Lửa và rơm trên trời
Một ngày trời mưa phùn, mây mù tại sân bay Điện Biên năm 1999, tổ bay của Hãng hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) không thể rời về Hà Nội. Chiếc ATR 72 ướt nhép đậu giữa đường bằng. Phi công và tiếp viên nghỉ lại, đợi trời hứng nắng.
Trong đoàn có chàng phi công trẻ Bùi Xuân Hùng vừa trở về từ Úc lóng ngóng, không tài nào sử dụng chức năng nhắn tin của chiếc điện thoại. Đúng lúc đó, nữ tiếp viên xinh đẹp, mảnh mai Nguyễn Thị Thu Hằng bước tới. “Để tớ giúp” – Hằng nhỏ nhẹ nói rồi chỉ cho chàng phi công đẹp trai, tài ba đang “quê một cục”.
Từ đó, suốt chuyến bay, chàng phi công thấy trái tim mình bắt đầu khó bảo. Nhưng, sau chuyến bay, nàng “hằng nga” trong mộng mất dấu, theo những chuyến bay khắp mọi miền đất nước và ra thế giới. Một hôm, Hùng gặp lại cô tiếp viên là bạn bay cùng chuyến với Hằng. Anh thỏ thẻ xin số điện thoại của Hằng. Chàng phi công nắm toàn quyền trên chuyến bay, được ví như vị vua của một quốc gia phải mất nhiều tháng trời mới mời nổi cô tiếp viên gốc Hà Thành đi uống cà phê. Kết quả của những lần hẹn hò là một mái ấm và hai mặt con kháu khỉnh.
Phi công Võ Thanh Hải nên duyên vợ chồng với một nữ tiếp viên qua chuyến công tác
Chuyện tình giữa phi công và tiếp viên nảy nở trên những chuyến bay như thế, đúng như các cụ đã nói, lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén. Các cô tiếp viên khó cưỡng lại vẻ đẹp của những anh chàng cao to, đẹp trai đến độ, trên người không được phép có một vết sẹo làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Nếu nói một cách thực dụng thì, phi công là của hiếm, “cành cao” (phí đào tạo một phi công mất ít nhất 2 tỷ đồng). Còn tiếp viên hàng không là những cô gái duyên dáng, thông minh, đủ để hấp dẫn những chàng phi công tưởng lạnh băng như nhiệt độ ngoài máy bay ở độ cao 10 Km, nhưng lãng mạn vô cùng.
Phi công Võ Thanh Hải lái Airbus A330 cũng phải lòng cô tiếp viên trong một chuyến bay đi nước ngoài. “Không chỉ là chuyện lửa gần rơm, phi công và tiếp viên đến với nhau mới có thể cảm thông cho những chuyến bay xa nhà biền biệt, đặc biệt là trong những dịp lễ tết” – anh Hải nói.
Vợ đẹp biền biệt, con gửi ông bà
Nghề bay có cái sung sướng khó tả, nhưng cả hai người trong một gia đình lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Những cặp gia đình phi công – tiếp viên hay tiếp viên và tiếp viên của VNA thường rơi vào cảnh mặt trăng mặt trời: Vợ vừa về đến nhà cũng là lúc chồng ra sân bay. Hoạ hoằn lắm, khi phần mềm sắp lịch (vô tình xếp) cho hai vợ chồng bay chung một chuyến được xem là cả một sự kỳ diệu. Bố mẹ bận rộn nên con cái nhiều khi phải gửi ông bà trông hộ; thiếu bàn tay chăm sóc của bố mẹ.
Một cơ trưởng tên T kể câu chuyện không dễ ứng xử chút nào. Hôm ông bà nội lên chơi, thấy 9 giờ tối, cô con dâu tô son đánh phấn bước ra khỏi nhà liên hỏi con trai: “Nó đi bay hay đi với anh nào giờ này mà ăn mặc đẹp thế”. Cậu con trai chỉ biết cười xoà cho qua.
Vì thế, để giữ yên ấm cho gia đình, vợ phi công Bùi Xuân Hùng hứa với chồng cố gắng trở thành giáo viên huấn luyện tiếp viên để được nghỉ luân phiên (một tuần bay, một tuần ở nhà) chăm lo gia đình. Còn như chị Thắm, vợ phi công Võ Thanh Hải phải bỏ niềm đam mê bay đi làm việc khác để chăm chồng con.
“Đi nước ngoài nhiều, chúng tôi học được nhiều và truyền dạy cho con những điều tốt đẹp. Chẳng hạn, tôi không bao giờ vượt đèn đỏ, con tôi thấy thế cũng tự ý thức. Mình làm gương cho cháu, dạy cháu những nguyên tắc vì không có thời gian chỉ bảo cho các cháu từng ly từng tý. Để bù đắp, bay đi đâu đó, mình mua cho con gói bánh, mòn đồ chơi lạ mà không phải ai có tiền cũng mua được. Đó là hạnh phúc nhỏ nhoi của các gia đình như chúng mình” – Cơ trưởng máy bay A321 Bùi Xuân Hùng kể.