Những ‘con nợ thảm hại’

Những ‘con nợ thảm hại’
Nói đến doanh nghiệp Việt Nam trong thời buổi hiện nay, một từ gắn liền là “nợ”. Nhiều chủ doanh nghiệp không ngại ngần nói thẳng mình là con nợ thảm hại.
Những ‘con nợ thảm hại’ ảnh 1

Chữ "nợ" ở đây không còn mang nghĩa thông thường, mà được gọi lên như một tiếng kêu than.

Doanh nghiệp nợ lương công nhân ngày càng nhiều, nợ bảo hiểm xã hội tràn lan, từ vài trăm triệu đồng đến vài chục tỉ đồng. Mới đây, Bộ Tài chính công bố, 9 tháng của năm nay, các doanh nghiệp nợ thuế khoảng 20.000 tỉ đồng. Doanh nghiệp làm ăn khó khăn, nợ thuế nặng nề tất nhiên ảnh hưởng nguồn thu ngân sách, sự mất cân đối trong thu- chi của quốc gia là điều khó tránh khỏi.

Tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân với Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, một con số báo cáo không vui được đưa ra, đó là năm nay, đã có 40.000 DN giải thể và ngừng hoạt động. Con số này chắc chắn sẽ lớn hơn khi năm 2012 khép lại, bởi vì trên thực tế chưa thấy có những liều thuốc cấp cứu thực chất. Hậu quả của hàng loạt DN sập tiệm không chỉ là chuyện nợ nần thuế má, mà thêm hàng ngàn người lao động mất việc.

Doanh nghiệp thành lập, nhưng hoạt động không hiệu quả phải đóng cửa là chuyện bình thường. Tương tự, DN làm ăn thất bát, mắc nợ cũng là chuyện bình thường. Nhưng sẽ rất không bình thường khi có quá nhiều DN lâm vào hoàn cảnh này. Tình trạng số đông gặp nạn cho thấy ngoài những yếu kém, trì trệ trong nội tại mỗi DN, ngoài việc chịu ảnh hưởng của tình trạng suy thoái kinh tế trong và ngoài nước, thì vẫn cần nghiêm túc nhìn nhận lại những yếu kém chủ quan, bất cập của nhiều cơ chế, chính sách hiện tại.

Cũng một báo cáo gần đây, có khoảng 400 tấn vàng trị giá tương đương 22 tỉ USD chôn trong dân. Hệ thống ngân hàng không khai thác được số của cải xấp xỉ dự trữ ngoại hối này, đơn giản một điều là vì dân không thể gửi vàng vào ngân hàng khi họ còn mang nhiều nỗi hoài nghi.

Từ sự mất niềm tin, dẫn đến một sự lãng phí ghê gớm mà những lời kêu gọi suông không thể thay đổi cục diện. Một khi món nợ niềm tin chưa trả lại được trên thị trường thì vàng vẫn tiếp tục chôn chặt trong két sắt nhà dân. Nói rộng ra, hơn lúc nào hết, lúc này DN đang rất cần những chính sách kinh tế lành mạnh và hiệu quả từ phía các cơ quan quản lý để lấy lại niềm tin.

Theo Lao động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.