Những chàng trai mang bình oxy cứu chữa bệnh nhân F0

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bốc dỡ lên xuống hàng trăm bình oxy cỡ lớn mỗi ngày, các bạn trẻ đang âm thầm góp thêm hơi thở cho những bệnh nhân F0.

Miệt mài bốc dỡ, chuyên chở hàng trăm bình oxy loại lớn để hỗ trợ công tác điều trị, cứu chữa bệnh nhân COVID-19 tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến… là công việc thường nhật suốt 20 ngày qua của các chàng trai tham gia đội hình vận chuyển oxy thuộc Quận Đoàn Tân Bình (TPHCM).

Anh Đoàn Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam quận Tân Bình cho biết, đội hình gồm 12 bạn trẻ đảm nhận công việc quen thuộc mỗi ngày là đưa lên, hạ xuống các bình oxy.

Hoạt động từ ngày 25/8, đội tham gia hỗ trợ nguồn oxy cho khu cách ly Trường THCS Hoàng Hoa Thám, Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình.

Hằng ngày, các thành viên cùng thu nhận bình rỗng ở các điểm này và chuyển đến nhà máy A41 (đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) để nạp khí trước khi đưa trở lại các cơ sở điều trị COVID.

Những chàng trai mang bình oxy cứu chữa bệnh nhân F0 ảnh 1

Các bạn trẻ tải bình oxy đã xài tại điểm cách ly THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) đem đến nhà máy nạp khí.

Những chàng trai mang bình oxy cứu chữa bệnh nhân F0 ảnh 2
Những chàng trai mang bình oxy cứu chữa bệnh nhân F0 ảnh 3

Hằng ngày, đội thực hiện bốc dỡ lên xuống khoảng 300 bình oxy loại 40 lít ở cả các khu điều trị COVID-19 và trạm nạp khí oxy.

Những chàng trai mang bình oxy cứu chữa bệnh nhân F0 ảnh 4
Những chàng trai mang bình oxy cứu chữa bệnh nhân F0 ảnh 5
Những chàng trai mang bình oxy cứu chữa bệnh nhân F0 ảnh 6

Nhóm bạn trẻ đã tập kết các bình qua sử dụng tại nhà máy A41 để tiếp tục nạp khí tái sử dụng.

Anh Đoàn Long cho biết, trung bình mỗi ngày đội vận chuyển 300 bình oxy đến các cơ sở y tế đang thu dung điều trị bệnh nhân F0, đồng thời cũng hỗ trợ đổi hàng chục bình nhỏ (loại 10 lít) để cấp cứu cơ động tại nhà người dân trên địa bàn quận. Hiện Quận Đoàn Tân Bình có gần 300 bình oxy loại 10 lít, 20 bình loại 14 lít, cùng các van thở, dây thở phục vụ tại nhà hoàn toàn miễn phí cho người dân.

“Đây là những tình nguyện viên thuộc tuyến hai, làm việc âm thầm, lặng lẽ nhưng năng suất làm việc rất đáng kể. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bạn tình nguyện viên mặc bảo hộ đi hỗ trợ lấy mẫu, tiêm vắc xin, điều phối, nhập liệu, trao quà…, nhưng các bạn ở đội vận chuyển oxy này hoạt động không mấy người biết”, anh Đoàn Long nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN Việt Nam quận Tân Bình, lúc mới bước vào công việc các bạn hay gặp các chấn thương như dập, trầy xước tay chân, nhưng sau nhiều ngày thực hiện các thành viên đã quen việc, đến nay mọi thao tác đều thuần thục, nhanh nhẹn. Chính điều này đã góp phần đưa bình oxy cấp tốc về phục vụ bệnh nhân đang cần thở oxy gấp tại khu cách ly, bệnh viện dã chiến.

“Chúng tôi mong một ngày nào đó thành phố sẽ không cần đến oxy, không cần đến các tình nguyện viên nữa vì lúc đó thành phố sẽ không còn dịch bệnh và những F0 cũng được về nhà”, anh Đoàn Long bộc bạch.

Trước đây làm việc trong lĩnh vực thiết kế hệ thống điện ở các công trình xây dựng, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, Nguyễn Anh Tú đã cùng các bạn tham gia đi lấy mẫu, điều phối tiêm vắc xin. Từ cuối tháng 8 đến nay, Anh Tú và nhóm bạn tham gia đội hình này và trở nên gắn bó, ăn ý sau nhiều ngày phối hợp làm việc.

“Công việc hiện tại thật sự vui và ý nghĩa khi được cùng các anh em góp phần cung cấp nguồn thở cho những người đang cần. Chúng mình vẫn miệt mài cung cấp oxy xuyên suốt mỗi khi bệnh nhân cần, bất kể ngày thường hay ngày lễ”, Nguyễn Anh Tú chia sẻ.

Những chàng trai mang bình oxy cứu chữa bệnh nhân F0 ảnh 7

Các bạn phục vụ oxy tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 đa tầng quận Tân Bình.

Những chàng trai mang bình oxy cứu chữa bệnh nhân F0 ảnh 8

Đội hình các chàng trai không ngại vất vả để bốc dỡ hàng trăm bình oxy cỡ lớn phục vụ cứu chữa F0.

Dù tính chất công việc nặng nhọc, Nguyễn Minh Cường (31 tuổi) cho rằng điều đó không hề vất vả, “chỉ là thi thoảng lỡ tay dập tay, đứt tay nhưng rồi cũng qua mau”. Chàng trai gốc Hà Nội tâm niệm: Cứ nghĩ mình đang phục vụ người bệnh cần bình oxy, mình làm lỡ có bị thương nhẹ cũng chẳng sao, vết thương cũng chỉ ngoài da. “Trong đầu mình luôn nghĩ đơn giản là khi mình hỗ trợ vận chuyển một bình sớm bao nhiêu thì sẽ cứu được thêm một người. Mình chỉ mong ước một điều duy nhất là bình càng “ế” càng tốt, tại càng ế là càng ít người cần, mà càng ít người cần là họ đã khỏi bệnh rồi”, Minh Cường bộc bạch và cho biết thêm sẽ tiếp tục hoạt động với anh em trong đội đến khi dịch bệnh kết thúc. Khi hoàn thành công việc ở đội, các thành viên sẽ họp lại xem đơn vị nào cần tình nguyện viên nữa thì sẽ tiếp tục đăng ký đi tiếp.

MỚI - NÓNG