Hạn chế “ma men” nhờ thuốc chống suy nhược
Đó là kết luận từ các nhà khoa học thuộc Trung tâm Sức khỏe tinh thần và Cai nghiện (Canada). Họ đã nghiên cứu dữ liệu về các triệu chứng trầm cảm, thói quen uống bia rượu, sử dụng thuốc chống suy nhược... của hơn 14.000 người ở độ tuổi từ 18-76.
Kết quả cho thấy: 5% bệnh nhân nam mắc chứng suy nhược nặng và những người này uống bia rượu nhiều hơn nhóm còn lại. Tuy nhiên, khi cho họ dùng thuốc chống suy nhược thì tỷ lệ uống bia rượu trung bình đã ít hơn so với bệnh nhân không dùng thuốc và nhóm không mắc chứng trầm cảm. Đây quả là ích lợi thú vị của thuốc chống suy nhược.
1. Thuốc chống suy nhược làm cân bằng hóa chất trong não
Tác dụng này có được nhờ việc tác động lên chất hóa học của bộ dẫn truyền thần kinh trong não. Chất hóa học này có chức năng truyền tải thông tin trong não và từ não bộ đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Ngoài ra, nó còn có nhiều chức năng khác với cơ thể, như củng cố các chức năng tâm lý, vị giác, ngủ, trí nhớ và ham muốn tình dục.
Một số loại thuốc chống suy nhược lại có vai trò chính trong việc tăng neurotransmitters, norepinephrine và dopamine. Norepinephrine có chức năng quản lý hệ thần kinh giao cảm trong khi đó dopamine có chức năng cải thiện cảm xúc, trí tuệ, sự vận động, niềm vui thích, trí nhớ…
2. Dùng thuốc chống suy nhược phải kiên trì hợp tác với bác sĩ
Có thể phải trải qua một vài lần dùng thuốc thử nghiệm bạn mới có thể tìm được loại thuốc hiệu quả nhất cho mình.
Bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn loại thuốc chống suy nhược dựa trên cơ sở những triệu chứng của bạn mắc phải và theo dõi những tác dụng phụ của nó đối với bạn, tình trạng sức khỏe hiện tại và loại thuốc bạn đang sử dụng trong thời điểm dùng thuốc chống suy nhược.
Lời khuyên: Nếu trong trường hợp loại thuốc bác sĩ kê cho bạn chưa thực sự phát huy tác dụng tối đa, hãy yêu cầu được đổi loại thuốc khác để đem lại hiệu quả tích cực hơn.
3. Thuốc chống suy nhược - “Mưa dầm thấm lâu”
Thông thường phải mất một vài tuần bạn mới nhận ra được tác dụng thực sự của thuốc mang lại. Lý giải cho điều này là bởi ở mỗi người các chất hóa học trong bộ não là khác nhau, vậy nên tác dụng của thuốc chống suy nhược với mỗi người cũng khác nhau.
4. Các loại thuốc chống suy nhược có tác dụng phụ khác nhau
Không thể nói chính xác tác dụng phụ của thuốc chống suy nhược vì nó có rất nhiều loại và ở mỗi loại lại có những biểu hiện khác nhau.
Lời khuyên: Trước khi dùng thuốc đừng quên hỏi bác sĩ về tác dụng phụ. Những tác dụng phụ ấy sẽ kéo dài trong bao lâu? Trong trường hợp nào cần liên lạc với bác sĩ?
5. Không nên ngưng thuốc quá sớm
Với nhiều người thời gian dùng thuốc có thể lên đến 6 tháng hoặc 1 năm. Nếu bạn ngưng dùng thuốc quá sớm sẽ khiến tình trạng trở lại giống như khi bạn chưa dùng thuốc và thậm chí còn tồi tệ hơn.
6. Thận trọng khi dùng cho trẻ nhỏ
Một vài nghiên cứu cho rằng, thuốc có thể làm tăng nguy cơ trẻ nhỏ có suy nghĩ tiêu cực muốn tự tử khi bắt đầu dùng thuốc trong vài tháng đầu. Sự cảnh báo này đã xuất hiện từ năm 2003, năm có lượng trẻ vị thành niên tự tử lớn nhất trong vòng 15 năm trên toàn nước Mỹ.
Lời khuyên: Với trẻ nhỏ cần rất thận trọng khi dùng thuốc, phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc.
7. Chớ nên lạm dụng
Với thai phụ, nếu lạm dụng thuốc chống suy nhược có thể dẫn đến những hệ lụy xấu trong quá trình phát triển của thai nhi. Có thể trước mắt bạn chưa phát hiện ra những hệ lụy này nhưng về lâu dài trong một số trường hợp nó có thể để lại di chứng cả cuộc đời của đứa trẻ.
Một nghiên cứu khác cho biết thêm, thuốc chống suy nhược còn gây một số triệu chứng khác ở trẻ như: Dễ bị kích thích, cáu kỉnh, hốt hoảng, thiếu đường trong máu hoặc khó thở.
Bên cạnh đó, nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) cũng cho thấy: 99% số thai phụ uống thuốc chống suy nhược vào thời gian cuối khi mang thai đã gặp rắc rối trong khi sinh con.
Lời khuyên: Đối với những người bị suy nhược khi mang thai thì cần được sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ về giải pháp điều trị.
8. Dễ bị loãng xương
Theo tin từ hãng Reuters thì những người cao tuổi nếu lạm dụng việc dùng thuốc chống suy nhược sẽ rất dễ có nguy cơ bị gãy xương. Nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 5.000 người ở độ tuổi trên 50, thời gian nghiên cứu kéo dài 5 năm.
Kết quả cho thấy, những người dùng thuốc chống suy nhược như Zoloft, Prozac và một số loại thuốc bán chạy khác có nguy cơ gãy xương cao gấp đôi so với người không dùng.
9. Giảm khả năng sinh sản ở nam giới
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu với sự tham gia của các nam giới khỏe mạnh trong khoảng thời gian là 4 tuần. Họ nhận thấy, những nam giới thường xuyên dùng thuốc chống suy nhược là paroxetine, seroxat hoặc paxil thì số lượng tinh trùng bị suy giảm đáng kể, đồng nghĩa với việc giảm khả năng sinh sản.
Trung bình ở một người đàn ông khỏe mạnh, số lượng tế bào tinh trùng bị tổn thương DNA thông thường chỉ chiếm khoảng 13,8%. Con số này ở những người sử dụng thuốc chống suy nhược trong 4 tuần lên tới 30,3%.