Chiến công tạc vào sử sách
Ngày 13/4/1966, Bộ Quốc phòng cùng lúc ra hai quyết định quan trọng thành lập Trung đoàn Đặc công 426 trực thuộc Bộ Tổng tham mưu và Đoàn huấn luyện trinh sát đặc công hải quân mang phiên hiệu Đoàn 126 (Lữ đoàn đặc công Hải quân 126 ngày nay) trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ đây, Hải quân nhân dân Việt Nam chính thức có thêm một lực lượng chiến đấu mới làm nhiệm vụ tác chiến theo phương thức đặc biệt với hiệu suất chiến đấu cao, khiến cho kẻ thù khiếp đảm.
Tháng 10/1966, Bộ Tư lệnh Hải quân điều Đội 1, Đoàn 126 vào tham gia chiến đấu ở Cửa Việt - Đông Hà (Quảng Trị). Cuối tháng 10/1966, khoá huấn luyện đầu tiên của Đoàn 126 hoàn thành. 239 cán bộ, chiến sĩ được lệnh bổ sung lực lượng chiến đấu cho các mặt trận ở Nam Bộ, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Trị… Từ đây, Đoàn 126 đồng thời thực hiện hai nhiệm vụ quan trọng là trực tiếp đánh tàu địch trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà và huấn luyện chi viện lực lượng đặc công nước cho các chiến trường ở miền Nam.
Tối 30/3/1967, Đội 1, Đoàn 126 chính thức xuất quân đánh trận đầu tiên. Đêm hôm sau, hai chiến sĩ đặc công Đỗ Khắc và Nguyễn Văn Kiêm đã bí mật bơi tiếp cận mục tiêu dùng mìn áp mạn đánh chìm chiếc tàu 70 tấn của địch ở cửa sông cảng Cửa Việt, mở đầu cho trang sử chiến đấu và chiến thắng đầy tự hào của những chiến binh đánh đầu, thắng đầu. Sau chiến công này, quân đội Mỹ và chư hầu cùng quân đội Sài Gòn đã phải hứng chịu những đòn sấm sét từ các chiến sĩ đặc công hải quân quả cảm với phương thức tác chiến đặc biệt là “thọc sâu, đánh hiểm, lực lượng nhỏ, một người cũng đánh, một tổ cũng đánh, tích cực chủ động tìm và tiêu diệt địch”.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Đoàn 126 đã huấn luyện chi viện hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ đặc công nước cho các chiến trường và tổ chức lực lượng trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị, đánh chìm và làm hư hỏng gần 400 tàu địch lớn nhỏ, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh khác. Năm 1975, từ ngày 11/4 đến ngày 29/4, Đoàn 126 phối hợp với một số đơn vị khác bí mật, thần tốc, bất ngờ giải phóng các đảo do quân đội Sài Gòn đóng giữ trên quần đảo Trường Sa, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nữ chiến đấu viên đặc công Hải quân ra đòn triệt hạ đối phương.
Sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Trường Sa
Đầu năm 1988, tình hình ở khu vực Trường Sa diễn biến ngày một căng thẳng. Sự kiện Trung Quốc dùng pháo bắn vào lực lượng hải quân ta đang làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo ở quần đảo Trường Sa (14/3/1988), làm 3 tàu vận tải bị chìm cùng 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh đã gây phẫn nộ trong cả nước và dư luận quốc tế. Thực hiện chủ trương của trên, Đoàn 126 đưa lực lượng vào Cam Ranh triển khai trinh sát các bãi ngầm, nắm tình hình và sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh để bảo vệ quần đảo Trường Sa. Đồng thời, lặn trinh sát các bãi ngầm trên thềm lục địa phía Nam (DK1) và khu vực dầu khí, phối hợp với các đơn vị tiến hành đóng cọc, xây dựng thành công các nhà giàn để bảo vệ chủ quyền ở DK1. Kết quả là ta giữ vững được các đảo đã đóng giữ bảo vệ từ trước.
Từ năm 2005, Lữ đoàn vừa huấn luyện bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, vừa trực tiếp tham gia đấu tranh với giàn khoan và các tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển, bảo vệ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí và hoạt động kinh tế biển của đất nước. Tích cực tiến hành các nhiệm vụ phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển và góp phần hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa bàn đóng quân.
Hiện kết quả huấn luyện của đơn vị ngày càng được nâng cao, đột phá lớn về chỉ tiêu, trong đó có nội dung vượt chỉ tiêu đề ra từ 3-4 lần như bơi biển, thả trôi sinh sống dài ngày trên biển. Kết quả huấn luyện bắn đạn thật hàng năm 100% đạt yêu cầu, trong đó có trên 90% khá, giỏi.
50 năm qua, mặc dù tổ chức biên chế luôn thay đổi, hoạt động phân tán trải rộng từ Bắc vào Nam, trên mọi vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; nhiệm vụ phức tạp, nhiều lần thay đổi vị trí đóng quân, nhưng đơn vị luôn tập trung nâng cao hiệu quả huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giữ vững và phát huy truyền thống “Anh dũng, mưu trí; khắc phục khó khăn; đoàn kết lập công; chiến thắng liên tục”. Lữ đoàn 126 đã hai lần được tuyên dương Anh hùng LLVTND cùng 6 lượt tập thể và 12 cá nhân được trao tặng danh hiệu cao quý này.
Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống tự hào, sáng 12/4, Lữ đoàn đặc công Hải quân 126 vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.