Những “công trình” đọng mãi với thời gian

 Bà Mai Thị Kim Chi lật giở từng trang album hình kỷ niệm với sinh viên tình nguyện. Ảnh: HÒA HỘI
Bà Mai Thị Kim Chi lật giở từng trang album hình kỷ niệm với sinh viên tình nguyện. Ảnh: HÒA HỘI
TP - Cứ mỗi mùa chiến dịch tình nguyện, màu áo xanh thân thương lại tràn ngập mọi nẻo đường đất nước. Nơi bước các bạn trẻ đi qua là những công trình ở lại. Nhưng có những “công trình” còn đọng mãi với thời gian, đó là tình cảm nhớ thương sâu đậm của người đi và người ở lại.

Xem sinh viên tình nguyện như con

“Hầu như năm nào tụi nhỏ cũng về thăm vợ chồng tôi đôi ba lần, có khi dẫn cả vợ con, bạn bè đến. Tụi nó rất dễ thương như ngày đầu mới đến ở”, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, ở ấp Bình Tây, xã Vĩnh Thành (Chợ Lách, Bến Tre), chia sẻ.

 Bà Yến năm nay 60 tuổi, vợ chồng bà sống bằng nghề làm cây giống mấy chục năm nay nên suốt ngày bận rộn ngoài vườn cây. Ngồi trò chuyện, bà kể, thời đó (năm 2001) sinh viên đến nhà ở trong suốt mùa chiến dịch, ban ngày đi làm tối về ngủ. Nhà có gì cùng ăn, bà coi sinh viên như con cháu ruột thịt trong nhà.

Mỗi nhà nuôi chỉ vài sinh viên, nhà bà nuôi 2 người nhưng là nơi sinh viên thường tụ tập vui chơi, trò chuyện lúc tối. Chồng bà là ông Huỳnh Văn Triệu. Năm sinh viên đến làm chiến dịch, khi ấy ông là Bí thư chi bộ ấp nên luôn sát cánh hỗ trợ các em. “Năm đó ở đây khó khăn lắm, đường bùn lầy chứ không được như bây giờ nhưng các em rất nhiệt tình làm bất kể mưa nắng. Mặc dù không bà con ruột thịt nhưng gắn bó rất tình cảm. Vợ chồng tôi coi các cháu như con ruột của mình”, ông Triệu nói. 

Để giúp sinh viên hoàn thành chiến dịch, nhiều gia đình không ngần ngại cho ở nhờ, thậm chí dành hẳn căn nhà của mình để chiến sỹ ở. Điển hình là gia đình ông Lê Văn Tốt (hay còn gọi Ba Tốt), ở ấp Vĩnh Hưng 1, xã Vĩnh Thành. Một điều mà giờ ông Ba Tốt không ngờ tới là căn nhà mình cho sinh viên ở cách đây 20 năm đã có nhiều người đỗ đạt, thành tài, trong đó có Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong. Khi ấy, anh Lê Quốc Phong là Bí thư Đoàn trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, kiêm đội trưởng dẫn gần 50 sinh viên xuống thực hiện Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tại xã Vĩnh Thành (Chợ Lách, Bến Tre). 

Những “công trình” đọng mãi với thời gian ảnh 1 Ông Ba Tốt coi sinh viên tình nguyện như con mình. Ảnh: H.H

Ông Ba Tốt quan niệm rằng, giúp sinh viên như giúp con mình, nếu con mình có tham gia chiến dịch ở nơi khác thì cũng được người dân giúp đỡ. Ông đi kháng chiến chống Mỹ chiến thắng, sống sót trở về cũng nhờ sự bao bọc, che chở của người dân. “Thời kháng chiến, tôi đi đến đâu người ta thương đó. Họ luôn quý và coi mình như con cháu ruột thịt. Chính vì thế, tôi tạo điều kiện tối đa để các cháu hoàn thành nhiệm vụ”, ông Ba Tốt nói và cho biết sau này gia đình ông vẫn mở rộng vòng tay đón sinh viên đến ở.

Ðầy ắp tình người

Nhắc lại chuyện sinh viên tình nguyện, bà Mai Thị Kim Chi (50 tuổi ở ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành) vào trong buồng lấy ra cả album ảnh chụp kỷ niệm với sinh viên tình nguyện. Bà lật từng trang cho chúng tôi xem và nhắc lại kỷ niệm cũ. Năm 2016, gia đình bà Chi nuôi 15 sinh viên trường ĐH Bách khoa TPHCM đến xây dựng đường nông thôn ở địa phương. "Cách nay vài tháng cũng có em về thăm. Thường vào mùa hè, hầu như năm nào cũng có các cháu về đây. Các sinh viên gọi vợ chồng tôi là ba Minh, má Chi từ đó đến giờ”, bà Chi chia sẻ.

 Bà Chi vẫn nhớ những hôm đầu, nhiều bạn đi làm về mệt ăn không nổi. Bà cố gắng nấu ngon nhưng vẫn bị thừa mứa sau mỗi bữa. Nhưng chỉ vài hôm sau, thấy bà nấu nướng vất vả, hợp khẩu vị hơn, mâm cơm không còn cọng rau. “Tụi nhỏ giỏi lắm! Tui đoán từ nhỏ đến lớn chưa làm việc nặng nhọc nhưng về đây vác cát, vác đá đi cứ như không. Nhiều lúc nhìn chúng mồ hôi ướt đẫm cả người thấy tội nghiệp lắm!”, bà Chi nói.

Kết thúc chiến dịch, đến ngày trở về, không chỉ vợ chồng bà Chi mà nhiều bà con trong xóm đều quyến luyến. Đêm giao lưu chia tay, người dân trong ấp kéo đến cùng hát mà trong mắt ai cũng đỏ hoe.

Bà Chi cũng nhớ một kỷ niệm gần đây: “Tụi nhỏ về thăm mà không báo trước. Chúng chạy xe đến Tiền Giang mới gọi cho ông xã bảo tụi con về thăm ba, má. Đêm hôm đó, vợ chồng tôi chờ đến gần nửa đêm mới thấy các con về. Rồi vài người trong xóm kéo nhau đến hàn huyên tâm sự cùng rượu đế, đầy ắp tình người”, bà Chi nhớ lại. 

Anh Lư Văn Tuấn (hiện sống ở TPHCM) là sinh viên của trường ÐH Khoa học tự nhiên TPHCM ở gia đình ông Triệu gần 20 năm trước. Sau chiến dịch, cho đến nay anh vẫn đều đặn về thăm mỗi năm, thậm chí đưa cả vợ con về thăm vợ chồng ông Triệu. “Những tình cảm mà cô chú ấy dành cho tôi rất sâu đậm. Cô chú xem mình như con ruột, vì thế tôi quý và coi hai người như cha, mẹ thứ hai của mình”, anh Tuấn nói.

MỚI - NÓNG