Những cậu bé đá bóng 'bằng tai' ở Sài Gòn

Cả sân lặng như tờ dù trận đấu đang căng thẳng, rồi bỗng nhiên tiếng reo hò cổ vũ vỡ òa khi trái bóng được đưa vào lưới, bởi một cầu thủ khiếm thị.

Sân bóng ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - TP HCM thật đặc biệt. Không khí yên ắng là yêu cầu quan trọng nhất cần được tạo ra trên sân để giúp các cầu thủ nhí khiếm thị có thể nghe tiếng động phát ra từ chiếc lục lạc bên trong trái bóng. Nhờ vậy, các em xác định vị trí và tranh bóng, dẫn bóng như những người sáng mắt bình thường. Đan xen với những pha bóng là tiếng hô to "Voi - Voi" của các cầu thủ để tránh va chạm với nhau khi tranh bóng.

Những cậu bé đá bóng 'bằng tai' ở Sài Gòn ảnh 1

Trận cầu giữa các cầu thủ nhí khiếm thị rất sôi động với hàng loạt pha biểu diễn kỹ thuật cùng nhiều bàn thắng được ghi.

Do không thể quan sát bằng mắt thường nên đôi tai là trợ thủ đắc lực của các em khi chơi bóng. Nghe tiếng bóng lăn, tiếng gọi của đồng đội, các em còn phải tập trung nghe những lời chỉ dẫn của huấn luyện viên đứng ngoài đường biên để xác định bóng, đối thủ và di chuyển sút cầu môn. Thông thường một huấn luyện viên đứng ở giữa sân để điều tiết các cầu thủ chạy, còn một huấn luyện viên khác đứng phía sau cầu môn giúp các em sút chính xác vào khung thành.

Nhịp độ trận đấu không cao nhưng cũng rất khẩn trương với nhiều pha tranh bóng nảy lửa. Những cầu thủ nhí tự tin trình diễn kỹ thuật rê dắt, sút xa, cản phá bóng, không hề thua kém ai. Đôi khi lao vào nhau té ngã, các em nhanh chóng đứng dậy và nghe chỉ dẫn của huấn luyện viên để tiếp tục thi đấu hăng say đến tận phút cuối.

Kết thúc trận, các em ai cũng vui vì được thi tài thoải mái với trái bóng tròn, thỏa mãn niềm đam mê trẻ thơ. Vài em tỏ vẻ luyến tiếc thời gian trận đấu trôi qua nhanh quá. Bé Hoàng Thái dù mệt nhoài, mồ hôi nhễ nhại nhưng vẫn tươi cười nói: "Con vui lắm, con rất thích đá bóng nên sẽ cố gắng tập luyện để có thể đá thật hay".

Còn em Võ Thanh Quy tâm sự, khi mới vào trường khá nhút nhát, từ khi được các anh chị lớp trên rủ đá bóng đã trở nên tự tin hẳn. 

"Con thích đá bóng lắm. Con nhớ mãi cảm giác lần đầu tiên được cầm quả bóng trên tay thật khác lạ, cứ lắc đi lắc lại trái bóng liên tục để được nghe tiếng lục lạc leng keng bên trong. Đến giờ thì tiếng leng keng ấy rất quen thuộc và là niềm vui của con rồi", Thanh Quy vui vẻ nói.

Thầy Nguyễn Đình Hậu, giáo viên thể dục Trường Nguyễn Đình Chiểu và cũng là huấn luyện viên cho đội bóng của trường cho biết, dù bị thiệt thòi về thị giác nhưng các em vẫn nhiệt tình theo đuổi niềm đam mê bóng đá. "Bóng đá không chỉ tạo cho các em một sân chơi thể thao lành mạnh mà nó còn giúp các em tự tin hơn, thêm nghị lực hơn cho quãng đời còn nhiều khó khăn phía trước", thầy chia sẻ.

Phong trào bóng đá cho các em khiếm thị đã bắt đầu tại trường vào khoảng năm 2002. Để xây dựng nền tảng ban đầu, thầy cùng với chuyên gia Nhật chọn ra những em thích bóng đá nhưng phải có thính giác tốt để có thể nghe được tiếng lục lạc trong trái bóng. Kèm theo đó các em cũng phải có thể trạng tương đối để có sức chơi, định hướng di chuyển tốt...

Những cậu bé đá bóng 'bằng tai' ở Sài Gòn ảnh 2 Huấn luyện viên phải hiểu rõ tâm lý để động viên các em và chịu khó thị phạm hàng chục lần một động tác để các em có thể nắm rõ kỹ thuật chơi bóng.
Một trận đấu thường kéo dài từ 20-25 phút, mỗi đội khoảng 5 em trong đó thủ môn thường là những bé mắt bị mờ để đảm bảo an toàn. Do các em không nhìn thấy nên khi huấn luyện, thầy phải đứng làm mẫu thị phạm cho các em sờ người vào để có thể hình dung động tác. Lớp có bao nhiêu học viên là thầy phải "đứng hình" bấy nhiêu lượt giúp các em nắm vững kỹ thuật.

Sau khi "học chay", lớp chuyển qua tập với quả bóng có lục lạc bên trong. Đây là loại bóng đặc biệt nên ít bán trên thị trường, nhiều khi phải nhờ thầy cô đi công tác nước ngoài về mua giúp. Có những thời điểm bóng hư, chưa kịp mua bóng mới, thầy phải dùng túi nylon bọc bên ngoài trái bóng thường để tạo tiếng động khi lăn giúp các em xác định được bóng khi chơi. Ban đầu do chưa quen sân, thành thạo kỹ thuật nên nhiều em té ngã "u đầu, sứt trán" như cơm bữa nhưng không bạn nào bỏ cuộc mà vẫn hăng say tập luyện.

"Nhiều em tâm sự với tôi rằng con nghe trên tivi tường thuật bóng đá thấy thích lắm, thầy cho con thi đấu nhé. Không chỉ các bé trai mà nhiều em gái cũng đam mê môn thể thao này không kém, nhờ thầy thành lập đội bóng nữ để các em có thể tập luyện. Vì vậy chúng tôi đã phát triển bộ môn này cho tất cả học sinh khiếm thị trong trường, đối với những bé có năng khiếu chúng tôi sẽ chọn vào đội tuyển trường để đi thi đấu khi có cơ hội", thầy Hậu nói.

Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu cho biết, các hoạt động thể dục thể thao, nhất là bóng đá đã được nhà trường đẩy mạnh cho các em rèn luyện sức khỏe và quan trọng hơn là tạo khả năng tự tin, hòa nhập vào cuộc sống. Tuy nhiên do nhà trường chưa có sân bóng chuyên biệt dành cho người khiếm thị nên việc tổ chức dạy và thi đấu cho các em cũng còn nhiều khó khăn.

"Sân bóng dành cho người khiếm thị thường lát sàn gỗ, hai bên đường biên dọc phải được thiết kế các tấm chắn bằng nệm cao khoảng hơn 1m để vừa giúp bảo vệ cầu thủ, vừa giảm thời gian đi tìm bóng khi bóng lăn ra ngoài sân đấu. Ngoài nón bảo hộ thì cầu thủ còn cần phải có giáp đầu gối và cùi chỏ", cô Vân nói.

Những cậu bé đá bóng 'bằng tai' ở Sài Gòn ảnh 3 Dù trong quá trình tập luyện thường xuyên xảy ra va chạm và té ngã do hạn chế về tầm nhìn nhưng các em đều hăng say chơi bóng, không chịu bỏ cuộc.
Do chưa có sân chuyên dùng, không có hệ thống nệm chắn nên hiện tại mỗi lần các em học sinh tập luyện và thi đấu bóng đá, nhà trường phải huy động nhiều giáo viên đứng dọc biên làm rào chắn bảo vệ và hướng dẫn các cầu thủ nhí. Kinh phí hạn hẹp nên trường cũng mới chỉ có thể trang bị nón bảo hộ cho các em, còn các vật dụng giáp tay và chân thì chưa có.

"Việc đầu tư cơ sở vật chất và các trang thiết bị này quá tầm tay nhà trường nên rất cần được xã hội hóa, cần sự chung tay góp sức của các bậc mạnh thường quân, các doanh nghiệp để tạo nên một sân chơi thật sự hữu ích cho các em", cô Vân chia sẻ.

Mới đây, nhãn hàng OMO cùng Co.opmart chung tay thực hiện chương trình "Cùng góp tay xây dựng sân bóng cho các em khiếm thị". Sắp tới, trường Nguyễn Đình Chiểu sẽ được cung cấp những quả bóng đặc biệt cho các em tập luyện.

Bà Đinh Thị Thục Nghi, đại diện OMO cho biết, ý tưởng xây dựng sân bóng cho các em khiếm thị được ấp ủ trong một lần đến thăm trường ngay dịp các em đang chơi bóng. "Lúc đó tôi rất bất ngờ khi được tận mắt xem những em nhỏ đùa vui cùng trái bóng trên sân trường. Khiếm khuyết về thị giác không thể ngăn cản khát khao được làm bạn với quả bóng tròn của các em. Sau chuyến thăm ấy, chúng tôi cảm thấy cần phải góp sức cùng chia sẻ tình yêu bóng đá của các em, giúp mọi trẻ đều được quyền vui chơi và phát triển bình thường", bà Nghi chia sẻ.

Do sân chơi này mang tính đặc thù riêng nên hãng phải nghiên cứu thể trạng, tâm sinh lý, sở thích, nhu cầu của các em để thiết kế cơ sở vật chất phù hợp. 

"Ngoài ra, tìm được những người có kinh nghiệm, sẵn sàng hướng dẫn các em cũng được xem là một thử thách đối với chúng tôi vì những tình nguyện viên biết rõ kỹ thuật bóng đá và hiểu tâm lý trẻ khiếm thị rất hiếm. Khâu chọn bóng cũng không hề dễ dàng, sau khi tìm hiểu nhiều thương hiệu cả trong và ngoài nước, chúng tôi đã quyết định chọn mua bóng từ Canada nhằm đảm bảo chất lượng với số lượng phong phú cho các em tập luyện thoải mái", bà Nghi nói. Bên cạnh sân bóng dành riêng cho trẻ khiếm thị, dịp hè này, các em còn có cơ hội tham gia trại hè, các sân chơi tiêu chuẩn quốc tế cho trẻ thơ…

Theo Minh Trí

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.