Trong Chiến tranh Lạnh, mỗi khoảnh khắc xung đột chính trị giữa Mỹ và Liên Xô đều làm tăng khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân hủy diệt thế giới. Đã có ít nhất 4 cuộc khủng hoảng suýt dẫn tới Thế chiến III giữa hai siêu cường này, theo National Interest.
Cuộc đối đầu Berlin năm 1961
Tháng 10/1961, chỉ vài tháng sau khi bức tường Berlin được xây dựng, một nhà ngoại giao Mỹ cố vượt qua bức tường để sang Đông Đức qua chốt gác Charlie. Cảnh sát Đông Đức, vốn không được Mỹ công nhận quyền hành pháp, yêu cầu nhà ngoại giao này xuất trình giấy tờ. Ông này từ chối, sau đó trở lại cùng với binh lính Mỹ. Cảnh sát Đông Đức tiếp tục yêu cầu ông tuân theo yêu cầu.
Quân đội Mỹ đáp trả bằng việc triển khai xe tăng tới gần chốt gác Charlie. Phía Liên Xô được thông báo về tình hình và cũng điều xe tăng tới. Trong ba ngày, xe tăng hai bên đối đầu nhau trên đường phố Berlin. Suốt ba ngày căng thẳng đó, chỉ một hành động bất thường cũng có thể biến khu vực này thành bãi chiến trường, đồng thời châm ngòi cho Thế chiến III.
Cuối cùng, phía Mỹ âm thầm đề nghị Liên Xô hạ nhiệt tình hình bằng cách rút một xe tăng đi. Quân đội Liên Xô đồng ý và Mỹ cũng đáp lại bằng cách rút xe tăng của mình, kết thúc cuộc đối đầu đầy căng thẳng.
Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962
Khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10/1962 có thể trở thành 13 ngày tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Đây là cuộc đối đầu gay cấn giữa Mỹ và Liên Xô trong lúc Chiến tranh Lạnh đang ở giai đoạn cao trào.
Nguyên nhân xuất phát từ việc Liên Xô triển khai tên lửa đạn đạo tầm trung mang đầu đạn hạt nhân tới Cuba, chỉ cách bờ biển Florida, Mỹ hơn 150 km. Tháng 10/1962, máy bay trinh sát Mỹ phát hiện các trận địa tên lửa đang được xây dựng ở Cuba.
Tổng thống Mỹ John F. Kennedy quyết định ra lệnh phong tỏa Cuba nhằm ngăn Liên Xô tiếp tục vận chuyển vũ khí đến quốc gia này. Kennedy cũng yêu cầu nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev rút các khí tài đã triển khai.
Trước viễn cảnh 42 tên lửa Liên Xô nằm ngay sát nách nước Mỹ, Kennedy quyết định bố trí tên lửa hạt nhân trên lãnh thổ các nước đồng minh ở châu Âu. Tên lửa hạt nhân đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ và Italy có thể tấn công Moscow trong chưa đầy 16 phút. Liên Xô cũng đưa hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ vào tầm ngắm của vũ khí hạt nhân.
Căng thẳng leo thang nhanh chóng tới mức đẩy Chiến tranh Lạnh đến bờ vực bùng phát thành một cuộc chiến tranh nguyên tử, đẩy thế giới vào nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hủy diệt.
Cuộc khủng hoảng chỉ được giải quyết sau khi Liên Xô và Mỹ đạt được thỏa thuận, trong đó bao gồm yêu cầu Mỹ không xâm lược Cuba. Các hệ thống tên lửa Liên Xô sau đó cũng được gỡ bỏ và đưa về nước, trong khi Mỹ rút tên lửa hạt nhân khỏi các nước đồng minh.
Khủng hoảng Trung Đông năm 1973
Sau thất bại trong Chiến tranh 6 ngày với Israel năm 1967, Ai Cập quyết tìm cách đáp trả. Năm 1973, nước này bất ngờ tấn công Israel, mở đầu cuộc chiến tranh Yom Kippur.
Ai Cập và các đồng minh đạt được nhiều thành công đáng kể, nhưng phía Israel kịp phục hồi để phản công, sao đó bao vây và đe dọa tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn quân số 3 của Ai Cập. Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cố gắng cản Israel, trong khi Liên Xô tìm cách giúp đỡ đồng minh Ai Cập bằng cách đề nghị Mỹ cùng can thiệp quân sự, nhằm chia tách hai phe tham chiến.
Lính Israel bị bắt làm tù binh trong chiến tranh Yom Kippur. Ảnh: AFP.
Washington nhận định đề nghị này là một nỗ lực của Moscow nhằm triển khai quân tới Trung Đông nên từ chối. Lãnh đạo Liên Xô đe dọa can thiệp đơn phương, gửi cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon thông điệp được mô tả là "một trong những lời thách thức nghiêm trọng nhất".
Vị thế của Nixon vào cuối năm 1973 đã bị suy yếu do bê bối chính trị, có thể khiến Liên Xô hành động mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, phía Mỹ đã phản ứng bằng cách đưa quân đội, bao gồm cả lực lượng hạt nhân chiến lược, vào tình trạng báo động cao.
Đứng trước nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân, Moscow quyết định từ bỏ quyết định đưa quân tới Trung Đông, Washington cũng hạ trạng thái trực chiến của quân đội.
Cuộc diễn tập Able Archer năm 1983
Khủng hoảng lớn cuối cùng của Chiến tranh Lạnh bắt nguồn từ sự hiểu lầm một cuộc diễn tập mang tên mã "Able Archer" được Mỹ và NATO thực hiện tháng 11/1983.
Mục đích của cuộc diễn tập nhằm thử nghiệm kênh liên lạc giữa Bắc Mỹ và châu Âu trong quá trình chuyển từ chiến tranh thông thường sang chiến tranh hạt nhân theo kịch bản giả định là Thế chiến III nổ ra.
Lính Mỹ tham gia diễn tập Able Archer 1983. Ảnh: Wikipedia.
Liên lạc trong khối NATO được mã hóa, nhưng mọi thông điệp đều bắt đầu với cụm từ "Diễn tập". Lãnh đạo Mỹ và NATO tin rằng Liên Xô có thể giải mã thông điệp của họ, nên việc đặt cụm từ "Diễn tập" ở đầu sẽ tránh gây hiểu nhầm rằng phương Tây đang chuẩn bị tấn công phủ đầu Liên Xô.
Tuy nhiên, tình huống diễn tập giả định được thiết kế rất sát với thực tế, với quân đội và vũ khí di chuyển như đang có tình thế chiến tranh thật. Phía Mỹ còn triển khai tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân Pershing II đến sát biên giới với Ba Lan, khiến tình báo Liên Xô cho rằng NATO đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh, thậm chí là một cuộc tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.
Khi cuộc diễn tập bắt đầu, Liên Xô đã ra lệnh lắp vũ khí hạt nhân cho hàng chục máy bay ở Đông Đức và Ba Lan. Khoảng 70 quả tên lửa SS-20 mang đầu đạn hạt nhân cũng được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Tình báo Mỹ sớm nhận ra việc Liên Xô phản ứng với Able Archer như một cuộc tấn công thực sự. Không ai nghĩ tới khả năng Moscow nhận định phương Tây sẽ khơi mào một cuộc chiến dưới vỏ bọc diễn tập, nhất là khi NATO chịu bất lợi lớn về nhân lực và vũ khí.
Phản ứng của Liên Xô làm người Mỹ bất ngờ, nhất là khi họ không hiểu lý do dẫn tới phản ứng quá mức của Liên Xô với một cuộc diễn tập thông thường. Tổng thống Mỹ Ronald Reagan liền ra lệnh rút các vũ khí hạng nặng cũng như tên lửa hạt nhân để tránh leo thang căng thẳng với Liên Xô.
Chỉ khi cuộc diễn tập chấm dứt, Moscow mới ngừng việc chuẩn bị đáp trả của mình. Tổng thống Reagan cũng nhận được bài học từ khủng hoảng này, đó là cần có đường dây kết nối với lãnh đạo Liên Xô, nhằm tránh xảy ra những hiểu lầm nguy hiểm như vậy trong tương lai.