Những câu hỏi đặt ra cho tương lai của chính trường Thái Lan

Những câu hỏi đặt ra cho tương lai của chính trường Thái Lan
TPCN - Đã 4 ngày kể từ khi lực lượng quân đội dưới sự chỉ huy của tướng Sonthi Boonyaratglin tiến hành cuộc đảo chính không tiếng súng lật đổ thủ tướng Thaksin Shinawatra.
Những câu hỏi đặt ra cho tương lai của chính trường Thái Lan ảnh 1
Các thành viên CDRM tại buổi lễ tuyên thệ với Quốc vương hôm 22/9

Khác với những tuyên bố ban đầu đầy lạc quan của những người làm đảo chính, tình hình chính trường Thái Lan đang có những diễn biến phức tạp mới.

Sau mấy ngày đầu tiên khá yên tĩnh, bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người, đã xuất hiện những cuộc biểu tình tự phát phản đối lực lượng đảo chính, đòi khôi phục thể chế dân chủ; phe đảo chính vẫn chưa tìm được gương mặt nào sáng giá để đảm nhận chức Thủ tướng tạm quyền điều hành đất nước cho đến khi một chính phủ mới được thành lập sau một cuộc bầu cử (nếu có).

Phản ứng của quốc tế xem ra cũng bất lợi cho phe đảo chính. Cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan đã bị chỉ trích rộng khắp trên trường quốc tế. Thủ tướng Malaysia Abdullah Badawi, nước đang giữ chức chủ tịch khối ASEAN nói ông bị sốc trước tin đảo chính, và kêu gọi vãn hồi dân chủ càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Australia, ông John Howard cũng đưa ra lời kêu gọi: “Tôi muốn nền dân chủ phải được phục hồi ở Thái Lan, chúng tôi lên án các cuộc đảo chính quân sự”.

Một quốc gia khác trong khu vực châu á - Thái Bình Dương là New Zealand cũng lên án cuộc đảo chính này. Thủ tướng New Zealand Helen Clark nói đây là một tin xấu cho toàn khu vực.

“Chúng tôi rất sốc và lo lắng về những gì đang diễn ra tại Bangkok. Chúng tôi tin rằng đây là điều tồi tệ cho Thái Lan, và tồi tệ cho vùng Đông Nam Á”.

Nhật Bản, nước có quan hệ đầu tư - kinh tế chặt chẽ với Thái Lan, đã kêu gọi khôi phục dân chủ tại Thái Lan.

Liên hiệp châu Âu thì lên án cuộc đảo chính và yêu cầu quân đội Thái Lan chuyển quyền cho một chính phủ được bầu cử một cách dân chủ.

Hoa Kỳ cũng kêu gọi Thái Lan vãn hồi dân chủ, trong khi Tổng thư ký LHQ Kofi Annan tuyên bố tổ chức này cho rằng thay đổi chính quyền phải được thực hiện bằng các biện pháp dân chủ chứ không phải bằng súng đạn.

Cho đến nay chưa có một quốc gia nào lên tiếng ủng hộ những người đảo chính, ngoại trừ những tuyên bố dè dặt mong tình hình chính trị Thái Lan sớm ổn định trở lại.

Xung quanh cuộc đảo chính và tương lai của chính trường Thái Lan tồn tại nhiều câu hỏi cần giải đáp.

Thứ nhất, đâu là nguyên nhân thực sự của cuộc đảo chính. Từ xưa đến nay, Quốc vương Bhumibol Adulyadej luôn là người đứng ngoài các đảng phái chính trị và giữ vai trò trung lập, thế nhưng lần này quan hệ giữa Quốc vương với Thủ tướng không tốt đẹp.

Nhà vua có vẻ không hài lòng với sự phát triển ảnh hưởng quá nhanh của ông Thaksin và không ưa thái độ không khiêm nhường của ông đối với Hoàng gia, chính vì vậy nhà vua đã ngầm ủng hộ hành động lật đổ Thaksin và nhanh chóng chấp nhận Hội đồng Cải cách Dân chủ (CDRM) do tướng Sonthi Boonyaratglin đứng đầu.

Nguyên nhân trực tiếp của cuộc đảo chính là việc ông Thaksin có ý định loại bỏ dần vai trò của quân đội đối với nền chính trị quốc gia bằng cách đẩy nhanh tiến trình “quốc hữu hoá quân đội”.

Một khi ông chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới thì vai trò độc lập của quân đội sẽ mất dần, quyền lực của những người cầm đầu quân đội cũng sẽ mất dần. Đó là điều mà quân đội không chấp nhận.

Thứ hai, hành động của quân đội có sự móc ngoặc và hậu thuẫn của phe đối lập hay không? Nhìn vẻ bề ngoài thì dường như không có sự liên hệ nào giữa phe đảo chính và các đảng phái đối lập luôn thất bại trước ông Thaksin trong các cuộc tuyển cử gần đây.

Nhưng thực chất bên trong thì không ai dám chắc là không có sự thoả thuận ngầm, nhưng phe đối lập sẽ cực lực bác bỏ sự dính líu vì họ không muốn bị coi là ủng hộ hành động phản dân chủ.

Thứ ba, tương lai của chính trường Thái Lan sẽ đi về đâu? Điều này phụ thuộc vào ba nhân tố. Trước hết là yêu cầu cụ thể và ý đồ thực sự của  những người làm đảo chính. Trong lịch sử  Thái Lan từ xưa đến nay có ba mô thức đảo chính:

Thứ nhất là giữ nguyên thể chế hiện hành, quân đội hành động chỉ nhằm lật đổ một cá nhân, còn giữ quyên thể chế và hiến pháp;

Thứ hai, quân đội nhận thấy hiến pháp hiện hành không phù hợp với họ nên đảo chính để hủy bỏ hiến pháp cũ, ban bố hiến pháp mới và một cuộc bầu cử được tổ chức theo hiến pháp mới để lập nên một chính phủ mới;

Thứ ba là đảo chính để tu sửa hiến pháp rồi thực hiện chế độ quân quản dài ngày. Phe đảo chính sẽ lựa chọn mô thức nào là một vấn đề có vai trò then chốt.

Nhân tố thứ hai là thái độ của Quốc vương ủng hộ hay phản đối phe đảo chính.Nếu nhà vua ủng hộ thì phe đảo chính có cơ hội thành công, còn nếu vua phản đối thì cầm chắc thất bại. Lần này có vẻ quân đội đã tranh thủ được sự ủng hộ của Quốc vương từ trước khi ra tay.

Nhân tố thứ ba là thái độ của ông Thaksin. Ông cam chịu thất bại hay tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế để quay trở về. Xét từ cục diện tình hình quốc tế hiện nay, sức ép của các thế lực chính trị bên ngoài có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình trong nước Thái Lan.

Nếu Thaksin tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế thì việc ông khôi phục được quyền lực không phải là khó.

Thứ tư, cuộc đảo chính sẽ kết thúc như thế nào? Với việc Quốc vương công nhận CDRM do Sonthi Boonyaratglin đứng đầu, tương lai nền chính trị Thái Lan có vẻ đã định hình nhưng vẫn còn nhiều biến cố.

Trước hết là việc Sonthi Boonyaratglin tuyên bố ông chỉ đảm nhiệm vai trò thủ tướng lâm thời trong vòng 2 tuần, sau đó CDRM sẽ tìm ra ứng cử viên thủ tướng mới rồi tiến hành sửa đổi hiến pháp.

Tiếp đó, Sonthi tuyên bố sẽ tổ chức tổng tuyển cử trước tháng 10/2007, trong thời gian cho đến khi một chính phủ mới được thành lập sau tổng tuyển cử, chính sách đối nội đối ngoại của Thái Lan sẽ không thay đổi.

Ông làm như thế là mong giành được sự ủng hộ của dư luận trong, ngoài nước. Điều quan trọng nữa là Sonthi Boonyaratglin đã được Quốc vương chấp nhận và  CDRM của ông được phép điều hành đất nước.

Đây là bước quan trọng, đến đây coi như cuộc đảo chính đã thành công một nửa.

Còn cục diện tương lai của cuộc đảo chính vẫn còn hai vấn đề lớn mà Sonthi phải đương đầu. Thứ nhất là xử lý như thế nào địa vị hợp pháp của thủ tướng bị lật đổ Thaksin?

Sau khi đảo chính ông Sonthi Boonyaratglin tuyên bố nếu Thaksin trở về thì sẽ bị khởi tố, nhưng nếu ông ta về nước mà bị bắt ngay thì tất sẽ gây nên động loạn vì sự ủng hộ đối với ông ở trong nước còn rất mạnh.

Đó sẽ là một điều bất lợi cho cả chính trị lẫn kinh tế của Thái Lan. Vấn đề lớn thứ hai là, làm thế nào để được quốc tế chấp nhận, để cuộc đảo chính hợp pháp hoá và không ảnh hưởng đến nền kinh tế của Thái Lan.

Có thể nói, tương lai của Thái Lan phụ thuộc vào 4 thế lực: Phe đối lập, Quốc vương, Thaksin và sức ép của quốc tế, trong đó phe đối lập bao gồm lực lượng quân đội làm đảo chính và Liên minh Dân chủ Thái Lan.

Việc Liên minh Dân chủ có bị mâu thuẫn nội bộ do mượn tay quân đội để giành quyền và sau này có liên kết với quân đội để nắm quyền hay không, cho đến nay vẫn đang còn là một ẩn số.    

MỚI - NÓNG