Những con đường trở về Tổ quốc từ Hoa Kỳ

Những con đường trở về Tổ quốc từ Hoa Kỳ
TP - Trong suốt 3 giờ đồng hồ sáng 5/1 (giờ Việt Nam), cuộc tọa đàm trực tuyến “Đường về Tổ quốc” đã thực hiện tại Trung tâm Beckman, Viện Hàn lâm quốc gia Hoa Kỳ (VA), thành phố Irvine, bang California, Hoa Kỳ.
Những con đường trở về Tổ quốc từ Hoa Kỳ ảnh 1
Toàn cảnh cuộc tọa đàm trực tuyến

Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo thường niên của các Nghiên cứu sinh (NCS) và học giả của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) nhằm thúc đẩy đối thoại cởi mở giữa các Nghiên cứu sinh và Học giả của VEF về việc quay trở lại Việt Nam sau khi kết thúc chương trình học tại Hoa Kỳ.

Khoảng 300 đại biểu đã tham dự buổi tọa đàm trong đó có hơn 200 NCS, học giả VEF và các nhà lãnh đạo tới từ Việt Nam gồm bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm ban đối ngoại Quốc hội, ông Trần Quốc Thắng, Thứ trưởng thường trực Bộ Khoa học và Công nghệ VN... cùng nhiều vị lãnh đạo đến từ các trường Đại học hàng đầu của Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, GS Võ Văn Tới, Giám đốc điều hành của VEF cho biết, kể từ khi mới bắt đầu đi vào hoạt động cách đây 5 năm đã có 230 học bổng của VEF dành cho các NCS VN. GS Tới cũng vui mừng thông báo rằng, Hiệp hội cựu NCS VEF đã được thành lập, tháng 12/ 2007 đã có thêm 34 NCS của VEF đã tốt nghiệp, trong số đó có 19 người trở về VN, 14 người tiếp tục học tập tại Mỹ và  2 người đã tốt nghiệp Tiến sỹ. Trong số những cựu NCS, có 6 người đã có bằng TS.

GS Tới khẳng định, đây là một kết quả vượt trội vì VEF mới bắt đầu hoạt động từ năm 2003. Ông cho biết, chủ đề của cuộc tọa đàm năm nay “Đường trở về Tổ quốc”  không phải là mới, nhưng nó sẽ vẫn được tiếp tục cho tới khi chúng ta tìm được câu trả lời thỏa đáng cũng như những giải pháp sáng tạo và thực tiễn.

Tổ quốc luôn chào đón

GS Trần Quốc Thắng khẳng định Bộ luôn hoan nghênh và sẵn sàng hợp tác với những sáng kiến của VEF về đào tạo lực lượng khoa học công nghệ trẻ cho Việt Nam trong tương lai.

Thăm dò về dự định của các nghiên cứu sinh VEF sau khi hoàn tất chương trình học tại Hoa Kỳ (với sự tham gia của 104/206 người)

73,9% sẽ tiếp tục làm luận văn Tiến sỹ

62,1% cho rằng trở về VN là không cần thiết

46,4% mong muốn trở thành GS tại một trường ĐH trong nước trong vòng 10 năm tới

51,7% sẽ làm việc cho trường Đại học ở VN sau khi trở về

72,4% mong muốn giúp đỡ các trường nâng cao trình độ nghiên cứu và hợp tác quốc tế.

Ông Thắng nói: “Một thông điệp quan trọng tôi muốn gửi tới các NCS và học giả VEF là các bạn dù ngồi ở đâu, làm gì và bằng hình thức nào, hãy hợp tác với VN trong việc phát  triển khoa học công nghệ. Và điều quan trọng nhất là hãy hướng tới giải quyết những vấn đề thiết thực, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam nhưng ở trình độ quốc tế, bằng những kiến thức và kỹ năng quốc tế mà các bạn học tập được.

Bộ KHCN sẵn sàng trao đổi với các Hiệp hội của các NCS và học giả VEF về những dự kiến, kế hoạch của các bạn sau khi kết thúc chương trình học tập tại Hoa Kỳ. Chúc tất cả các bạn thành công trong việc học tập thành công từ góc độ cá nhân và hướng tới đóng góp cho Tổ quốc”

Cũng đồng quan điểm với GS Trần Quốc Thắng, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói: “ Những con đường trở về quê hương là chủ đề mang ý nghĩa thực sự sâu sắc và thiết thực với các NCS VEF tại Hoa Kỳ.

Những con đường trở về Tổ quốc từ Hoa Kỳ ảnh 2
Ông Trần Quốc Thắng - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ - phát biểu tại cuộc tọa đàm

Suy cho cùng, học gì đến đâu rồi cũng đến lúc phải trả lời câu hỏi “để làm gì”, “cho ai” và “ở đâu”. Phải chăng ở đâu người ta cần mình nhất, ở đâu ta có thể đóng góp có ý nghĩa nhất và đó là quê hương, Tổ quốc Việt Nam. Nghĩ như vậy thì những toan tính khác có thể lu mờ đi và con đường duy nhất là trở về, chỉ có điều là sớm hay muộn”.

Đường trở về VN: Phải có nghị lực và tinh thần vươn lên

Bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình, TS Vũ Minh Khương, GS Đại học Quốc gia Singapore, đã chia sẻ con đường trở về theo mô hình 5 C. Đó là Tư tưởng (Concept), Cam kết (Commitment), Năng lực (Competence), Liên kết (Connectivity) và Thông tin (Communication). Ông Khương cho rằng, yếu tố Tư tưởng đóng vai trò then chốt.

Bên cạnh cuộc tọa đàm trực tuyến, một  “Hội chợ việc làm trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu” cũng được tổ chức nhằm giúp các Trường đại học và các viện nghiên cứu ở Việt Nam có thể tuyển được những Nghiên cứu sinh VEF tài năng và xuất sắc về giảng dạy và làm nghiên cứu và cũng nhằm thiết lập mối quan hệ với những đối tác đầy tiềm năng này. “Hội chợ” năm nay thu hút được sự tham gia của hơn 20 đoàn đến từ Bộ Khoa học và Công nghệ, các Viện nghiên cứu, các Trường đại học của Việt Nam như  Đại diện các đoàn sẽ thảo luận với các Nghiên cứu sinh VEF về cơ hội tuyển dụng hiện tại và tương lai, tầm nhìn, chiến lược, chính sách cũng như môi trường giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tiềm năng của cơ quan họ.

Tư tưởng hay cách suy nghĩ quyết định để một cá nhân hay một đất nước có thể tiến xa hơn trên con đường phát triển trong tương lai. TS Khương tin tưởng rằng, tinh thần dân tộc, sự chính trực và tinh thần cầu thị học hỏi sẽ là nền tảng cho Việt Nam vươn lên thành một quốc gia lớn trong thế kỷ 21.

“Mặc dù trái tim và tâm hồn của chúng ta luôn hướng về Việt Nam, nhưng con đường về Việt Nam phục vụ phát triển đất nước đòi hỏi phải có nghị lực và tinh thần vươn lên,” TS Khương nhấn mạnh.

Là một Việt kiều có nhiều thành công trong nhiều năm làm việc ở hai nền kinh tế phát triển nhất thế giới là Nhật Bản và Hoa Kỳ, TS Nguyễn Chánh Khê (Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển, Khu công nghệ cao TP HCM) đã chia sẻ kinh nghiệm của mình qua việc trở về xây dựng quê hương.

Ông giới thiệu những thành công trong nghiên cứu và gắn nghiên cứu với thương mại tại trung tâm của mình, đặc biệt là những thành công trong lĩnh vực Nano. TS Khê tự hào rằng những phát minh hiện đại vẫn có thể được thực hiện ở nước nghèo như Việt Nam miễn là có cách làm đúng.

MỚI - NÓNG