Những chuyến xe 'thích ứng an toàn'

TP - Nhiều địa phương bắt đầu rục rịch mở các chuyến xe khách, xe buýt, tạo điều kiện cho hành khách di chuyển với giá rẻ, chủ xe có cơ hội gượng dậy sau dịch. Tuy nhiên, loại hình vận tải công cộng này vẫn còn ngổn ngang những khó khăn.
Hành khách trên những chuyến xe khách liên tỉnh đầu tiên tại Bến xe Bắc Ninh

Phấn khởi vì được đi xe khách, xe buýt giá rẻ

Bến xe khách Bắc Ninh (nằm trong thành phố Bắc Ninh) vừa hoạt động trở lại sau hơn 5 tháng đóng cửa phòng dịch. Cảnh barie nâng lên, hạ xuống cho những chuyến xe khách ra vào vốn rất bình thường nhưng nay là niềm vui của cả chủ xe và khách bởi đây là một trong những bến xe hiếm hoi mở cửa trở lại ở miền Bắc.

Anh Nguyễn Thế Cường đợi xe buýt đi khu công nghiệp Yên Phong (huyện Yên Phong - Bắc Ninh) chia sẻ, mấy ngày trước, anh phải đi lại bằng xe máy rất vất vả, nguy hiểm. Nay có xe buýt, anh bỏ hẳn xe máy ở nhà. Dù vẫn sợ lây bệnh nhưng đi xe buýt giá rẻ, an toàn hơn. Cạnh anh Cường, một vài công nhân nữ cho biết, do không có xe máy, không có tiền thuê xe ô tô riêng nên xe buýt là phương tiện tốt nhất.

Các tuyến xe khách liên tỉnh cũng lác đác hoạt động tại bến xe khách này. Anh Nguyễn Đức Thuận, lái xe 20F-0095 chạy tuyến Thái Nguyên - Bắc Ninh cho hay, xe của anh hoạt động trở lại một tuần nay. Mỗi chuyến chỉ có vài khách nhưng anh vẫn cố chạy để khách quen dần. Anh cũng kiếm thêm thu nhập từ việc nhận chở thực phẩm, hàng hóa khác trên xe khách của mình. “Xe mới chạy lại, chủ yếu đủ tiền dầu nhưng vẫn còn hơn để xe đắp chiếu, không có đồng nào tiêu pha, trả nợ”, anh Thuận nói. Anh Thuận đưa các lọ dung dịch sát khuẩn, khẩu trang trang bị cho hành khách ra giới thiệu. Xe của anh Thuận cũng đã lắp camera có chức năng phát hiện hành khách không đeo khẩu trang, ngồi quá sát nhau trên xe.

Ông Nguyễn Thế Nhân, Giám đốc Ban Quản lý các Bến xe tỉnh Bắc Ninh (thuộc Sở GTVT Bắc Ninh, phụ trách Bến xe Bắc Ninh) cho hay: Bình thường, bến đón 2000 lượt khách/ngày, nay mới có khoảng 100-200 khách/ngày. “Công việc còn nhiều khó khăn, 25 cán bộ của bến nhiều tháng qua không có lương. Nay bến mở lại, với lượng xe như vừa qua, doanh thu ước chừng được 40 triệu/tháng, chưa đủ trả lương nhưng anh em vẫn phải mở ra để hoạt động, mong các chủ xe chạy ngày càng đông hơn để tăng doanh thu” - ông Nhân nói.

Nhiều địa phương vẫn dè chừng

Các lái xe cho hay, dù đã được hoạt động nhưng lượng khách vẫn còn ít do tâm lý lo sợ bị lây bệnh. Ngoài ra, do các tỉnh hiện nay vẫn bắt buộc hành khách đi liên tỉnh phải có giấy xét nghiệm Sars - CoV-2, tăng chi phí nên hành khách chưa đi nhiều. Đơn cử, hành khách xuất phát từ bến xe Bắc Ninh đều bắt buộc có giấy xét nghiệm âm tính. Trong khi đó, theo hướng dẫn tạm thời của Bộ GTVT về hoạt động vận tải ban hành hôm 30/9, tại những vùng xanh, vùng vàng (thành phố Bắc Ninh hiện nay là vùng xanh) không yêu cầu xét nghiệm đối với người đã tiêm 1 liều vắc xin sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.

Ông Nguyễn Thế Nhân cho hay, việc khách chưa đông, nhà xe hoạt động chưa nhiều còn do các tỉnh lân cận Bắc Ninh chưa cho phép hoạt động xe khách liên tỉnh. “Hiện nay, xe khách liên tỉnh tại Bắc Ninh chỉ kết nối với Thái Nguyên, Cao Bằng. Các tỉnh lân cận Bắc Ninh có lượng xe đông như Bắc Giang, Hải Dương, đặc biệt là Hà Nội chưa cho phép xe khách liên tỉnh hoạt động nên vận tải khách vẫn chưa thể trở lại bình thường” - ông Nhân nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay, tính đến chiều 6/10, số lượng các tỉnh cho phép xe khách nội tỉnh và liên tỉnh hoạt động vẫn rất ít. Trong đó, trong vùng trọng điểm kinh tế TP HCM và Hà Nội hầu như chưa cho phép hoạt động trở lại. Theo ông Quyền, dù Bộ GTVT nhanh chóng ban hành hướng dẫn nhưng các địa phương vẫn dè chừng thực hiện.

“Bộ GTVT hướng dẫn Sở GTVT các tỉnh làm việc với nhau để thống nhất cho xe lưu thông rồi trình UBND tỉnh quyết định. Quy định đó linh hoạt nhưng rất khó thực hiện vì các tỉnh thường rất thận trọng”. Ông Quyền đề nghị, cần có một hướng dẫn chung để các tỉnh có thể thực hiện được ngay. Trong đó, về phòng chống dịch bệnh, cơ sở quan trọng nhất là Công văn số 8318/BYT-DP ngày 3/10/2021 của Bộ Y tế về việc xét nghiệm, cách ly phòng chống dịch COVID-19 với người di chuyển giữa các vùng nguy cơ” - ông Quyền nói.

“Bộ GTVT hướng dẫn Sở GTVT các tỉnh làm việc với nhau để thống nhất cho xe lưu thông rồi trình UBND tỉnh quyết định. Quy định đó là linh hoạt nhưng rất khó thực hiện vì các tỉnh thường rất thận trọng, dè chừng. Các bộ ngành cần có một hướng dẫn chung, rõ ràng hơn để các tỉnh căn cứ, thực hiện thống nhất. Hiện nay, mỗi tỉnh quy định mỗi kiểu, việc khôi phục đi lại nói riêng, phục hồi kinh tế xã hội nói chung rất khó thực hiện”.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam

Cũng theo ông Quyền, theo Công văn số 8318/BYT-DP nói trên, Bộ Y tế không quy định cấm đi/đến các khu vực có nguy cơ cao (vùng đỏ) mà chỉ quy định điều kiện phòng dịch chặt chẽ hơn. “Bộ Y tế quy định như vậy nhưng Bộ GTVT lại cấm phương tiện vận tải công cộng hoàn toàn tại các vùng đỏ. Quy định như vậy là trái ngược nhau, không thể thực hiện. Hiện, nhu cầu các công nhân di tản khỏi TP Hồ Chí Minh và từ các tỉnh đến TP Hồ Chí Minh là rất lớn.

Cần nghiên cứu cho phép xe khách hoạt động đúng các quy định phòng dịch của Bộ Y tế sẽ đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, việc người dân di chuyển bằng xe máy, nghỉ ngơi dọc đường, rồi về địa phương lại phân tán sẽ khó kiểm soát. Cần xem xét để cho xe khách phục vụ họ. Kể cả trường hợp họ muốn đưa xe máy về quê, xe khách và xe tải vẫn đáp ứng vận chuyển riêng xe máy cho họ được”- ông Quyền đề nghị.