Những cánh bay ngày Quốc tang

TP - Là Trung đoàn Không quân trực thăng đầu tiên của quân đội Việt Nam, Đoàn Không quân Ba Vì (Trung đoàn 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân) đã bay hàng ngàn chuyến bay an toàn.

> Đưa linh cữu Đại tướng xuống sân bay Đồng Hới
> Chùm ảnh Gia đình Đại tướng trên máy bay

Trong vô vàn chuyến bay chuyên cơ chở các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đi công tác, Trung đoàn 916 vinh dự nhiều lần được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong những ngày Đại tướng vừa đi xa, Trung đoàn vẫn lặng lẽ làm nhiệm vụ để bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lễ Quốc tang.

Sẵn sàng ở cấp độ cao nhất

6 giờ sáng ngày 13/10, chúng tôi có mặt tại sân bay quân sự Hòa Lạc (Hà Nội), đã thấy đại tá Đàm Văn Toản - Chính ủy Trung đoàn 916 và thượng tá Nghiêm Quang Khải - Phó Trung đoàn trưởng quân sự đang quán triệt nhiệm vụ cho hai tổ bay MI-172 và MI-17 ngay trên đường băng.

"Nhận lệnh từ Sở chỉ huy Sư đoàn, 6 giờ kém 15 phút, chúng tôi đã hoàn thành công tác chuẩn bị, đưa các tổ bay vào trạng thái sẵn sàng, nếu có lệnh là cất cánh ngay lập tức. Nếu có bất kỳ tình huống nào xảy ra gây ảnh hưởng đến lễ Quốc tang của Đại tướng, những người lính không quân sẽ lại ra trận để bảo vệ người - vị Tổng Tư lệnh kính yêu trong trái tim chúng tôi", đại tá Toản xúc động nói.

Nài nỉ mãi, đại tá Toản cho biết, ngoài hai tổ bay sẵn sàng cất cánh ở đây, còn mấy tổ bay nữa ứng trực nhiều ngày qua ở các sân bay Vinh, Đồng Hới và Nội Bài. Việc đích thân đại tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Vy với kinh nghiệm hơn 2.000 giờ bay vào tận Đồng Hới chỉ huy quân cũng đủ nói lên tầm quan trọng của nhiệm vụ lần này.

Phi công đang ở các sân bay này đều là những cánh bay thiện chiến, hầu hết đã có hơn 2.000 giờ bay, như thượng tá Phó Trung đoàn trưởng Lương Văn Lâm (người dân tộc Tày), thượng tá Chủ nhiệm bay Nguyễn Xuân Thanh, thượng tá Phó Tham mưu trưởng Hoàng Lại Long...

Sáng 9/10, đại tá Toản trực tiếp lái chiếc MI-172 số hiệu 8422 đưa Trung tướng Phó Tổng tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Khánh cùng đoàn cán bộ cấp cao của Bộ GTVT, Quân chủng Phòng không - Không quân và Quân khu 4 hạ cánh xuống khu vực Vũng Chùa, để khảo sát đường bay và họp bàn về việc chuẩn bị lễ Quốc tang cho Đại tướng với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình...

Ngay trong sáng 13/10, khi đoàn linh xa chở linh cữu Đại tướng vẫn ở Hà Nội, chiếc trực thăng MI-171 số hiệu 01 do thượng tá Lương Văn Lâm điều khiển cất cánh từ sân bay Đồng Hới đã hạ cánh vào lúc 9 giờ 22 phút tại Vũng Chùa, phía sau ngọn núi nơi an táng Đại tướng, nhằm kịp thời xử lý các tình huống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lễ Quốc tang, bảo vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đồng bào.

Và ít ai biết rằng, nhiều ngày nay, nhận lệnh trên, Sở Chỉ huy Trung đoàn luôn trong trạng thái cấp 1 - cấp độ sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Các tổ bay của Trung đoàn được giao nhiệm vụ phục vụ, bảo vệ, an toàn tuyệt đối cho lễ Quốc tang, đặc biệt trong ngày đưa Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình, luôn ở trạng thái sẵn sàng cao độ nhất. Các phi công được lệnh ứng trực ngay tại sân bay, bộ phận đảm bảo hậu cần phải đưa cơm cho anh em trên đường băng.

"Trước anh linh Đại tướng, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Không quân 916 hứa sẽ tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trung thành vô hạn, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc và gắn bó máu thịt với nhân dân", đại tá Nguyễn Ngọc Vy khẳng định.

Chuyến bay Điện Biên

Chuyến bay ngày 19/4/2004 trên chiếc trực thăng chuyên cơ MI-172 đã trở thành chuyến bay lịch sử trong cuộc đời thượng tá Chủ nhiệm bay Trung đoàn 916 Bùi Văn Vanh. Anh và đồng đội được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia đình Đại tướng trong hành trình thăm lại chiến trường xưa, nhân kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Theo đúng lịch trình, chiếc MI-172 phải hạ cánh cách Sở chỉ huy ngày ấy của Đại tướng một quãng đường khá xa. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, tổ bay dày dạn kinh nghiệm quyết định hạ cánh trên một thửa ruộng bậc thang, rút ngắn quãng đường di chuyển để Đại tướng bớt mệt.

Đồng bào Điện Biên đã cuốc bộ những quãng đường rất xa, đợi Đại tướng từ rất lâu. Họ khóc, hò reo, chen nhau để được gần, được nắm tay Đại tướng, như đứa con lâu ngày mới được gặp cha mẹ. Đại tướng ân cần hỏi thăm cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở Mường Phăng.

Lắng nghe tâm tư, biết bà con nơi đây thiếu nước sản xuất trầm trọng, Đại tướng trực tiếp viết thư cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị xây dựng công trình thủy lợi Loọng Luông. Đúng ngày 7/5/2013, công trình thủy lợi mà bà con nơi đây vẫn gọi là “hồ Đại tướng” được khánh thành...

Theo Báo giấy