Những chính sách nổi bật có hiệu lực từ 1/8

Từ 1/8, quy định về tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội chính thức có hiệu lực. Ảnh: IE.
Từ 1/8, quy định về tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội chính thức có hiệu lực. Ảnh: IE.
TPO - Từ tháng 8, hàng loạt chính sách quan trọng sẽ có hiệu lực, như quy định về tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội chính thức được áp dụng, EVN được tự tăng giá điện, Hà Nội và TPHCM tăng viện phí, cơ quan dùng ngân sách phải công khai “báo cáo tài chính”…
Chính thức tăng lương hưu, trợ cấp thêm 7,44%

Nghị định 76/2017 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, có hiệu lực thi hành từ 15/8 quy định: Từ 1/7/2017, tăng thêm 7,44% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với: Cán bộ, công nhân viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ cấp xã đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng…
EVN được tự tăng giá điện

Quyết định 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân có hiệu lực từ ngày 15/8 quy định: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần, được tự điều chỉnh tăng giá bán điện nếu mức tăng – giảm bình quân từ 3% đến dưới 5%. Nếu giá bán điện tăng từ 5% tới dưới 10%, Bộ Công Thương quyết định. Nếu mức tăng giá bán điện từ 10% trở lên sẽ do Thủ tướng quyết định.

Hà Nội, TPHCM tăng viện phí với người không BHYT


Từ 1/8/2017, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập của Hà Nội và TPHCM sẽ thực hiện điều chỉnh giá theo lộ trình. Theo đó, cơ sở khám chữa bệnh tự chủ được tài chính sẽ thực hiện giá viện phí mới ngay từ tháng 8, cơ sở ngân sách vẫn phải bao cấp sẽ thực hiện từ 1/10/2017. Theo đó, mức giá viện phí mới sẽ tăng lên bằng 100% mức khung tối đa về giá dịch vụ khám chữa bệnh quy định tại Thông tư 02 của Bộ Y tế.

Cơ quan nhà nước phải công bố “báo cáo tài chính”

Theo Thông tư 61/2017 của Bộ Tài chính, từ 1/8 các đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ phải công khai ngân sách kể từ năm tài chính 2017. Trong đó, các đơn vị phải công khai dự toán thu - chi ngân sách, tình hình thực hiện.

Dự toán ngân sách phải được công khai chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày được cơ quan chức năng phê duyệt. Với báo cáo thực hiện chi ngân sách 3 tháng, 6 tháng phải công khai sau 15 ngày của tháng cuối, báo cáo năm phải công khai chậm nhất 5 ngày khi được phê duyệt.

Hạn mức bảo hiểm tiền gửi được nâng lên 75 triệu đồng


Theo Quyết định 21/2017 của Thủ tướng về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Từ 5/8, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi của cá nhân tăng lên 75 triệu đồng (thay cho mức 50 triệu đồng trước đó). Hạn mức chi trả này đã bao gồm cả gốc và lãi.

Chế độ nghỉ hưu của quân nhân

Thông tư 162/2017 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8.

Theo đó, quân nhân chuyên nghiệp có quyết định thôi phục vụ tại ngũ được nghỉ hưu trong trường hợp: Đủ điều kiện nghỉ hưu theo Nghị định 33/2016; hết hạn tuổi phục vụ tại ngũ; đủ 40 tuổi, có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trong đó có đủ 15 năm là chiến đấu viên.

Quân nhân chuyên nghiệp được hưởng chế độ trợ cấp một lần do nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể, tuổi nghỉ trước của cấp úy là 52 tuổi; 54 tuổi đối với thiếu tá, trung tá; nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi đối với thượng tá. Quân nhân nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ lương hưu do nghỉ trước tuổi.
MỚI - NÓNG