Những chỉ đạo của Bộ Xây dựng về cao ốc sai phép 8B Lê Trực ra sao?
TPO - Bộ Xây dựng cho rằng trách nhiệm liên quan đến việc chậm trễ xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực (quận Ba Đình) thuộc về chính quyền Hà Nội và địa phương nơi xảy ra sai phạm. Nếu Hà Nội có yêu cầu thì Bộ sẽ huy động các đơn vị để giúp Hà Nội thực hiện việc phá dỡ, bảo đảm an toàn...
Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng thế nào?
Năm 2015, công trình 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) do Công ty cổ phần May Lê Trực làm chủ đầu tư được cho là "điểm nóng" về vi phạm trật tự xây dựng khi chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao vượt 16m, tương đương 5 tầng; diện tích sàn cũng vượt trên 6.000 m2 so với giấy phép xây dựng.
Khi đó, Hà Nội đưa ra quan điểm là sẽ xử lý nghiêm vi phạm, thế nhưng đã gần 4 năm trôi qua, sai phạm tại dự án 8B Lê Trực vẫn chưa được xử lý triệt để. Một công trình sai phạm “khủng” nằm chình ình giữa Thủ đô gây mất mỹ quan đô thị và bức xúc cho người dân, đặc biệt là những người mua nhà tại đây khi họ có nhà mà không thể về ở và chưa biết đến bao giờ họ mới được nhận nhà khi mà các cơ quan liên quan chưa thống nhất được phương án xử lý những sai phạm tại công trình.
Đã gần 4 năm trôi qua, những sai phạm tại dự án 8B Lê Trực vẫn chưa được xử lý triệt để, trong khi đó người mua nhà tại đây phải sống khốn khổ khi có nhà mà không được về ở.
Và mới đây, vấn đề vi phạm xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực được đưa ra chất vấn trước Quốc hội hôm 4/6 vừa rồi. Theo đó, ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết phối hợp với Hà Nội thế nào để giải quyết dứt điểm vi phạm ở tòa nhà B8 Lê Trực thì Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định đây là trách nhiệm của TP. Hà Nội. Nếu Hà Nội có yêu cầu thì Bộ sẽ huy động các đơn vị để giúp Hà Nội thực hiện việc phá dỡ, bảo đảm an toàn.
Dư luận đặt ra câu hỏi là vai trò và trách nhiệm của Bộ Xây dựng liên quan đến sai phạm tại công trình 8B Lê Trực ra sao?
Còn nhớ, vào năm 2015 khi những sai phạm tại dự án 8B Lê Trực bị phát giác, Thủ tướng chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng có ý kiến bằng văn bản về dự án này. Sau đó, Bộ Xây dựng đã có công văn số 2361/BXD-QHKT ngày 9/10/2015 báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Xây dựng cho biết, dự án được triển khai theo chủ trương của Nhà nước về việc di dời cơ sở sản xuất trong khu vực nội đô; quá trình thực hiện kéo dài từ năm 2008 cho đến nay, trong đó nhiều lần được điều chỉnh bổ sung theo quyết định của cấp có thẩm quyền cho phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (có thời điểm dự án phải tạm dừng triển khai).
Bộ Xây dựng khẳng định, UBND TP Hà Nội đã nghiên cứu, cân nhắc thận trọng, có tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi quyết định theo thẩm quyền các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc của dự án tòa nhà 8B phố Lê Trực trong mối liên hệ với không gian kiến trúc cảnh quan khu trung tâm chính trị Ba Đình mặc dù dự án không nằm trong phạm vi đồ án quy hoạch khu trung tâm chính trị Ba Đình.
Về sai phạm của chủ đầu tư, báo cáo chỉ sõ, sai phạm của chủ đầu tư trong việc xây dựng công trình sai so với giấy phép được cấp là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hình dáng công trình và không gian kiến trúc cảnh quan khu vực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư và các cơ quan có chức năng quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn đã để xảy ra việc xây dựng công trình sai phép của chủ đầu tư.
Đồng thời, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội kiên quyết xử lý nghiêm việc xây dựng sai phép đối với chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn đã để xảy ra vi phạm trong quá trình xây dựng công trình.
Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội có kế hoạch, phương án, tiến độ cụ thể để sớm xử lý dứt điểm các sai phạm tại dự án này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội cần Bộ Xây dựng sẽ vào cuộc
Đến tháng 11/2015, TP Hà Nội bắt đầu phá dỡ phần sai phạm tại dự án 8B Lê Trực , gần một năm sau (tháng 10/2016) thì hoàn thành phần “cắt ngọn” giai đoạn một (tầng 19).
Sau khi phá dỡ xong giai đoạn 1 sẽ tiếp tục xây dựng phương án phá dỡ giai đoạn 2 (phá dỡ đối với phần khoảng lùi - giật cấp). Thế nhưng, việc thực hiện giai phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực rơi vào cảnh "bế tắc".
Chủ tịch UBND TP Hà Nội mới đây cho biết, để đảm bảo kỷ cương phép nước thì đập cả tòa nhà 8B Lê Trực cũng phải làm, bởi nó sai từ móng.
Năm 2017, Hà Nội đã phải nhờ Bộ Xây dựng vào cuộc hỗ trợ vụ lùm xùm 8B Lê Trực. Sau khi Hà Nội có ý kiến nhờ hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng ký văn bản trả lời số 2743 gửi UBND TP Hà Nội nêu rõ 2 nội dung.
Trước hết, Bộ Xây dựng cho biết Bộ này sẽ tham gia ý kiến trong quá trình đánh giá phương án phá dỡ. Cụ thể Bộ đã giao Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) phối hợp với Sở Xây dựng Hà Nội và UBND quận Ba Đình tham gia ý kiến đánh giá về phương án phá dỡ.
Nhưng UBND TP Hà Nội mới là cơ quan chủ trì, quyết định phương án phá dỡ đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực, công năng sử dụng cho phần công trình còn lại sau khi phá dỡ và đảm bảo an toàn công trình lân cận. Lãnh đạo Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện việc phá dỡ phần vi phạm của công trình theo đúng chỉ đạo của cấp trên và báo cáo kết quả về Bộ Xây dựng thông qua Thanh tra Bộ. Tuy nhiên đến nay chính quyền Hà Nội vẫn chưa “chốt” được án xử lý giai đoạn 2 công trình sai phép 8B Lê Trực.
Liên quan đến việc xử lý sai phạm tại dự án 8B Lê Trực, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mới đây khẳng định: "Nếu để đảm bảo kỷ cương, phép nước, kể cả đập cả tòa nhà 8B Lê Trực thì cũng phải đập, bởi vì xây sai từ móng, từ tầng 1. Nhưng quá trình xử lý sai phạm thực tế cho thấy chủ đầu tư tòa nhà này rất cùn".
Vậy lời khẳng định như "đinh đóng cột" của người đứng thành phố Hà Nội có được thực hiện hay chỉ là "lời nói gió bay" trong khi những sai phạm tại dự án đã 4 năm chưa xử lý xong, người mua nhà lại người gánh chịu hậu quả từ những sai phạm của chủ đầu tư và cách xử lý sai phạm của chính quyền.
Các chuyên gia cho rằng, nếu cứ để thời gian kéo dài, công trình chịu mưa nắng và không được hoàn thiện sẽ bị xuống cấp và nó sẽ sớm trở thánh phế tích, trong khi người dân không được dọn về ở dù đã nộp đủ tiền.
TPO - Chiều 14/12, anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn dự chương trình thể thao thanh niên nông thôn và tổng kết xây dựng 30 sân thể thao cộng đồng “Nâng bước thể thao”.
TPO - Ngày 14/12, Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị giao ban công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Cụm Đồng bằng sông Tiền năm 2024 tại tỉnh Long An.
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.