Một thanh niên người Anh bị Facebook khóa tài khoản vì sử dụng cái tên thiếu nghiêm túc là "Something Long And Complicated" (Một cái gì đó dài và rắc rối). Something Long And Complicated đã rất vất vả để chứng minh đây chính là tên thật của mình chứ không phải là biệt danh. Theo báo Telegraph, ban đầu Complicated có tên William Wood, nhưng vào năm 2007, anh này đã đăng ký đổi sang cái tên kỳ cục trên.
Đầu năm nay, một cuộc tranh cãi lớn chưa từng có liên quan đến màu sắc một chiếc váy đã nổ ra trên Tumblr, Twitter, Facebook và khắp các diễn đàn trực tuyến. Đến cả những diễn viên, ca sĩ tên tuổi như Taylor Swift, Demi Lovato, Kim Kardashian, Lady Gaga... cũng tham gia trả lời câu hỏi: Chiếc váy trên có màu Xanh - Đen hay Vàng - Trắng. Vụ việc cho thấy mạng xã hội có thể dễ dàng "dậy sóng" vì bất cứ vấn đề gì dù là to tát hay vụn vặt.
Levi Charles Reardon, 23 tuổi, bị cảnh sát quận Cascade, Montana (Mỹ) truy nã vì tội danh trộm cắp và lừa đảo. Cảnh sát đăng hình Reardon lên Facebook và "một ngày đẹp trời" bỗng thấy tên này "like" bức ảnh của mình. Dựa vào thông tin hoạt động trên Facebook của Reardon, cảnh sát đã lần ra nơi hắn đang ẩn náu. Reardon bị gán cho cái tên “kẻ trộm ngớ ngẩn nhất trên Internet”.
Daniel Damon ở bang Vitoria (Australia) cũng có hành động liều lĩnh tương tự sau khi bị truy nã vì vi phạm giao thông và buôn ma túy. Khi cảnh sát đăng ảnh Daniel lên Facebook hồi tháng 7, tên này bất ngờ vào than phiền: "Các ông có thể đổi cho tôi một tấm ảnh khác đẹp hơn không, cái này xấu quá đi". Một cảnh sát hài hước đáp: "Chào Daniel, hãy trình diện ở đồn cảnh sát gần nhất, chúng tôi sẽ sắp xếp chụp cho anh một tấm ảnh mới".
Chỉ vì bấm Like một bức ảnh mà một thanh niên đã bị sa thải. Điều này đã xảy ra với Troy Garrod, 27 tuổi ở Norwich (Anh). Khi đang thư giãn lướt Facebook tại nhà ngày 20/10, Garrod thấy nữ đồng nghiệp đăng ảnh chiếc áo có hình 5 con sói ở lưng, chụp trong nhà kho của công ty, với lời chú thích mang tính đùa vui nên tiện tay "like" mà không bận tâm nhiều. Vài ngày sau, anh bất ngờ nhận thông báo cho nghỉ việc còn nữ đồng nghiệp kia cũng bị đình chỉ công tác với lý do "cố tình trêu chọc, đùa cợt chủ nhân của chiếc áo".
Trong khi đó, một phụ nữ ở Australia đã mất 825 USD vì khoe vé trúng thưởng lên Facebook. Chantelle đã tới xem giải đua ngựa ở Melbourne ngày 3/11, đặt cược cho con ngựa Prince Of Penzance và thắng 825 USD. Quá vui mừng, cô đăng ngay lên Facebook hình chụp selfie với tấm vé. Tuy nhiên, cô không ngờ rằng mã vạch in trên vé đã lộ ra trong bức ảnh và có thể được sử dụng tại hệ thống máy quét tự động để nhận giải. Do đó, kẻ lạ mặt đã thấy bức ảnh và nhanh chân dùng nó ẵm giải trước. Chantelle cho biết chắc chắn kẻ trộm là bạn trên Facebook của cô thì mới thấy được tấm hình. Cô đã báo cảnh sát và hy vọng sẽ lần ra manh mối kẻ trộm.
Đầu tháng 4, một anh chàng, vốn là fan của Apple, đăng bức ảnh "đau thương" lên Twitter nhằm tìm kiếm sự cảm thông và chia sẻ. Bạn gái của anh này phát hiện mình bị phản bội nên đã thả hết máy tính, điện thoại, máy tính bảng... của anh vào trong bồn tắm đầy nước. Sau đó, cô chụp ảnh và gửi cho anh chàng "họ Sở" để anh ta thấy cái giá phải trả khi bắt cá hai tay. Tấm hình đã được chia sẻ lại gần 20.000 lần. Trong khi các fan của Apple cảm thấy tiếc nuối và đồng cảm, rất nhiều người khác lại hả hê khi anh ta đã được dạy cho một bài học nhớ đời vì thói lăng nhăng.
Một cảnh sát ở Australia đã trả lại smartphone "đi lạc" về cho chủ nhân là Bella Crooke, nhưng không theo cách thông thường. Anh cảnh sát trực hôm đó thấy iPhone không khoá nên đã chụp một loạt ảnh selfie rồi đăng lên chính Facebook của cô gái với lời nhắn: "Cô nên đặt mật khẩu cho điện thoại. Nếu rảnh, hãy đến đồn cảnh sát để lấy máy về". Trong khi đợi chủ nhân của iPhone tới trình diện, anh cảnh sát tán gẫu vui vẻ với bạn bè của Bella trên Facebook. Chẳng hạn, anh đặt điện thoại trong xà lim, chụp ảnh rồi chú thích: "Đừng lo điện thoại hết pin. Khi cô tới lấy điện thoại, nó sẽ được sạc đầy đủ (charge có nghĩa là sạc pin, nhưng cũng có nghĩa là nộp phạt). Đây quả là chiếc 'cell'phone tuyệt vời" (cellphone là điện thoại, nhưng cell còn có nghĩa xà lim, buồng giam phạm nhân).