Những chuyện buồn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngàn vạn năm trước, con người mặc khố vỏ cây với cái rìu đá trên tay giữa rừng sâu có lúc nào trầm cảm không? Có cô đơn như cậu bé học trò nhà quê 19 tuổi lúc 4 giờ sáng đứng trước khúc sông Sài Gòn xa lạ, để rồi sau đó thi thể được tìm thấy với viên đá nặng hàng chục ký trong ba lô đeo trên lưng?

Những ngày đầu năm mới, bao chuyện đau buồn cứ dội lên tức ngực. Người cha vác bé gái mới 5 tuổi con ruột của mình chạy ra sông ném thẳng xuống dòng nước tối tăm lạnh giá, chỉ vì ghen tuông vô cớ qua điện thoại với vợ! Một tân sinh viên gùi sách vở vượt cả ngày đường vào trường nhập học trực tiếp, nhưng chưa đặt bước chân nào trên giảng đường thì đã được tìm thấy dưới đáy sông mà kết luận ban đầu cho đến lúc này là do tự tử. Bé gái 3 tuổi bị gã người tình của mẹ đóng 9 cái đinh vào đầu vẫn hôn mê sau nhiều ngày điều trị. Trước đó, bé gái 8 tuổi bị cha ruột cùng nhân tình đều là những trí thức đánh đập đến chết một cách đau đớn, tức tưởi,…

Những vụ giết người, và cả tự giết mình... Đó tất nhiên là những hiện tượng đơn lẻ, là số ít, so với ngàn vạn câu chuyện diễn ra ngày ngày. Nhưng số "rất ít" ấy lại đang cài thuốc nổ vào từng tế bào, dây thần kinh cảm xúc của mỗi chúng ta.

Thật dễ dàng để chặc lưỡi, rằng chỉ có những "kẻ điên" mới làm như vậy! Ai là bệnh nhân tâm thần đầu tiên của loài người? Thời hang động khi cái gọi là xã hội còn mới manh nha thì loài người nguyên thủy đã bị áp lực đến mức trầm cảm chưa?

Philippe Pinel (1745-1826) người Pháp, cha đẻ của ngành tâm thần học hiện đại – người đầu tiên tháo xích xiềng cho người điên, và mở đầu phương pháp trị liệu bằng đạo đức, luân lý, phẩm hạnh (Moral treatment). Bác bỏ quan niệm phổ biến đương thời đây là căn bệnh do "quỷ ám", Pinel cho rằng mình chưa bao giờ bắt gặp những người tâm thần nào mà có một tình yêu lãng mạn, có một người cha dịu dàng, một gia đình hạnh phúc. Hiểu cách khác, người ta hầu hết chỉ trầm cảm, điên loạn khi chịu đựng những căng thẳng tổn thương về tâm lý, xã hội,…

"Tôi tin rằng sứ mệnh của tương lai là thám hiểm lãnh vực tội lỗi cho đến khi không còn một mảy may bí mật nào còn sót lại. Chúng ta sẽ khám phá ra cội rễ cay đắng của cái đẹp, chấp nhận cả rễ lẫn hoa, lá lẫn nụ. Chúng ta không còn có thể cự tuyệt được tội lỗi: chúng ta phải chấp nhận". Chỉ có đối mặt với tội lỗi và cái ác mới có thể biến đổi nó và tự chạy chữa cho chính mình, như Henry Miller tâm đắc trong cuốn "Thời của những kẻ giết người".

Hôm qua, kỷ niệm trên trang cá nhân của tôi nhắc lại chuyện năm ngoái vụ học sinh tát cô giáo trên bục giảng. Sau ồn ào kết tội của dư luận, xác nhận sau đó cho thấy cậu học sinh ấy có vấn đề về tâm lý, chứ không phải đơn thuần thuộc về đạo đức, nhân cách.

Tâm hồn con người vốn dĩ biến ảo vô tận, nay bước vào thời đại mọi thứ được cập nhật với tốc độ chóng mặt, được chủ đích khuếch đại, nhân lên và ảo hóa bởi công nghệ truyền thông, khiến ảo thật càng khó lường. Những cái chết tức tưởi ấy, những cái ác ghê rợn không tài nào lý giải được ấy, liệu đâu là gương mặt thật của nó cho ta đối diện để có thể biến đổi, và chạy chữa cho chính mình?

MỚI - NÓNG