Những chi tiết khó hiểu, gây tranh cãi trong tập cuối ‘Thương ngày nắng về’

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dù kết phim “Thương ngày nắng về” được cho là khá trọn vẹn và nhân văn nhưng vẫn xuất hiện một số tình tiết khó hiểu, gây tranh cãi.

Bộ phim “Thương ngày nắng về” của đạo diễn Bùi Tiến Huy khép lại sau tổng cộng 87 tập phim. Có thể nói, đây là một trong những bộ phim nhận được nhiều sự quan tâm cũng như phản hồi tích cực nhất từ người hâm mộ. Đặc biệt trong những tập gần cuối, bộ phim gây xúc động mạnh về tình mẫu tử khi mẹ Nga (NSƯT Thanh Quý) đột ngột mắc chứng bệnh tuổi già.

Trên các diễn đàn chuyên về phim Việt, hàng nghìn bình luận của khán giả để lại với mong muốn “mẹ Nga được sống tiếp”. Bởi theo nguyên mẫu, phiên bản Hàn Quốc “Mother of mine”, nhân vật người mẹ ra đi trong giấc ngủ và trong vòng tay của các cô con gái.

Tuy nhiên, đại đa số khán giả cho rằng, việc để mẹ Nga qua đời là tình huống quá tàn nhẫn và đau đớn. Bởi mẹ Nga cả đời vất vả nuôi 3 người con khôn lớn cộng thêm cậu em trai ngô nghê, ngốc nghếch. Không chỉ bị gánh nặng tài chính đè lên đôi vai bé nhỏ, mẹ Nga phải chịu đủ tủi hờn, ấm ức để bao bọc, chở che cho các con.

Tình huống gây nghẹt thở nhất ở tập cuối phim chính là lúc mẹ Nga được phát hiện bất tỉnh trên giường ngủ và được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Đây cũng là chi tiết gây khá nhiều tranh cãi khi bộ phim kết thúc.

Cụ thể, mẹ Nga được bác sĩ chuẩn đoán bị xuất huyết não, tiên lượng xấu. Tuy nhiên, căn phòng cấp cứu lại trang bị khá sơ sài, bác sĩ thao tác chậm trong khi bệnh nhân đã ở tình huống nguy kịch. Ngoài ra, việc căn phòng cấp cứu được lắp cửa kính trong suốt để người thân bên ngoài nhìn vào là điều hoàn toàn vô lý.

Những chi tiết khó hiểu, gây tranh cãi trong tập cuối ‘Thương ngày nắng về’ ảnh 1
Những chi tiết khó hiểu, gây tranh cãi trong tập cuối ‘Thương ngày nắng về’ ảnh 2

“Không có một bệnh viện nào thiết kế căn phòng cấp cứu với cửa kính trong suốt như vậy. Biên kịch hơi xem thường khán giả ở chi tiết này thì phải”; "Sốc điện tim mà không cởi áo", "Cấp cứu mà bác sĩ nói chậm, đứng tần ngần nhìn bệnh nhân. Chẳng bệnh nhân nào tụt SpO2 xuống 0 rồi mà lại không chuẩn bị nhanh để đặt ống nội khí quản hoặc bóp bóng mà vẫn thở oxy kính", "Thao tác cấp cứu của bác sĩ nhìn như biểu diễn chứ không thực tế cho lắm"... là những thắc mắc từ khán giả trên fanpage phim.

Ngay sau cảnh cấp cứu cho bà Nga, bộ phim chuyển dòng thời gian một năm sau. Cảnh đầu tiên của giai đoạn này là phân đoạn vợ chồng cậu Vượng (Bá Anh) đang thay bà Nga tiếp quản quán bún riêu.

Những chi tiết khó hiểu, gây tranh cãi trong tập cuối ‘Thương ngày nắng về’ ảnh 3

Trong cảnh quay này, Mơ (Lưu Huyền Trang) mang vẻ mặt buồn rầu nói chuyện với ông Tiến- người hàng xóm thân thiết của bà Nga về những biến cố xảy ra với gia đình suốt khoảng thời gian qua. Khi ông Tiến cảm thán: "Nhanh nhỉ, mới đấy mà đã tới giỗ rồi", Mơ cũng rưng rưng đáp: "Thời gian trôi nhanh thật đấy ạ”.

Cuộc trò chuyện của hai nhân vật này khiến khán giả suy đoán bà Nga đã qua đời một năm. Tuy nhiên, trong ngày giỗ, khi các em, các con và các cháu quần tụ trước bàn thờ thì bà Nga vô tư bước ra. Hóa ra, tất cả chỉ là một cú lừa và bà Nga được cứu sống trong khoảnh khắc sinh tử ngày đó.

Những chi tiết khó hiểu, gây tranh cãi trong tập cuối ‘Thương ngày nắng về’ ảnh 4

Lật lại tình tiết là cuộc trò chuyện giữa ông Tiến và Mơ, nhiều khán giả cho rằng, câu thoại của hai nhân vật này là thừa thãi và khiên cưỡng. “Có thể biên kịch muốn bẻ lái để tăng kịch tính cho bộ phim nên mới đặt ra những câu thoại dễ gây hiểu lầm như vậy”; “Nếu là giỗ của ông Mậu thì chẳng ai lại nói "mới đây mà đã tới giỗ rồi”; “một năm trôi nhanh quá” vì ông Mậu đã qua đời từ lâu”; “Mốc thời gian 1 năm là tính từ khi bà Nga đi cấp cứu, không thể nào lồng ghép sau một năm lại trùng vào ngày giỗ của ông Mậu. Tình tiết này quá khiên cưỡng và khó hiểu”… là một số bình luận của khán giả.

Những chi tiết khó hiểu, gây tranh cãi trong tập cuối ‘Thương ngày nắng về’ ảnh 5

Ngoài ra, một điểm trừ nữa trong tập cuối “Thương ngày nắng về” chính là tạo hình của Hoàng Duy (Đình Tú) trong ngày cưới. Việc Hoàng Duy đeo kính màu trong ngày trọng đại của chính mình gây khá nhiều tranh cãi. Nhiều khán giả cho rằng, đây đáng lẽ là phân cảnh khá xúc động trong phim vì sau nhiều biến cố, thăng trầm Trang- Duy chính thức về chung một nhà. Trong khi Trang (Huyền Lizzie) nước mắt lưng tròng, nói những lời xúc động với chú rể thì Hoàng Duy lại không thể hiện được rõ cảm xúc của mình qua đôi mắt. Điều này khiến người hâm mộ không khỏi tiếc nuối và đặt câu hỏi, tại sao nhân vật này lại chọn tạo hình như vậy: “Chú rể đẹp suốt bộ phim, đến ngày trọng đại thì đeo quả kính râm”; “Quả kính vô duyên đến lạ thường”; “Chưa thấy đám cưới nào chú rể lại đeo kính râm như thế này”; “Chú rể đeo kính màu phá hỏng sự trang trọng của đám cưới. Xem mà tụt hết cả cảm xúc”…

Những chi tiết khó hiểu, gây tranh cãi trong tập cuối ‘Thương ngày nắng về’ ảnh 6

Bên cạnh đó, việc mẹ Nga không xuất hiện trên sân khấu trong ngày cưới của Vân Trang gây nhiều tiếc nuối. Bởi so với mẹ đẻ của Vân Trang, mẹ Nga không chỉ có công dưỡng dục mà còn dành tình yêu thương cho cô không khác gì con ruột. Tuy mẹ Nga hiện tại không còn minh mẫn nhưng cũng không có những hành động ngớ ngẩn. Hơn nữa, trong ngày ra mắt sách của Vân Vân (Ngọc Huyền), mẹ Nga vẫn xuất hiện bên cạnh con. Vì thế, không có lý do gì ngày vui của Vân Trang, mẹ Nga lại chỉ ngồi bên dưới như một khách mời bình thường.

Cuối cùng, chi tiết Mộng Mơ làm xét nghiệm ADN của con gái để xác định huyết thống với cậu Vượng và được các thành viên khác trong gia đình chúc mừng được cho là thiếu sự nhân văn. Từ đầu, gia đình bà Nga luôn coi bé Vân Thơ là con cháu trong nhà dù Mộng Mơ vẫn còn hoài nghi. Dù sao, đây là chuyện tế nhị giữa hai vợ chồng Vượng- Mơ và không nên tung hô như đó là việc đáng mừng.

Tuy vẫn tồn tại một số hạt sạn song không thể phủ nhận “Thương ngày nắng về” là bộ phim truyền hình Việt Nam nhận được sự yêu thích của đông đảo khán giả.

MỚI - NÓNG