Những đề văn gói trọn yêu thương

Những đề văn gói trọn yêu thương
Một học trò yêu môn văn trong bức thư gửi cô giáo dạy văn của mình đã ví mình như “một con tàu ở ngoài xa khơi, nhìn thấy ngọn hải đăng nhưng chẳng biết làm gì để được vào bờ”.
Những đề văn gói trọn yêu thương ảnh 1
Một tiết dạy văn của cô Dương Thu Trang tại lớp 12A10 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ )

Em nói mỗi tiết học văn từ trước đến nay, “khi gấp trang sách lại thì tất cả những giá trị nhân văn xem như đã bỏ vào một cái hộp được đậy chặt nắp”.

Và em viết về cảm giác xúc động của mình sau đó rằng, “tôi cảm thấy một điều gì đó kỳ diệu của cuộc gặp gỡ này”, khi em gặp cô giáo dạy văn mới của mình: cô Dương Thu Trang, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6, TP.HCM.

Nước mắt học trò

Những học trò cấp ba 16, 17 tuổi của cô dường như bị những trang lý thuyết đặc chữ, những bài tập nâng cao, những công thức khô khan cuốn đi trong vòng xoay học, học và học.

Với môn văn hiện nay, học trò khó mà đi hết ý nghĩa của những “cảm thụ”, “chia sẻ”, “xúc động”, “trân trọng”, “yêu thương”… trong từng bài giảng, dù là của một môn học có chức năng “mở cánh cửa tâm hồn”.

Làm sao để kéo cô và trò tới gần nhau hơn? Làm sao khơi dậy trong lòng trò những ý tưởng, đam mê, xúc cảm để nhìn cuộc sống bằng con mắt sâu sắc hơn?

Cô Trang bắt đầu từ một đề văn: Đọc “Những con đường mang tên cha” (tài liệu đính kèm) và viết về bản thân mình: Em đã lớn lên như thế nào?

Đề văn ấy giúp cô phát hiện nhiều điều: rằng đối với nhiều học trò thì đây là lần đầu tiên trong suốt 17 năm lớn lên chúng có dịp nghĩ và viết về gia đình, cha mẹ mình với nhiều cung bậc cảm xúc: tình yêu, lòng biết ơn, cũng có cả những thù hận, những giọt nước mắt lặng lẽ.

Trò khóc, cô cũng khóc. Đó là khi cầm trên tay bài viết nguệch ngoạc hơn nửa trang giấy A4 của T.D., học trò to cao, đẹp trai, mà nếu không có bài tập hôm nay cô sẽ không biết D. lớn lên từ những bãi rác trong thành phố.

Không cha mẹ, em sống với người bà già nua. Em viết rất xót xa rằng: nhiều lúc em ghét bà bởi mùi hôi thối từ những đống rác, nhưng có lúc em chợt nhận ra bà đã nuôi lớn em được như hôm nay từ những bãi rác hôi hám đó.

Và nếu không có đề làm văn ấy, N.H. chắc sẽ chẳng bao giờ kể cho cô giáo nghe em là đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi trước cửa một nhà giàu. V.T. sẽ mãi nuôi trong lòng sự thù ghét người cha đã bỏ em từ khi lọt lòng, để rồi 17 năm sau quay lại đòi quyền làm cha khi em đang sống yên ổn cùng người mẹ bán hàng rong.

T.Q. sẽ không nhận ra người cha làm nghề thợ hàn của mình không những không đáng xấu hổ mà cái nghề vất vả, khổ cực ấy của ông chính là điểm tựa để em ăn học thành người.

Mỗi câu, mỗi dòng, mỗi cảm xúc đều non nớt, trong trẻo và trung thực hơn bao giờ hết. Cô giáo đã khóc rất nhiều khi viết lời phê vào từng bài làm. Có những lời phê chỉ vẻn vẹn ba chữ: “Thương em quá!”.

Cô giúp trò khơi dậy những xúc cảm ngủ yên trong lòng mình với những đề văn hay, kích thích những rung cảm đầu đời của trò. Thôi thúc các em nghĩ và viết, viết thật lòng, giãi bày thật lòng và sẻ chia thật lòng.

Những đề văn như “Em mong muốn gì ở thầy cô?” hay “Em cần gì từ cuộc sống?”, “Thế nào là lòng dũng cảm?”... giúp cô hiểu hơn về học trò và hiểu một cách tế nhị nhất. Hiểu và đồng cảm. Những giờ học văn bắt đầu kích thích học trò, kể cả những học trò ban A vốn ghét “cay đắng” môn văn.

Giáo án tình yêu

Mỗi trang giáo án đều phải là một ý tưởng mới, nếu không muốn học trò cảm thấy nhàm chán. Những đêm khuya lặng lẽ kết nối một câu chuyện ngụ ngôn, cổ tích với đời sống thực tế hôm nay, lên kế hoạch cho những bài tập khơi gợi tính tìm tòi, sáng tạo của học trò, cô giáo trẻ càng thấm thía sức mạnh của những trang văn trong việc dạy cách sống, cách làm người. Bởi cô hiểu rằng trong mỗi học trò ngồi ngơ ngác nơi lớp học kia là cả một tâm hồn phong phú và những tiềm năng chưa được đánh thức.

Với học trò Trường Mạc Đĩnh Chi, có lẽ cô Trang là cô giáo đầu tiên dám bản lĩnh tuyên bố trước lớp: “Để dạy hết chương trình được giao, tôi chỉ cần hai tháng. Để dạy các em cách cảm thụ, cách sống, cách yêu thương, tôi mới cần tới chín tháng”.

Những câu chuyện về tình cha con, lòng dũng cảm, sự sẻ chia lồng vào trong bài giảng đã làm rung động bao thế hệ học trò. Với hai bài đọc văn lớp 11 là “Về thăm cố hương” - Lê Hữu Trác và “Cha tôi” - Đặng Huy Trứ, cô giáo yêu cầu học trò sưu tầm những mẩu chuyện về tình phụ tử.

Buổi học hôm ấy, khi một bạn đứng lên đọc phần sưu tầm của mình mang tên “Mong ba sớm trở về”, ghi lại câu chuyện của một đứa trẻ có người cha tù tội mong ngóng ngày cha mãn hạn, cả lớp và cô giáo đều bật khóc.

Có học trò sau đó đã tâm sự thật lòng: “11 năm cắp sách đến trường nhưng em chưa bao giờ khóc vào tiết văn như hôm nay”.

Với gợi ý của cô giáo, những cuốn tập san mang tên Chân dung cuộc sống hay Tạo thương hiệu cá nhân, Những câu chuyện về tình phụ tử, Truyện ngụ ngôn được học trò sưu tập, thể hiện và bày tỏ thái độ, xúc cảm, quan điểm của mình. Những bức ảnh gây xúc động, những cánh hạc bên trong ghi “lời hay ý đẹp” cô sưu tầm được, những bản nhạc ấm áp như khoan dung, đồng cảm, động viên bao giờ cũng là phần không thể thiếu trong mỗi giáo án.

Cô khuyên trò nên viết nhật ký, nhật ký của bản thân, nhật ký lớp để ghi lại những kỷ niệm đẹp và nhắc nhở mình sống tốt hơn. Cô sưu tầm những câu chuyện hay trên Internet như Thư gửi con của Tổng thống Mỹ Abraham Lincohn, chuyện về ba cây cổ thụ, về sức mạnh của dấu chấm câu..., trang trí thật đẹp để tặng trò.

Cô biết những món quà đó đã được dán đầy góc học tập của học trò ở nhà như những kỷ vật luôn đồng hành cùng các em trong những bước đi khôn lớn.

Trong căn hộ nhỏ ở chung cư Bàu Cát 2 (Tân Bình), cô Trang cho chúng tôi xem “gia tài” lớn nhất của mình: hàng trăm bức thư, bài kiểm tra, trang nhật ký thấm đẫm nước mắt học trò. Nhưng với cô giáo chưa tròn 30 tuổi đam mê nghiệp dạy văn này, chính “gia tài” ấy mới thật sự là những tác phẩm văn học trọn vẹn và vô giá.

“Con sẽ sống tốt như cô!”

Cô Trang thương yêu!

Vì cô Trang không chỉ là một người thầy tận tụy, cô Trang còn là một người mẹ yêu thương, một người bạn để tâm tình.

Vì cô Trang không chỉ truyền đạt kiến thức, ngôn ngữ, cô Trang còn dạy cách làm người, cách sống, cách yêu.

Vì cô Trang không chỉ là “người lái đò”, cô Trang còn dẫn bước vào đời và luôn dõi theo từng bước đi của con.

Vì tất cả những điều tốt đẹp cô Trang dành cho con, con chỉ biết nói rằng: CON YÊU CÔ VÀ SẼ SỐNG TỐT NHƯ CÔ.

20/11/2007

HS của cô: N.Phượng

Theo Lưu Trang
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG