"Thầy chú trọng việc chuyền, nhận và kiểm soát bóng, đồng thời đội phải biết hỗ trợ nhau khi đối phương pressing ở 1/3 sân nhà. Khi đối phương tạo áp lực lớn lên hàng phòng ngự, tuyến trên phải kéo lại gần để hỗ trợ đưa bóng lên. So với ở CLB thì khi lên tuyển, thầy đòi hỏi và khắt khe với cầu thủ hơn. Thầy luôn tạo áp lực và khiến chúng tôi phải cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên tôi đã quen khi làm việc cùng ở PVF nên không bỡ ngỡ”. Đó là chia sẻ của Lê Văn Đô về buổi tập của đội tuyển U23 Việt Nam.
HLV Philippe Troussier |
SEA Games 32 là mục tiêu và cũng là thử thách đầu tiên của HLV Philippe Troussier nhận lãnh trong bản hợp đồng hơn 3 năm với Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Tháng 3 là giai đoạn chuẩn bị quan trọng của U23 Việt Nam, sau khi đội được bổ sung thêm một số thành viên từ đội U20 của HLV Hoàng Anh Tuấn. Ông Troussier sẽ có hơn 2 tháng để chuẩn bị cho mục tiêu tranh đoạt HCV tại SEA Games 32 (Campuchia). Đây cũng là thời gian ông Troussier làm quen với các ĐTQG, truyền đạt cho cầu thủ từ triết lý chơi bóng đến cách thức tổ chức của cả tập thể.
Đó không phải nhiệm vụ dễ dàng bởi 5 năm qua, các đội tuyển bóng đá Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ HLV Park Hang-seo, gồm cả phong cách huấn luyện, lối chơi đến cách thức tương tác giữa thầy và trò. HLV Troussier hiểu rõ điều này và có vẻ như những buổi tập đầu tiên của U23 Việt Nam cũng như đội tuyển Việt Nam, ông đang cố gắng xây dựng lại từ đầu, nhào nặn lại những tập thể mới theo phong cách của mình.
Những buổi tập diễn ra lúc đêm muộn hay giữa trưa vốn lạ lẫm với các tuyển thủ, nhưng đã buộc họ phải chuyển trạng thái để thích nghi. Dù tỏ ra rất lịch thiệp và khéo léo, chuyên nghiệp bên ngoài sân cỏ nhưng khi vào sân, ông Troussier trở thành một người rất nghiêm khắc. Nhà cầm quân người Pháp tỏ ra đặc biệt khắt khe, thường xuyên yêu cầu học trò phải thực hiện đúng các yêu cầu của mình. Hôm mới đây, Đỗ Hùng Dũng và các ngôi sao ở đội tuyển Việt Nam cũng thêm một trải nghiệm khác khi được ông Troussier bố trí tập chung với “đàn em” ở đội U23 trên cùng sân tập, một không gian khá chật chội.
Một không khí mới được ông Troussier tạo nên diễn ra ngay ở khâu tương tác với truyền thông. Ông chủ động đề nghị một mối quan hệ hợp tác “đẹp” giữa đội tuyển Việt Nam và ông với báo chí. Theo ông Troussier, truyền thông là một phần quan trọng trong kế hoạch hướng tới World Cup 2026 của bóng đá Việt Nam. Trên thực tế, mối quan hệ giữa các HLV bóng đá ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiếm khi êm ả, hoặc có nhưng không thường xuyên.
Người tiền nhiệm của ông Troussier, HLV Park Hang-seo dù rất khéo léo nhưng cũng nhiều phen “nổi sung”, đặc biệt những lần thông tin nội bộ đội tuyển bị hé lộ, từ danh sách đội hình tới tình trạng cầu thủ…vốn dĩ có thể gây bất lợi cho đội tuyển. Nhưng thông tin lại là thứ báo chí và cả CĐV lại… rất hứng thú, đặc biệt tin sốc. Giải quyết mối quan hệ này không dễ và thường khi xung đột sẽ nổ ra.
Ít người biết rằng ông Troussier với nhiều năm cầm quân cũng nhiều lần gặp xung đột với truyền thông các ĐTQG ông dẫn dắt, nên kinh nghiệm với chuyện này cũng khá dày dặn. Những quy tắc HLV Troussier áp dụng, lâu dài sẽ định hình nên một đội bóng mới, với những màu sắc mới mẻ cả về chuyên môn và hình ảnh.