Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), cử tri và dư luận bất bình trước các vụ việc tiêu cực trong hoạt động mua, bán, sản xuất thiết bị phòng, chống dịch COVID-19. Theo ông Tám, những người vi phạm rồi đây sẽ phải đứng trước pháp đình để chịu sự phán xử nghiêm khắc của pháp luật hình sự, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều này không chỉ thể hiện thái độ không khoan nhượng của Đảng và Nhà nước mà còn chứng minh rằng “không có vùng cấm” trong quá trình xử lý các sai phạm.
Tuy nhiên, vấn đề khiến cử tri vẫn băn khoăn đặt ra là: Đằng sau những hành vi đó là gì, có sự bắt tay cấu kết của những hành vi trục lợi này không? Nếu có thì tại sao lại có việc bắt tay cấu kết trên đau khổ của người dân trong đại dịch như vậy? “Những vấn đề đó cần được tiếp tục làm rõ trong quá trình xử lý các sai phạm trên”, ông Tám đề nghị.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu bày tỏ nỗi lo của ngành y tế trước tình trạng “làm gì cũng có thể sai”. Ảnh: Nhật Minh |
Là người hoạt động trong lĩnh vực Y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ rằng, trong “cơn bão” đại dịch, ngành Y tế bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất. Những sai lầm đã phải trả giá đúng theo nguyên tắc “công, tội phân minh”. Song vấn đề được ông Hiếu đặt ra là sau “cơn bão lớn”, việc phục hồi và phát triển lĩnh vực y tế sẽ diễn ra như thế nào? “Không thể vì những vi phạm xảy ra mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt”, ông nói và chia sẻ: “Những khó khăn trước đây như thu thập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men đến nay không những không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết”.
“Sau “cơn bão lớn”, việc phục hồi và phát triển lĩnh vực y tế sẽ diễn ra như thế nào? Không thể vì những vi phạm xảy ra mà chúng ta để cả một hệ thống tê liệt”.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu nói.
Sức khỏe người dân phải ưu tiên hàng đầu
Bày tỏ mong muốn các vị đại biểu Quốc hội có thời gian đến thăm các bệnh viện của địa phương mình để thấy tình hình “nguy hiểm này”, ông Hiếu cho biết, có rất nhiều các nhân viên y tế, cán bộ bảo hiểm xã hội, các cử tri, người bệnh đã gửi gắm nỗi lòng về những khó khăn hiện nay và trong tương lai của hệ thống y tế Việt Nam.
Tuy vậy, theo ông Hiếu để tìm được câu trả lời không hề dễ dàng vì những vướng mắc đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ ai cũng nhận ra nhưng ngày càng nhiều hơn và phức tạp hơn. Đi vào những khó khăn, vướng mắc cụ thể, ông Hiếu cho biết, việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc men đang là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện cả công và tư. “Gần đây có vị bộ trưởng cũng than phiền với tôi là muốn ra mua viên Zinat, một loại kháng sinh rất thông dụng mà không thể mua được ở các cửa hàng. Hơn nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao đã thiếu nay còn càng ít hơn, vì mức lương không tăng mà có xu hướng giảm”, ông Hiếu thông tin.
Dẫn thống kê, đại biểu đang là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ở các bệnh viện công hiện không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới, hiện đại khiến các bác sĩ giỏi đến đâu cũng đành phải bó tay, nản lòng. Từ đó, ông Hiếu kiến nghị cần sớm sửa đổi, ban hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực y tế để khắc phục các bất cập trên. Với tư cách là một bác sĩ, ông Hiếu bày tỏ mong muốn lãnh đạo cao cấp, các vị đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào những khó khăn mà ngành Y tế đang gặp phải. Khó khăn đó không chỉ về vật chất mà chủ yếu là về tinh thần, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng của lĩnh vực y tế.
Chia sẻ với ý kiến trên, ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề nghị cần có chính sách để các bệnh viện công lập, cơ sở y tế chủ động tự tin trong việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, tránh tâm lý sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua, và thái độ “cứ nhìn vào đâu là thấy y tế tiêu cực ở đó”. Mặc dù hệ thống y tế đang bị rúng động bởi “quả bom Việt Á”, nhưng theo ông An, việc chống dịch, chữa bệnh cứu người vì sức khỏe của người dân vẫn phải là ưu tiên hàng đầu.