“Quên” gạc trong bụng bệnh nhân suốt 15 năm
Helen O’Hagan, một phụ nữ người Úc, đã cáo buộc bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa cho bà đã bỏ quên miếng gạc trong bụng của mình từ năm 1992. Sau khi được tiến hành phẫu thuật tại một bệnh viện ở Úc, O’Hagan cảm thấy bị đau bụng, sốt và chức năng ruột bị giảm sút. Tuy nhiên các vấn đề về sức khỏe của bà đã không thể tìm ra nguyên nhân. Cho đến tận năm 2007, khi tiến hành chụp phim X-Ray, miếng băng gạc mới được phát hiện. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật để lấy nó ra. Miếng băng gạc đã nằm suốt 15 năm trong bụng bệnh nhân nên đã bị “đóng gói” bên trong một túi chất lỏng dày đặc.
Để kẹp 5 tháng trong bụng bệnh nhân
Cơn ác mộng bắt đầu với Cécile, 24 tuổi, sống tại Créteil, Paris, Pháp hồi tháng 11/2012. Cécile bị béo phì và đã trải qua phẫu thuật cắt bớt dạ dày. Sau đó, cô đến Bệnh viện Saint Louis tại Paris để chỉnh sửa vùng bụng. Không lâu sau đợt can thiệp, Cécile thấy đau bụng dữ dội. Cô nói: “Một tháng sau đó, tôi đau đến nỗi phải gập đôi người lại, đặc biệt là đau ở bên phải, giống như có khối u phía trên vùng mu. Tôi trở lại bệnh viện. Bác sĩ chỉ khám 5 phút và không thèm sờ tới chỗ đau rồi nói rằng tất cả đều bình thường”. Để đối phó với các cơn đau, cô phải thường xuyên dùng thuốc giảm đau liều mạnh. Các cơn đau của Cécile chỉ có cơ hội chấm dứt 5 tháng sau đó. Đến tháng 4/2013, Cecile đề nghị bác sĩ khám tổng quát thực hiện siêu âm bụng nhưng kết quả cho ra hình ảnh rất kỳ lạ. Lần này, bệnh viện chỉ định quét X quang và phát hiện chiếc kẹp dài 15 cm trong bụng. Cô được phẫu thuật ở chính cơ sở nói trên để lấy chiếc kẹp ra khỏi cơ thể. Sau đó, bệnh viện thừa nhận sai lầm, xin lỗi, đề nghị hòa giải và bồi thường thiệt hại. Cơ quan Trợ giúp Bệnh viện Công Paris (AP-HP) ước lượng khoản thiệt hại 5.400 euro (156,37 triệu đồng).
“Quên” 16 món đồ trong cơ thể bệnh nhân
Ông Dirk Schroeder, 74 tuổi, trải qua cuộc phẫu thuật ung thư tiền liệt tuyến vào năm 2009 nhưng vẫn bị những cơn đau hành hạ. 3 tháng sau ca mổ, ông phải nhập viện trở lại sau khi một nữ y tá đến nhà thăm ông và phát hiện một chiếc gạc y tế nhô lên từ vết thương của ông. Các bác sĩ đã tiến hành mổ hai lần liên tiếp và lấy 16 món đồ ra khỏi cơ thể ông, bao gồm một chiếc kim, một mảnh vải băng vết thương dài gần 6 cm, một miếng gạc dài 6 cm, và một số miếng gạc vụn cùng một chiếc mặt nạ phẫu thuật. Sau khi những thiết bị này được lấy ra, ông Dirk ít bị đau hơn. Tuy nhiên cuối cùng ông vẫn qua đời vào năm ngoái do căn bệnh ung thư đã di căn khắp cơ thể.
Luật sư của gia đình đồng thời là chuyên gia y tế, nói rằng sai lầm này "là vô cùng hiếm có trong các quy trình phẫu thuật". Trong khi đó phía bệnh viện phủ nhận rằng những món đồ trên bị bỏ quên trong khi họ tiến hành mổ ung thư tiền liệt tuyến, và cho rằng chúng "xâm nhập" vào cơ thể bệnh nhân sau ca phẫu thuật.
“Quên” găng tay cao su trong bụng bệnh nhân
Chị Sharon Birks, 42 tuổi, ở Anh luôn cảm thấy tức bụng và khó chịu sau khi phẫu thuật loại bỏ tử cung. Ba ngày sau ca mổ, chị đã hết sức sửng sốt khi thấy chiếc găng tay y tế trôi ra trong lúc đi vệ sinh. Người mẹ của 6 đứa con này đã thực hiện ca phẫu thuật cắt tử cung tại bệnh viện Royal Derby (Anh). Birks cho biết: "Thật là kinh khủng. Khi tôi đi vào nhà vệ sinh, tôi chỉ nhớ cái cảm giác có một cái gì đó trôi tuột ra từ trong bụng. Sau đó, tôi thấy một vật gì giống như cao su. Tôi kéo ra thì đó là một chiếc găng tay phẫu thuật rất lớn và nó dính đầy máu phun ra khắp nơi". Birks cho hay, trước đó chị đã cảm thấy trong người có mệt mỏi, ốm sốt, và có đến bác sĩ kiểm tra. Họ đã kê kháng sinh cho chị vì nghĩ rằng vết mổ bị nhiễm trùng. Tất cả cuộc kiểm tra, kể cả chụp X-quang cũng không hề phát hiện chiếc găng tay cao su trong bụng Birks
“Quên" đầu kim tiêm trong đùi em bé
Ngày 3/1/2013, anh Modh Zahzin Tumin, 30 tuổi, phụ tá tại một cửa hàng giặt là, cùng vợ đưa đứa con trai 5 tháng tuổi đến phòng khám. Sau khi trở về nhà, anh Zahrin đã cảm thấy có điều gì đó bất thường ở cậu con trai khi bé cứ khóc liên hồi. Và anh thực sự bị sốc khi thấy đầu kim tiêm được "để quên" trong đùi con trai mình. Anh đã kiện các nhân viên tại phòng khám Jalan Perak ở thành phố George Town, bang Penang, Malaysia, nhằm buộc họ chịu trách nhiệm cho sự cẩu thả vì đã không lấy đầu kim tiêm ra khỏi bắp đùi con trai anh. Anh Zahzin cũng kiện nữ y tá, người đã trực tiếp tiêm cho con trai anh khi cô này từ chối thừa nhận sai lầm ngớ ngẩn của mình. “Đầu chiếc kim đã nhô ra bên dưới vết thương. Phần còn lại vẫn nằm dưới da vì vậy chúng tôi đã trở lại phòng khám để rút bỏ chiếc kim ra ngay lập tức. Tôi đã kể lại sự việc cho nhân viên ở đó nghe nhưng họ không thừa nhận sai sót”. Zahrin cho biết.
Rơi dao vào bụng bệnh nhân, bác sĩ xót xa vì dao hỏng
Ngày 17/8/2012, chị Dương Hoán Kiệt, trú tại thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc tiến hành làm phẫu thuật tại Bệnh viện thuộc Đại học Hà Bắc. Tuy ca mổ không lớn, nhưng trong quá trình phẫu thuật lại xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Các bác sĩ thông báo cho chồng nạn nhân biết, sau khi mổ xong và đang tiệt khuẩn làm sạch dụng cụ phẫu thuật, một mảnh dụng cụ bị đứt lìa và rơi vào trong cơ thể bệnh nhân. Khoảng thời gian chị Dương bắt đầu mổ tới lúc được đưa ra khỏi phòng phẫu thuật kéo dài chừng 8 tiếng đồng hồ, trong đó đã có tới 5 tiếng là dành cho việc tìm kiếm mảnh dao mổ bị đánh rơi. Dù xác định mảnh dao nằm trong cơ thể bệnh nhân, nhưng các bác sĩ tại đây không biết vị trí chính xác của vật ấy, nên vẫn chưa lấy ra. Vì lo lắng, chị Dương đã tìm tới bác sĩ để hỏi. Đáp lại, bác sĩ thản nhiên phớt lờ tình trạng sức khỏe của người bệnh, chỉ chăm chăm tiếc nuối con dao mổ đắt tiền đã bị hỏng: “Cô có biết, con dao mổ ấy trị giá bao nhiêu tiền không? Vài chục nghìn tệ đấy. Chỉ vì làm cho cô mà chúng tôi mới làm hỏng dao… Thật quá xui xẻo”. Theo chị Dương, bác sĩ hoàn toàn phớt lờ tình trạng sức khỏe của mình, chỉ chăm chăm tiếc nuối chiếc dao mổ đắt tiền bỗng dưng bị hỏng. Sau nhiều lần đôi co, cuối cùng bệnh viện này đã quyết định đền bù cho chị Dương số tiền 30.000 tệ (khoảng 100 triệu đồng), nhưng chưa nhận được sự ưng thuận của bệnh nhân. Trước vấn đề “dị vật” vẫn nằm trong cơ thể chị Dương Hoán Kiệt, bác sĩ Trương Huệ thuộc khoa phụ, Bệnh viện Đại học Hà Bắc, cho biết: “Không vấn đề gì, tôi khẳng định sẽ không vấn đề gì. Kể cả người bệnh có biểu hiện khó chịu, cũng không liên quan tới vật ấy (ý chỉ mảnh vỡ của dao mổ)”.
Nôn ra ống tiêm vì bác sĩ để quên khi phẫu thuật
Ông Trương được phẫu thuật trị viêm xoang hôm 22/3/2013 tại bệnh viện Nhân dân thứ nhất ở thành phố Nghi Xương, phía tây tỉnh Hồ Bắc. Tuy nhiên đến khoảng 1 giờ chiều ngày hôm đó, ông bị chảy rất nhiều máu ở mũi và miệng, kèm theo đau nhức. Bác sĩ điều trị nói với ông rằng dấu hiệu đó là bình thường sau phẫu thuật. Nhưng đến tầm gần 6 giờ chiều, sau nhiều lần nôn ra ông Trương phát hiện thấy có một chiếc ống tiêm.
Trước sự việc này, ban quản lý bệnh viện đã chính thức xin lỗi tới ông Trương trên truyền thông địa phương. Các bác sĩ tại bệnh viện giải thích rằng chiếc ống tiêm mà ông nôn ra được đặt vào miệng ông để xuất đờm và ngăn ngừa tình huống bệnh nhân cắn vào lưỡi. Tuy nhiên, sau khi ca phẫu thuật kết thúc, các bác sĩ đã quên lấy lại nó ra khỏi miệng ông. Vì thế chiếc ống tiêm trôi xuống thực quản của bệnh nhân trước khi ông tỉnh lại. Tuy nhiên, chưa bao giờ thấy có trường hợp nào lại sử dụng ống tiêm với mục đích như vậy. Ông Trương bèn ủy quyền cho em họ của vợ cùng một luật sư đến bệnh viện để bàn về vấn đề bồi thường. Sau khi họp với hội đồng hòa giải về chi phí điều trị y tế cho ông, bệnh viện đã đồng ý bồi thường 60.000 nhân dân tệ (gần 200 triệu đồng).
Bác sĩ bỏ quên bệnh nhân với chi chít kim châm
Vị bác sĩ phẫu thuật tại bệnh viện ở Wiener Neustadt đã nhận được điện thoại khi đang điều trị cho nữ bệnh nhân 61 tuổi Vivi Ziegler. Sau khi nghe điện thoại, ông ta bị phân tâm và rời bỏ ca châm cứu đang lở dở, sau đó khóa trái cửa và ra về. Bệnh nhân Ziegler kể lại: “Tôi không lo lắng gì vì không khí trong phòng ấm áp và ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, tôi vô cùng hoảng hốt khi thấy tối tăm và lạnh lẽo, trên người còn rất nhiều kim châm”. Ngay sau đó, người phụ nữ gọi mọi người xung quanh giúp đỡ nhưng phòng khám vắng tanh, bà nhanh chóng lấy điện thoại cầu cứu cảnh sát và được đưa ra ngoài qua cửa sổ. Tuy bị một phen hú vía nhưng nữ bệnh nhân cho biết bà sẽ không kiện vì trước đó vị bác sĩ đã luôn hết lòng với bệnh nhân và nhờ có ông mà bệnh tình bà thuyên giảm như ngày nay. Khi bị cảnh sát hỏi chuyện, vị bác sĩ mới tá hỏa và đưa ra lời xin lỗi đến bệnh nhân, đồng thời hứa sẽ điều trị miễn phí cho bà suốt đời. Bà Ziegler cho biết: “Tôi nghĩ rằng con người ai cũng có phút giây đãng trí, mặc dù lúc đó tôi thực sự rất sốc”.
Theo Tiểu Bối