên truyền lôi kéo quần chúng trong lòng địch và giữ cán bộ yên tâm ở lại vùng tự do. Giữa lúc đó, Cao Hy Vọng nhận được tờ báo Cứu quốc đã nhàu nát có bài thơ của Bác phát hành từ hai năm trước: Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí cũng làm nên.

Anh cán bộ Đoàn thốt lên: Đây rồi! Trúng rồi! Cái ta cần lúc này đây rồi! Nhưng làm sao ý Bác tới được mọi cán bộ đoàn viên? Anh cầm tờ báo qua mấy nhà xung quanh Tỉnh Đoàn đang sơ tán để mọi người đọc, bàn cách phổ cập nhanh nhất. Đêm đó anh trằn trọc, chừng 9 giờ bật dậy cầm theo chiếc ác - mô - ni - ca đi thẳng ra cánh đồng sau làng, hai tay bụm chiếc kèn lần lời bài thơ - chưa biết nốt nhạc: te tí tồ te tí… Nhưng phải có đầu có đuôi. Anh ngồi xuống, đứng lên, đi lại mãi giữa bãi cỏ chăn bò. Thế rồi các nốt đồ rê mi pha son nhảy múa trong đầu anh. Anh đặt lời cho thân bài: Kết đoàn lại thanh niên ta cùng nhau đi lên/Giơ nắm tay thề gìn giữ hòa bình độc lập tự do/Kết đoàn lại thanh niên chúng ta cùng quyết tiến bước/Đánh tan quân thù xây đắp cuộc đời hạnh phúc ấm no/Đi lên thanh niên chớ ngại ngần chi/Đi lên thanh niên làm theo lời Bác.

Đến điệp khúc thơ Bác thật tự nhiên, nhẹ nhàng, chân thật:

Không có việc gì khó… Quyết chí cũng làm nên!

Rồi dứt khoát, mạnh mẽ để kết thúc: Đi lên thanh niên! Đi lên thanh niên!

Ra đời Đoàn ca

Hôm sau anh dậy sớm đi tìm nhạc sĩ Phạm Ngữ nhờ góp ý, sửa chữa, kẻ khuông nhạc, chép lời ca. Bài hát theo nhịp 2/4 dễ hát, dễ thuộc, lôi cuốn, thôi thúc như tiếng kèn ra trận, nhanh chóng được truyền đi trên các sóng phát thanh. Tháng 7/1954, tại lớp tập huấn Trung ương Đoàn ở Đại Từ có sửa ít chỗ như Kết liên lại, ắt thay cho cũng nhưng anh Cù Văn Chước (1927- 2007) trong Ban vận động thành lập Hội cựu thanh niên xung phong cho chúng tôi xem bản gốc là “cũng” - nhẹ nhàng, bình dị hơn “ắt”… Từ năm 1961, Đài tiếng nói Việt Nam lấy nhạc hiệu bài Thanh niên làm theo lời Bác cho chương trình phát thanh Thanh niên. Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (15 -18/10/1992) chọn một trong ba bài hát được đề cử làm Đoàn ca, khi lấy biểu quyết thì cả hội trường đứng dậy vỗ tay hát Kết liên lại thanh niên chúng ta… Không có việc gì khó… Bài hát của Hoàng Hòa chính thức trở thành Đoàn ca từ đó.

Thế nhưng còn vinh dự tự hào biết bao, vang dội nhất là tại Festival Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ V tháng 7/1955 tại Varsava thủ đô Ba Lan. Đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam mang tới bài hát “Thanh niên Việt Nam làm theo lời Bác Hồ”. Bài hát được dịch ra 6 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Tây Ban Nha, Ba Lan. 114 đoàn các nước tập ngay, hát vang suốt những ngày liên hoan và đem về phổ biến khắp các châu lục. Giữa cái thời thế giới đang “chấn động địa cầu” về mấy tiếng Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh… bài hát theo thơ Bác Hồ thật vô cùng có ý nghĩa.

Gần đây, một bạn đưa chân dung cố nhạc sỹ Hoàng Hà ở Vũng Tàu vào bài viết về nhạc sỹ Hoàng Hòa. Tôi hết sức ngạc nhiên, từ Thái Nguyên cất công về Hà Nội vì lâu không gặp được anh cán bộ Đoàn phổ nhạc thơ Bác, thì ông mới mất ngày 6/9/2015. 

_________________________

Tài liệu tham khảo: Kỉ yếu hội thảo: “Từ an toàn khu Thái Nguyên đến chiến thắng Điện Biên Phủ”. Sở VHTT Thái Nguyên phát hành 12/2003. Hoặc bài “Thủ đô kháng chiến ở đâu?” Tạp chí Người cao tuổi số Xuân Bính Thân - tháng 2/2016.

Về sự kiện Bác Hồ tặng thơ

Ông Vũ Viết Thân phân đội trưởng (phân đội Thanh niên xung phong) 312 kể: Đội Thanh niên xung phong  Công tác Trung ương là do Bác Hồ giao Đoàn Thanh niên lập ra ngày 15/7/1950. Đội xuất quân đi phục vụ biên giới với 225 đội viên. Dưới đội là trung đội. Đầu năm sau quân số tăng vọt, dưới đội là liên phân đội, quân số chỉ bằng một nửa của đại đội năm 1953. Nơi Bác Hồ tới thăm là Nà Tu hay Nà Cù, xã Cẩm Giang, Bạch Thông, Bắc Kạn. Bốn câu thơ Bác không ứng khẩu mà chuẩn bị trước nửa năm khi Người đi thị sát chiến dịch biên giới 21/8 - 3/9/1950 theo hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

MỚI - NÓNG