Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

TP - Mốc ngày 17/2 học sinh sẽ đi học trở lại đang đến gần, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Ấy là bởi ở phía Bắc, tại tỉnh Vĩnh Phúc đã có học sinh cấp 3 nhiễm Covid – 19. Ngành y tế tỉnh phải cách ly nhiều bạn học đã tiếp xúc với bệnh nhân này. 

Không nên hoang mang vì dịch bệnh, cần tỉnh táo và nhận thức rõ để phòng và chống dịch thực sự hiệu quả, đúng với mục đích, vì mình và cộng đồng. Từ đầu mùa dịch đến nay, không thể phủ nhận Chính phủ và các bộ, ngành đã quyết liệt phòng chống dịch Covid – 19.

Vậy nhưng ai dám chắc trong số cả chục triệu người dân có ý thức phòng bệnh lại không có vài trăm người chủ quan, coi thường dịch bệnh? Đó chính là nguồn cơn khiến dịch Covid – 19 lan ra cộng đồng.

Thông tin một người phụ nữ 44 tuổi trốn khỏi khu cách ly tập trung những người nghi nhiễm tại Hà Nội được đưa dày đặc trên các trang báo và mạng xã hội, đủ để thấy sự lo lắng của phần lớn người dân đối với hành vi thiếu ý thức của người phụ nữ này.

Đó là chưa kể nhiều người nhiễm bệnh nhưng không hề có biểu hiện ho, sốt đã nghiễm nhiên “vượt ải” máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu, hòa nhập với cộng đồng một cách hồn nhiên. Và từ đây, Covid – 19 có thể lang thang thăm hỏi bất cứ ai.

Tết Canh Tý vừa qua, hàng trăm, hàng ngàn người từ Trung Quốc trở về quê hương tận hưởng sự đoàn viên. Và cũng chính không khí ấm áp ấy đã đưa Covid – 19 đến với nhiều người hơn khi người nhiễm vô tình trở thành nguồn lây bệnh cho những người mà họ tiếp xúc.

Làm sao thống kê được thực sự số người mà bệnh nhân Covid – 19 đã tiếp xúc? Và làm sao để chắc chắn những người tiếp xúc với bệnh nhân tự nguyện khai báo y tế để được cách ly hay mang mầm bệnh đi muôn nơi?

Khi học sinh đi học trở lại mỗi trường học có đến cả nghìn học sinh. Những đứa trẻ đang ở lứa tuổi cấp 1, cấp 2 hồn nhiên, vô tư nô đùa, nghịch ngợm mà vô tình quên mất lời dặn của cha mẹ rằng phải tránh sờ vào đồ vật và phải rửa tay thường xuyên.

Trong khi đó, Bộ Y tế lại khuyến cáo học sinh đến trường, lên lớp không cần đeo khẩu trang. Lớp học, sân trường trở thành nơi có nguy cơ gây nhiễm bệnh rất cao. Nếu không may một trong số những học sinh ấy dương tính với Covid – 19 do lây từ người thân hoặc cộng đồng và từ đây có thể lây cho bạn bè chỉ qua hành động ho, hắt hơi tại lớp học.

Điều gì đảm bảo kiểm soát được khả năng lây lan khi mà việc rửa tay thường xuyên không dễ gì thực hiện đúng, việc lau bề mặt bàn ghế không thể làm thường xuyên, với học sinh ý thức chưa cao, mà ngay cả người lớn cũng đang khó thực hiện?

Hiệu trưởng các trường, các thầy cô giáo có đảm bảo đủ thời gian để vệ sinh bàn ghế, lớp học bằng nước Javel, Cloramin B thường xuyên không khi mà việc này cũng chỉ giúp giảm tối thiểu việc lây nhiễm? 

Các thầy cô không phải nhân viên y tế, không thể đòi hỏi họ làm công tác vệ sinh lớp liên tục. Chưa kể, thầy cô giáo cũng không thể giám sát được hết học sinh. Thầy cô chỉ có thể phát hiện học sinh bị bệnh khi trẻ đã ho, sốt. Mà lúc này, có cách ly học sinh ho sốt (có thể do nhiễm Covid - 19) thì mầm bệnh từ học sinh này có thể đã lây cho nhiều bạn học khác. Và những bạn học đó lại âm thầm ủ bệnh, tiếp tục trở thành nguồn lây ra cộng đồng.

Ngày 12/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, phải 1 tuần nữa mới có thể nhận định lại việc có được tập trung đông người hay không. Trong bối cảnh đó, mỗi gia đình là mắt xích quan trọng nhất khi “chống giặc”. Ngăn cách, không tiếp xúc nguồn lây là cách duy nhất để dịch Covid -19 không bùng phát tại Việt Nam.

Cho học sinh nghỉ học tiếp hay đi học trở lại là bài toán mà ngành Giáo dục cần giải vào lúc này. 

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.