> Những màn trình diễn đẹp mắt của Parkour Hà Thành
Cao ráo, trắng trẻo, hiền lành và có phần nhút nhát, ít ai biết rằng Phạm Việt Trung là một trong những cao thủ của môn nhảy parkour tại Việt Nam hiện nay. Hiện Trung là thành viên chủ chốt của nhóm Joker tại Hà Nội. Trước đó, cậu là một trong số những thành viên sáng lập của nhóm Forget Gravity (Hãy quên trọng lực), một trong những nhóm nhảy parkour đầu tiên tại Việt Nam.
Trò chuyện với Trung tại một quán café vỉa hè, Trung chỉ vào ngôi nhà 5 tầng trước mặt nói, cậu có thể leo lên một cách dễ dàng. Trung còn cho biết, những tòa nhà cao tầng ở Linh Đàm, Mỹ Đình hay khu Bách Khoa Hà Nội là những địa điểm lý tưởng cho nhóm Trung thực hiện các cú nhảy catlap (cú nhảy như mèo).
Nhảy ở các tòa nhà cao tầng chính là dịp để khám phá giới hạn chính bản thân, nhưng đòi hỏi trình độ cao và điêu luyện. Chính vì thế, Trung cho biết, động tác nhảy từ tòa nhà cao tầng này sang nhà cao tầng kia không được khuyến khích vì quá mạo hiểm.
Phạm Việt Trung (thứ 3 từ trái sang, hàng đứng) và nhóm Joker (Hà Nội). |
Mạo hiểm và bị xua đuổi
Niềm đam mê môn thể thao này đến với Trung lúc còn ở Ba Lan khi cậu theo gia đình sang đây sinh sống. Lúc đó, môn thể thao này chưa phổ biến trên thế giới. Nó chỉ thực sự gây sốt kể từ năm 2005, khi đài truyền hình BBC thực hiện phóng sự Giờ cao điểm với những cú nhảy ngoạn mục của David Belle từ tòa nhà cao tầng này sang tòa nhà cao tầng khác để về nhà, bên dưới là dòng xe cộ ken nhau trên đường phố.
Tiếp tục gây sốt là Đặc khu 13 - bộ phim hành động về những chàng trai theo đuổi môn nhảy parkour ra mắt năm 2006. Phần II của nó cũng vừa ra mắt hồi tháng 5 - 2011.
Về Việt Nam từ 2005, Trung bắt đầu tập môn này và tìm hiểu về nó qua mạng. Khoảng hai năm sau, nhóm Forget Gravity ra đời với các thành viên Nguyễn Bá Dũng (sinh năm 1991) - trưởng nhóm, Bùi Công Sơn (1989) và Phạm Việt Trung (1990)… Đây có thể coi là nhóm nhảy parkour đầu tiên tại Hà Nội. Nhóm đã nhanh chóng thu hút được nhiều bạn trẻ tới tập luyện tại công viên Thống Nhất.
Nhảy parkour là một môn thể thao mạo hiểm. Tuy nhiên, nó càng mạo hiểm khi thực hiện ở Việt Nam vì chất lượng tường ở Việt Nam rất kém. Thời gian gần đây, nhóm của Trung thường hay tập luyện ở khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là khu nhà được xây từ khá lâu, nên tường yếu. Nhiều khi, chỉ bám nhẹ là tường đã bở bục. Thêm nữa, những người quản lý của trường không thích cho mấy chàng thanh niên chiều nào cũng ra đây bám bám, leo leo. Kể cả những khu nhà mới xây cũng vậy.
Nhóm của Trung còn tận dụng các công trình cao tầng đang xây dở dang ở Mỹ Đình làm nơi tập luyện. Địa hình thì đẹp, nhưng chất lượng công trình rất kém, có thành viên đã bị tai nạn ở đây.
Những ngày đầu tham gia môn tập này, Trung bị bố mẹ ngăn cản vì sợ con gặp nguy hiểm. Mà cũng đúng, bởi những ngày đầu tiên, hầu hết các thành viên trong nhóm đều chưa nắm được các kỹ thuật cơ bản, cũng như không có giáo án tập luyện. Chính vì thế tai nạn xảy ra như cơm bữa.
Động tác nào cũng đầy nguy cơ: Rolling thì bươu đầu, Monkey thì vấp chân, Dash thì dập mông, Kong thì vỡ ống đồng. Người ta thường nói, thiên thời - địa lợi- nhân hòa. Dường như, ngoài niềm đam mê của các thành viên, nhóm không có được hai yếu tố thuận lợi kia. Tập luyện mà như dân du mục vì không có địa điểm ổn định, thời tiết cũng không ủng hộ.
Nhóm vừa thành lập thì mùa đông tới, những cú ngã đau thấu xương buốt thịt. Một vài thành viên trong đội bắt đầu nản và nhóm có nguy cơ tan vỡ. Trước nguy cơ này, các đầu lĩnh đã nhóm họp và đặt ra quyết tâm phải nhanh chóng thuần thục các động tác mới có thể truyền đạt cho mọi người.
Quả thật, nhờ vào sự nỗ lực tập luyện của Nguyễn Bá Dũng (nick là Sam) và Trung, nhóm đã thu hút các thành viên tham gia trở lại. Rất tiếc, giờ đây Sam không tiếp tục theo đuổi môn này nữa.
Chính vì không có địa điểm cố định, nên việc gặp gỡ các thành viên trong nhóm nhảy của Trung không hề dễ dàng. Phải sau hơn một tuần hẹn hò, chúng tôi mới tiếp cận được với nhóm. Vừa hôm trước, Trung hẹn gặp gỡ nhóm vào buổi chiều hôm sau tại khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chiều hôm sau, Trung gọi lại xin lỗi vì phải chuyển lên đoạn vỉa hè gần sân vận động Mỹ Đình. Rồi lát sau, Trung gọi lại: “Bọn em lại phải chuyển lên Bến xe Lương Yên rồi”.
Những sự cố hay gặp nhất trong môn thể thao này là chấn thương ống đồng, va vào bục xi măng, ngã dập mông, ảnh hưởng cột sống. Nguy hiểm như thế nhưng Trung cho rằng, nếu học được các kỹ năng cơ bản thì sẽ hạn chế tối đa rủi ro. Nói rồi, Trung làm mẫu động tác rolling (lăn người) cho tôi xem. Chỉ cần lao hơi mạnh về phía trước, sẽ bị ngã vồ xuống đất. Còn nếu hơi mạnh về phía sau thì dễ bị đập đầu xuống đất.
Bản thân Trung, giờ đây đã khá thành thục các động tác, nhưng cũng không tránh khỏi rủi ro. Trung vén chân chỉ cho tôi xem những vết sẹo ở đầu gối. Đó là hậu quả của những tai nạn cách đây vài năm trước. Còn bây giờ, Trung cười hiền: “Chấn thương nó phải chào thua em!”.
Một buổi tập ở bến xe Lương Yên. |
Lấy vợ, có người yêu thì bỏ parkour
21 tuổi, Trung đã có thâm niên gần 5 năm tập luyện và truyền đạt cho những người cùng đam mê. Hầu như ngày nào cũng như ngày nào, nếu thời tiết thuận lợi, Trung cũng tới địa điểm tập luyện truyền lại niềm đam mê này cho những bạn trẻ và những người mới mà chẳng lấy một đồng tiền công.
Trung còn phải làm việc thuyết phục những người bỏ cuộc vì nhiều lý do khác nhau, chứ không phải vì hết đam mê quay trở lại. Chính vì vậy, khi Forger Gravity tan rã, Trung đã lập nhóm Joker để tiếp nối niềm đam mê này. Mặc dù vậy, Trung cũng hiểu một điều rằng, môn thể thao này rất kén tuổi. Ngoài 25 là bắt đầu khó tiếp tục theo đuổi (kể cả thể lực lẫn điều kiện gia đình).
Nhiều thành viên lúc đầu tham gia tích cực, nhưng đến khi lấy vợ là thôi luôn. Môn parkour cũng thu hút một số thành viên nữ, nhưng chỉ là số ít. Một số bạn gái khi mới tham gia cũng háo hức lắm, nhưng sau một thời gian có người yêu là vội … bỏ cuộc chơi. Còn với Trung, cậu cho biết, sẽ cố gắng nuôi dưỡng niềm đam mê này cho tới khi nào có thể.
Tính đến nay, Trung đã hướng dẫn cho hàng trăm bạn trẻ khắp Hà Nội có tình yêu với parkour. Cậu còn muốn đẩy mạnh phong trào này lên cao như môn tập hip-hop. Hiện Trung đang ấp ủ ý định xây khu tập luyện riêng. Tuy nhiên, vì còn là học sinh (Trung vừa thi vào trường Đại học Mở) phải phụ thuộc kinh tế vào gia đình, cậu cho biết, sẽ đi làm kiếm tiền để biến ước mơ đó thành hiện thực.
Trước mắt, Trung vừa liên hệ được một khu tập luyện khá lý tưởng, Nhà văn hóa ở phố Thái Thịnh vì “Hiện ở đó chỉ có mấy cái đu quay gỉ quèn, trẻ em chơi cũng không được”. Gọi là lý tưởng vì dù sao cũng có một nơi tập luyện ổn định, không bị xua đuổi. Dù là có địa điểm ổn định, nhưng muốn trở thành nơi tập luyện thường xuyên và chuyên nghiệp thì phải có tiếp tục đầu tư, xây các bục bệ để tập nhảy và leo trèo. Trung nhún vai cười: “Thôi thì cứ đến đâu hay tới đó”.
Không chỉ ở Hà Nội, hiện nay, các nhóm nhảy parkour đã phát triển khắp cả nước. Hải Phòng cũng là nơi có phong trào phát triển mạnh vì có lợi thế địa điểm. Trần Trung Mỹ (nick là Max), 20 tuổi, thành viên chủ chốt của nhóm Bubble Family, Hải Phòng cho biết, địa điểm tập luyện chính là ở Đại học Hàng hải. Ngoài ra, ở Hải Phòng cũng có nhiều địa điểm tập luyện và cũng có nơi bị xua đuổi.
Cứ khoảng 4g30 đến 5giờ chiều, nhóm đã bắt đầu tập luyện với các thành viên là học sinh 10 trường trung học ở Hải Phòng. Mỹ cho biết, lúc đầu mới tham gia cũng bị gia đình cấm, nhưng sau thấy cậu tập luyện đều đặn, người khỏe mạnh nên gia đình đã không cấm. Mỹ cho biết, không tập thấy mệt mỏi, khó chịu, thừa năng lượng. Hiện cậu đang đi làm kiếm tiền để có tiền xây nơi tập vì cũng chán cái cảnh nay đây, mai đó.
Ảnh trong bài: Xuân Phú. |
Ngoan hiền nhờ parkour
Khi tôi hỏi Trung: “Tập parkour có những lợi ích gì?”. Trung bảo, tập cái này khỏe nhiều thứ. Và cái được nhất là có thể cai được game vì không thể ngồi im hàng giờ đồng hồ. Trung còn nói, tập môn này, con người ta trở nên bớt hung dữ hơn, ngoan hơn.
Cậu lấy trường hợp của Lâm, thành viên nhảy giỏi nhất nhóm hiện nay, làm ví dụ. Trung cho biết, trước khi tập parkour, Lâm thích chơi bời, hay gây gổ với mọi người. Thế mà bây giờ, lành ơi là lành. Ngoài ra, qua quan sát những bạn trẻ đến với môn parkour cũng như chính kinh nghiệm của Trung, khi tập môn này thì không thích hút thuốc hay uống rượu.
Tôi thắc mắc: “Liệu có ai theo đuổi môn này để thực hiện các ý đồ xấu không, như đi ăn trộm chẳng hạn?”. Trung cười phá: “Rất may, trong nhóm bọn em không ai học để đi ăn trộm cả. Học cho khỏe và để khám phá chính khả năng của bản thân thôi. Mà khi đã tập môn này, mọi người thường hướng tới cuộc sống lành mạnh, dẹp bỏ mọi ý định xấu xa. Em chắc kẻ trộm không đủ kiên trì để theo đuổi môn này”.
Đẹp trong từng chuyển động Parkour được coi là một loại nghệ thuật tìm kiếm những cách mới để vượt những khoảng không trong thành phố lớn, nhảy, trèo, đu người trong những chuyển động hết sức nhẹ nhàng và mềm dẻo, giống như những bước nhảy hơn là một môn thể thao. Theo những tín đồ của môn nghệ thuật đường phố này, parkour là một thứ triết học hay nói cách khác là một cách sống. Nhân tố quan trọng nhất của parkour là sự hoà hợp giữa cơ thể và vật cản. Nó đòi hỏi một sự tinh tế, uyển chuyển và một sự tập trung cao độ để có thể đạt được chữ “mỹ” trong từng chuyển động. Những nghệ sĩ parkour coi đây là một môn nghệ thuật giúp người ta cảm nhận được sự kết nối thực sự giữa thể xác, tâm hồn và môi trường sống. Các bạn trẻ ham mê bộ môn parkour được học những bước di chuyển cơ bản, nhanh nhẹn mà an toàn. Forget Gravity được coi là một trong những nhóm parkour đầu tiên. Một trong số những thành viên sáng lập của nhóm Forget Gravity (gọi tắt là PFG) gồm Nguyễn Bá Dũng (sinh năm 1991), Bùi Công Sơn (sinh năm 1989) và Phạm Việt Trung (sinh năm 1990). Forget Gravity, Joker (ở Hà Nội), Fly To (Hạ Long), Bubbles Family, Danger Step (Hải Phòng), Mario Crew, ChicKen Fly (Tp Hồ Chí Minh), Maio Crew (Biên Hòa), Marsu Family (Tiền Giang), OcNoi (An Giang), Anti Crew (Vũng tàu). |