> Năm 2013: Khối Văn hóa - Nghệ thuật tuyển sinh riêng
> Siết học liên thông: Con đường đi vòng đã bị chặn?
Ảnh minh họa. |
10 trường tuyển sinh riêng
Bộ GD&ĐT vừa công bố Đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa - nghệ thuật.
Ở khối này, các trường tuyển sinh ngành khối Văn hóa (khối C), chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề chung của Bộ GD&ĐT.
Những trường tuyển sinh các ngành khối Nghệ thuật (khối H, N, S): Môn Ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT.
Môn năng khiếu do Hiệu trưởng quyết định. Để tổ chức thi các môn năng khiếu này, hiệu trưởng các trường lập Đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 31-1-2013.
10 trường được thi tuyển sinh riêng theo Đề án này gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH sư phạm Nghệ thuật Trung ương, CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.
Trong đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối Văn hóa- Nghệ thuật vừa được Bộ GD&ĐT công bố, quy định hai đối tượng được xét tuyển thẳng vào khối ngành Văn hóa – Nghệ thuật.
Cụ thể: Học sinh tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp, đoạt giải xuất sắc hoặc giải nhất, nhì, ba tại các Hội thi, Hội diễn, Liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương được tuyển thẳng vào đại học theo đúng ngành mà thí sinh đoạt giải.
Học sinh đã tốt nghiệp THPT, trung học chuyên nghiệp, đoạt giải khuyến khích tại các Hội thi, Hội diễn, Liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương, được tuyển thẳng vào cao đẳng theo đúng ngành mà thí sinh đã đoạt giải.
Việc bảo lưu kết quả đối với thí sinh đoạt giải nhưng chưa tốt nghiệp THPT và thời gian được tính để hưởng xét tuyển thẳng thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH,CĐ hệ chính quy hiện hành.
Đến 2012 không mở thêm trường đại học
Theo Bộ GD&ĐT, 2013 là năm đầu tiên thực hiện Luật giáo dục đại học (kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII thông qua) theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa cho các cơ sở giáo dục đại học.
Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo rà soát, điều chỉnh mạng lưới các trường đại học, cao đẳng để ban hành quyết định mới thay thế Quyết định số 121/2007/QĐ-TTG ngày 22/7/2007.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT xem xét việc thành lập, chia tách các trường đại học, trong đó có việc xem xét nghiên cứu đối với việc thành lập phân hiệu của trường.
“Theo tinh thần quy hoạch là từ nay đến năm 2015 chỉ giải quyết những hồ sơ, đề án thành lập trường đã có đồng ý chủ trương của Thủ tướng, không giải quyết việc thành lập mới các cơ sở đào tạo và giữ ổn định quy mô đào tạo đến năm 2020” - Bộ GD&ĐT cho biết.
Cùng với việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng, Bộ GD&ĐT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định thay thế quyết định số 07/2009/QĐ-TTG về quy trình, thủ tục, điều kiện thành lập, chia tách, sáp nhập, giải thể các trường đại học, để phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT tổ chứ các đoàn tiếp tục kiểm tra những cơ sở đào tạo mới được thành lập từ 10 năm trở lại đây, để rà soát việc thực hiện theo đúng cam kết đã ghi trong đề án.
Tăng chỉ tiêu tiến sĩ, thạc sĩ, giảm liên thông
Bộ GD&ĐT cho biết, nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, cũng như từng bước tăng cường công tác đào tạo tiến sĩ theo đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ tới năm 2020, chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ sẽ tăng khoảng 10 - 12%; chỉ tiêu thạc sĩ tăng khoảng 5%.
Trong 2013 và những năm tiếp theo sẽ không tăng chỉ tiêu đào tạo đại học, cao đẳng chính quy, đồng thời điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.
Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định bằng 20% chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính quy tương ứng.
Đối với chỉ tiêu vừa làm vừa học, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa làm vừa học, tiếp tục được xác định tối đa bằng 50% so với chỉ tiêu chính quy.
Riêng các trường sư phạm, để triển khai thực hiện việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên, cần có đề án xác định rõ nhu cầu cần nâng chuẩn giáo viên. Không đào tạo trung cấp chuyên nghiệp vừa làm vừa học tại các sơ sở giáo dục đại học trực thuộc trong năm 2013.
Đào tạo trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo lộ trình giảm 20% một năm. Các trường trực thuộc dự kiến giảm chỉ tiêu trung cấp chuyên nghiệp với lộ trình nhanh hơn và chấm dứt đào tạo trung cấp trước năm 2017.
150.000 chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy Bộ GD&ĐT vừa cho biết, chỉ tiêu tuyển mới năm 2013 của các trường thuộc Bộ này, dự kiến như sau: Tiến sĩ: 1.350; Thạc sĩ: 27.000, tăng khoảng 5%; ĐH chính quy: 133.000; Liên thông, văn bằng 2 chính quy: 30.000; Vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng 2 hình thức vừa học vừa làm: 66.500; Đào tạo từ xa: 40.000. CĐ hệ chính quy: 17.000; Liên thông, văn bằng 2 chính quy: 4.800; Vừa học vừa làm, liên thông theo hình thức vừa học vừa làm: 2.000; TCCN hệ chính quy dự kiến tuyển mới 7.200. |