Những 'công nhân' ăn theo

0:00 / 0:00
0:00
Nguyễn Thành Nhân (phải) và Phạm Tuấn Phát ở cùng mẹ tại Công ty Thiên PhiênẢnh: H.C
Nguyễn Thành Nhân (phải) và Phạm Tuấn Phát ở cùng mẹ tại Công ty Thiên PhiênẢnh: H.C
TP - Tại doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ”, ngoài những công nhân đúng nghĩa còn có sự xuất hiện của không ít “lao động” suốt ngày chỉ biết ăn, ngủ. Đó là những em nhỏ theo chân cha, mẹ dọn đến nhà máy.

Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, đến nay, tỉnh có 3.701 doanh nhgiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”. Hầu hết các doanh nghiệp đủ điều kiện đã thực hiện xong 2 phương án này, người lao động đã đến nhà máy ăn ở, làm việc ổn định. “Để sớm đẩy lùi dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo “mục tiêu kép”, Bình Dương không còn cách nào khác là phải áp dụng giãn cách xã hội, thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh nói.

Tiếng cười trẻ thơ trong nhà máy

Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong tại một số doanh nghiệp “3 tại chỗ” ở Bình Dương cho thấy có nhiều trẻ em cùng đến ăn, ở với cha, mẹ. Xen lẫn tiếng máy nổ vận hành là tiếng cười hồn nhiên, vô tư của trẻ em.

Tại Công ty TNHH Thiên Phiên (thị xã Tân Uyên, Bình Dương), những đứa trẻ theo cha, mẹ vào đây được bố trí nơi ở, vui chơi rất chu đáo. Tại công ty, các bé từ 5 đến 15 tuổi đến ở cùng cha, mẹ. Tuy nhiên, vì quy định phòng dịch của doanh nghiệp, người ngoài vào được khuyến cáo không tiếp xúc gần với các bé. “Cháu theo mẹ vào công ty vì ở khu trọ chẳng có ai là người thân. Vào đây, cháu được bố trí nơi ăn, ở và vui chơi, đặc biệt là gần mẹ nên rất vui. Ở đây, cháu được các cô, chú quan tâm nhiều lắm”, Nguyễn Thành Nhân (15 tuổi, ở cùng mẹ tại Công ty Thiên Phiên) chia sẻ. Trong khi đó, Phạm Tuấn Phát (12 tuổi, theo mẹ đến Công ty Thiên Phiên) kể: “Lúc đầu, mẹ có ý định đưa cháu về quê Sóc Trăng để ở với ông bà. Tuy nhiên, khi nghe người ta nói ai về từ Bình Dương phải đi cách ly nên mẹ bỏ ý định. Sau đó, khi đi làm về, mẹ bảo cháu dọn đồ để vào công ty ở cùng. Lúc đó, cháu rất vui vì ở nhà trọ một mình buồn và sợ lắm”.

Chị Nguyễn Thị Nhất (mẹ của bé Phát) tâm sự, chị là mẹ đơn thân, trước đây, chị gửi con đến trường và hàng xóm. “Nghe công ty thông báo đăng ký ở lại để ăn, ở, sản xuất, tôi không thể nào ngủ được bởi nếu mình vào nhà máy thì con ai lo. Lúc đó, dù rất sợ nhưng vì nghĩ đến con, tôi liều đến gặp lãnh đạo công ty nói ra nguyện vọng được đón con vào công ty cùng”, chị Nhất kể.

Bà Lê Thụy Trúc Hà, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Thiên Phiên, cho biết, công ty có gần 400 công nhân cùng ăn, ở và sản xuất tại nhà máy và bố trí cho 5 bé theo cha, mẹ vào nhà máy. “Công ty không có chủ trương cho người thân công nhân đến nơi làm việc. Tuy nhiên, nhận thấy có những trường hợp cần giúp đỡ, chúng tôi đề xuất và được ban giám đốc chấp thuận. Các bé được chăm lo ngày 3 bữa chính và bữa phụ. Ngoài ra, được ưu tiên test COVID-19”, bà Hà nói.

“Nhìn qua cửa, cháu thấy mẹ đang xếp hàng, chạy tới định phụ mẹ thì bị chú quản lý nhắc nhở không được vào bên trong. Nhiệm vụ của các cháu là ăn, ngủ, vui chơi trong phạm vi cho phép”

Bé Lê Hữu Trí (theo mẹ vào Công ty Thiên Phiên)

Công ty Hưng Phước (TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) có khoảng 10 bé theo cha, mẹ đến nhà máy. Tại đây, các bé được bố trí khu nghỉ ngơi, ăn uống riêng. Đại diện công ty cho biết, tất cả chi phí của con em công nhân được đơn vị lo. Tất cả các bé được vào nhà máy đều thuộc hoàn cảnh bất đắc dĩ và công ty không khuyến khích vì lý do phòng dịch.

“Sau khi viết bức tâm thư nói về hoàn cảnh của mình, công ty đã chấp thuận để cho đưa con đến nhà máy cùng. Công ty cũng nói rằng, trong nhà máy nguy cơ cao lây nhiễm. Do đó, bé vào đây, được bố trí ở riêng, đảm bảo tuyệt đối, không cho ai tiếp xúc. Tôi đến gần con cũng phải khử trùng rất kỹ dù liên tục xét nghiệm có kết quả âm tính”, chị Nguyễn Thị Tuyết (có con 5 tuổi vào ở cùng tại Công ty Hưng Phước) nói.

Siết giãn cách nhưng không để dân thiếu ăn…

Chiều 26/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến thăm một số đơn vị thiện nguyện và làm việc với lãnh đạo HĐND TPHCM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM về cung ứng hàng hóa thiết yếu, lương thực thực phẩm cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, đặc biệt là các hộ dân trong các khu vực bị phong tỏa.

Trước đó, ông Đam dẫn đầu đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống dịch tại quận Bình Tân, tâm dịch tại TPHCM. Chủ tịch UBND Quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt báo cáo, từ ngày 28/5 đến nay, quận Bình Tân ghi nhận 6.728 ca F0, trong đó có 261 ca truy vết trong cộng đồng, 580 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện. Số còn lại là các trường hợp F1, phát hiện trong khu phong tỏa, khu cách ly tập trung. Quận đã vận hành 7 khu cách ly F0 với 2.232 giường và đang cách ly 1.386 trường hợp và dự kiến mở rộng, thêm các khu mới, nâng lên 5.130 giường.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống dịch là nguy cơ lây nhiễm rất cao từ hơn 236.000 công nhân lao động và hơn 3.000 người buôn bán tự do, bán hàng rong… đang sinh sống tập trung tại các khu nhà trọ diện tích nhỏ, hẹp. “Quận Bình Tân đang tìm phương án giãn, giảm mật độ trong các khu nhà trọ chật chội nhưng không có các khu chung cư đủ lớn nên đang tính đến giải pháp sử dụng các trường học để di dời bớt công nhân nhưng năng lực tiếp nhận rất hạn chế”, ông Nhựt nói.

Một ngày TPHCM có gần 6.000 ca COVID-19

Tối 26/7, Bộ Y tế cho biết, trong ngày có 7.882 ca mắc mới, trong đó 23 ca nhập cảnh và 7.859 ca ghi nhận trong nước. Cụ thể, tại TPHCM có 5.997 ca, Bình Dương (733), Ðồng Nai (259), Tiền Giang (201), Ðồng Tháp (135), Hà Nội (81), Ðà Nẵng (61)… Cùng ngày, Bộ Y tế công bố 2.006 ca khỏi bệnh và 154 bệnh nhân tử vong do COVID-19.

Hà Minh

Ông Đam nói rằng, Bình Tân phải đổi mới công tác xét nghiệm trong các khu nhà trọ đông công nhân, người nghèo. Ngoài xét nghiệm sàng lọc định kỳ để phát hiện F0, cần ưu tiên trước cho những nhóm nguy cơ như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, để có biện pháp chăm sóc, điều trị từ sớm. Bên cạnh đó, Bình Tân cần tổ chức ngay hệ thống theo dõi sức khỏe liên tục từ xa đến từng người dân trong các khu nhà trọ. Lãnh đạo quận phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp tìm phương án vận động công nhân ở những khu trọ di dời đến nơi ở tạm. Bên cạnh đó, với số lượng F0 như hiện nay, Bình Tân cần có thêm một bệnh viện dã chiến tối thiểu 500-1.000 giường.

Kiểm soát shipper

Từ ngày 26/7, TPHCM chỉ cho phép dịch vụ shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu hoạt động trên địa bàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Các đơn vị cung ứng rà soát, giảm 10% số lượng nhân viên và buộc thực hiện các giải pháp nhận diện shipper. Ngoài đồng phục, thùng hàng, logo doanh nghiệp, giấy thông hành của doanh nghiệp, ứng dụng quản lý đơn hàng shipper đang giao nhận…, các đơn vị phải làm bảng tên thẻ cứng có hình và xác nhận của công ty cho từng shipper và thực hiện ứng dụng nhận diện shipper thông qua mã QR. UBND TPHCM còn yêu cầu các đơn vị tổ chức theo khu vực.

Từ tối 26/7, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh ở TPHCM phải đóng cửa từ 18 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong khung giờ trên, mọi người dân không được phép ra đường (trừ các trường hợp như cấp cứu…). Thời gian thực hiện kéo dài đến hết ngày 1/8.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.