Những điểm nghẽn cần tháo gỡ để BĐS Hải Phòng phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cùng với những tiềm năng, Hải Phòng đang tồn tại nhiều điểm nghẽn cần được tháo gỡ như bất cập, chồng chéo về quy hoạch, nhà ở và các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản… để tạo môi trường thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư lớn.

Nhiều điểm nghẽn về quy hoạch

Trao đổi với Tiền Phong, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho biết, theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, thì đến năm 2030, Hải Phòng trở thành thành phố cảng, công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững tầm cỡ khu vực Đông Nam Á; trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ, đường sắt; trung tâm quốc tế về đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ với các ngành nghề về hàng hải, đại dương học, kinh tế biển,..

Cùng với đó, Hải Phòng là cửa ngõ về du lịch cho vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Vịnh Bắc Bộ. Trong đó, trọng tâm phát triển du lịch với thể thao và vui chơi giải trí tại Đồ Sơn; du lịch với biển và hệ sinh thái tại đảo Cát Bà và Bạch Long Vỹ…

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ để BĐS Hải Phòng phát triển bền vững ảnh 1

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam.

Cũng theo đồ án này, cấu trúc không gian tổng thể Hải Phòng được xác lập theo hướng hai vành đai-ba hành lang với không gian đô thị sẽ mở rộng về hướng biển và các dòng sông. Trong đó hai hướng phát triển quan trọng là hướng Đông-Tây (liên kết với Thủ đô Hà Nội và tiếp cận các dòng sông) và hướng Bắc – Nam (kết nối vành đai ven biển Bắc Bộ). Hai vành đai kinh tế gồm: vành đai công nghiệp phía Tây và Bắc đang hình thành; vành đai ven biển với những cơ hội mới cho thành phố. Ba hành lang phát triển đô thị chạy dọc theo ba dòng sông lớn: sông Cấm, sông Văn Úc và sông Lạch Tray.

“Cấu trúc hai vành đai, ba hành lang bảo đảm Hải Phòng tận dụng lợi thế về vị trí tự nhiên, phát triển toàn bộ không gian lãnh thổ và lãnh hải, đan xen giữa phát triển đô thị - công nghiệp với bảo tồn sinh thái và hướng ra biển”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.

Tuy nhiên, theo KTS Phạm Thanh Tùng từ đồ án quy hoạch đến triển khai trong thực tế thường nảy sinh những bất cập trong quản lý thực hiện quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch.

Một vấn đề có tính chung trong việc thực hiện quy hoạch phát triển đô thị là việc bố trí và khai thác nguồn lực từ giá trị địa tô, tức là giá trị của đất đô thị được xác định thông qua hình thức đấu thầu dự án chứ không phải từ một mệnh lệnh hành chính. Nếu làm tốt điều này, Hải Phòng sẽ tránh khỏi việc nhiều dự án được duyệt nhưng bỏ hoang hàng chục năm không triển khai xây dựng gây lãng phí nguồn lực, tài nguyên và mất ổn định xã hội như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác thời gian qua.

Việc quản lý chặt chẽ các dự án có quy mô lớn, cao tầng trong trung tâm nội đô Hải Phòng cũng giúp cho Hải Phòng bảo tồn phát huy được các không gian lịch sử, có giá trị về kiến trúc văn hóa và giảm tải dân số tại các quận trung tâm như Hồng Bàng, Lê Chân. Đặc biệt sẽ càng có ý nghĩa khi Trung tâm chính trị của thành phố sẽ được triển khai xây dựng tại khu vực phía Bắc sông Cấm, sẽ có sức hút rất lớn cho thực hiện các dự án khu đô thị mới, dịch vụ thương mại cùng với không gian xanh, công viên, quảng trường tạo nên một đô thị vệ tinh hiện đại, xanh, thông minh hài hòa với không gian cảnh quan kiến trúc TP Hải Phòng.

Hiện nay Hải Phòng cũng đang lập Quy hoạch chung Hải Phòng đến 2030 tầm nhìn 2050. Đây là đồ án quy hoạch tổng hợp, tích hợp các đồ án chuyên ngành như quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch giao thông, quy hoạch kinh tế xã hội… trong đó cũng nhằm khắc phục bất cập nêu trên, tuy nhiên, quy hoạch này được triển khai trong khi quy hoạch cấp vùng, cấp quốc gia cũng đang trong quá trình lập, chưa hoàn thiện nên không tránh khỏi những chồng chéo trong xác định mục tiêu phát triển và bố trí không gian trên địa bàn.

Tạo môi trường thông thoáng hút nhà đầu tư

Cũng theo KTS Phạm Thanh Tùng, hiện nay, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS… đang có những mâu thuẫn, chồng chéo với Luật Đất đai 2013, đây là rào cản đối với sự phát triển của thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến phát triển cấu trúc không gian đô thị.

“Bởi khi những mâu thuẫn trong văn bản pháp luật không được tháo gỡ thì việc áp dụng hành lang pháp lý sẽ rất khó khăn và chính xung đột pháp luật cũng là cơ hội phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Điển hình cho xung đột, chồng chéo đang tồn tại giữa các Luật là mâu thuẫn trong thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở giữa Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; xung đột về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong dự án có sử dụng đất và đấu giá quyền sử dụng đất giữa Luật Đầu tư.v.v…”, ông Tùng nhấn mạnh

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hải Phòng đang đứng trước cơ hội phát triển mới khi vừa qua Hải Phòng được Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm nhằm thực hiện nhiệm vụ thể chế hóa Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo căn cứ pháp lý để chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội mới, là nền tảng, là động lực quan trọng cho sự phát triển của TP Hải Phòng trong thời gian tới.

Các cơ chế, chính sách đặc thù được thông qua là tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội thành phố, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, tạo tác động lan tỏa vùng miền; tạo điều kiện thuận lợi cho TP Hải Phòng chủ động, linh hoạt và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về đầu tư, về khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai, từ đó tạo môi trường thông thoáng, nâng cao sức cạnh tranh cho thành phố trong việc thu hút đầu tư các dự án động lực trong đó có các dự án BĐS trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chính sách về quản lý quy hoạch sẽ góp phần tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện điều chỉnh và sớm thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm có tính chất dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển.

MỚI - NÓNG