Những cái chết làm người lớn giật mình
> Cô gái bị người yêu chém chết từng bị đánh đập, dọa giết
> Nếu muốn chết thì hãy làm đi
Thời gian gần đây xảy ra không ít trường hợp các em học sinh chọn con đường tự tử để giải quyết bức xúc cá nhân. Đằng sau sự đau khổ của gia đình, bạn bè, nhà trường, những hành động dại dột của các em khiến người lớn cần phải nhìn nhận lại cách đối xử, giáo dục với lứa tuổi “ô mai” này.
Những bế tắc ở lứa tuổi dậy thì rất dễ gây ra những hậu quả đáng tiếc nếu không có sự chia sẻ, động viên kịp thời từ phụ huynh Ảnh minh họa: NGUYÊN VŨ. |
Tự tử theo... cảm tính
Những ngày qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước cái chết của em Trần Tuấn T (SN 1997), học sinh lớp 10 trường THPT Lương Thế Vinh do bị rơi từ tầng 23 tòa nhà CT3 chung cư Bắc Hà, Mộ Lao, Hà Đông xuống đất. Em vốn là một học sinh rất ngoan, hiền và học lực khá.
Liên lạc với PGS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, chúng tôi được ông cho biết, sự ra đi đột ngột của T để lại nhiều suy nghĩ không chỉ với bố mẹ mà ngay cả các thầy cô từng dạy dỗ em cũng hết sức trăn trở. Trước đó, T không hề có biểu hiện bức xúc, mâu thuẫn với ai, cũng không có tiền sử về bệnh trầm cảm hay vấn đề tâm lý. Ngoài việc học, T còn rất năng nổ tham gia các hoạt động thanh niên tình nguyện cùng nhà trường. Cái chết của T đến bây giờ vẫn là một ẩn số chưa có lời giải…
Cách đây đúng một năm, các nhà giáo dục bị ám ảnh bởi cái chết tập thể của 3 nữ sinh trường THCS Phan Chu Trinh, xã Đắk Sắk, Đăk Mil, Đắk Nông. Giống như trường hợp của T, nguyên nhân cái chết của 3 nữ sinh này cũng không rõ ràng.
Có ý kiến cho rằng, vì lý do làm mất sổ đầu bài của lớp nên các em Lê Thị Minh Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (cùng SN 1998) đã dùng thuốc độc để quyên sinh. Đau xót hơn, việc làm này của các em diễn ra ngay tại sân trường trước sự có mặt của đông đủ bạn bè cùng trang lứa. Một chai nước suối được pha sẵn thuốc độc (nghi là thuốc diệt chuột) được các em thản nhiên truyền tay nhau uống cạn.
30 phút sau đó, dù được đưa đi cấp cứu ngay tại Trung tâm y tế huyện, nhưng cả 3 đều tử vong. Điều kinh khủng nhất là khi cơ quan công an kiểm tra cặp sách đã tìm thấy nhiều lá thư của chính các em viết cho nhau, trong đó có những nội dung bày tỏ nguyện vọng cả 3 được chết cùng.
Trong cuốn sổ nhật ký “Những bí mật không thể bật mí” mà gia đình tìm được trong đồ dùng của em Nguyễn Mỹ Hạnh khiến sự việc hé lộ, Hạnh tâm sự: “Hôm nay chỉ vì một phút buồn phiền ở lớp mà một chút nữa là mình đã đi rồi. Hôm nay thật là buồn N hơi quá đáng nên mình mới định chia tay cuộc đời, nhưng sao càng gần ngày đó mình càng sợ hãi và lo lắng, chỉ có khi nào mình gặp chuyện buồn mình mới có cơ hội ra đi mà thôi. Mình sẽ cố gắng viết nhật ký thêm ít ngày nữa”.
Hay một trang nhật ký khác, Hạnh ghi: “Sắp đến ngày chia tay cuộc đời, mình sẽ có một thế giới thiên đường mới”. Đến lúc này các bậc phụ huynh và thầy cô mới nhận ra rằng các em đã có ý định và “lên kế hoạch” để được chết từ trước đó. Tuy nhiên, dấu hỏi lớn nhất của người lớn vẫn là: Tại sao các em lại có những tâm sự riêng tư, buồn chán đến như vậy? Nguồn cơn xuất phát từ đâu? Trong con mắt chúng ta, dường như tất cả mọi lý do của các em đều hết sức… tầm phào.
Lỗ hổng trong cư xử, giáo dục
Tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng thời gian gần đây, tỷ lệ học sinh tự tử không còn là chuyện cá biệt, thậm chí không ít vụ học sinh ở bậc THCS còn rủ nhau tự tử tập thể. Buồn chán, u uất, không tâm sự với ai rồi tự tìm đến cái chết, đó là điểm chung của các vụ tự tử ở tuổi học trò. Đáng nói hơn, sau khi các em có biểu hiện u uất, bất mãn và giải thoát bằng cái chết thì gia đình mới “lục tìm” những biểu hiện bất thường trước đó của trẻ và nhận ra khi sự việc đã rồi.
Bà Nguyễn Thu Trang, ở quận Đống Đa, có con học lớp 12 thừa nhận, ở lứa tuổi dậy thì, trẻ rất kỳ vọng vào bản thân, gia đình và cha mẹ. Vì thế khi gặp một sự cố, khiến trẻ không chấp nhận bản thân dẫn đến tự tử. Trong khi bạn bè cùng trang lứa lại là những đứa trẻ thiếu kinh nghiệm sống, nhạy cảm, dễ tổn thương nên khi gặp phải những bức xúc trong cuộc sống, các em không biết chia sẻ cùng ai, dễ thấy chán nản, suy nghĩ tiêu cực và tìm đến cái chết để giải thoát. Do vậy, gia đình phải là chỗ dựa tinh thần cho trẻ, bởi nếu một đứa trẻ cảm thấy cô đơn trong chính gia đình mình thì hậu quả là khôn lường.
Đánh giá về hiện tượng ngày càng nhiều học sinh tìm đến cái chết để giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, PGS-TS Trịnh Hoà Bình, Viện xã hội học - Viện KHXH&NV Việt Nam đưa ra nhận xét, điều dễ nhận thấy là đa số trường hợp học sinh tự tử thường là những em chăm ngoan, rất ít bị trách phạt. Phải chăng các em đã không được trang bị tâm thế cần thiết trong cuộc sống, nên khi gặp vấn đề khó khăn, trẻ cảm giác không ai hiểu và coi trọng mình.
Thêm vào đó, mỗi khi trẻ mắc lỗi, nhiều bậc phụ huynh có những lời nói vô tình xúc phạm đến trẻ như “Biết vậy tao không sinh ra đứa con như mày”, “Con người ta ngoan ngoãn, đằng này con mình như nghịch tử”… Trong khi đó, họ lại đặt yêu cầu quá cao, khiến các em rơi vào trạng thái khủng hoảng, không có sự chia sẻ, thiếu điểm tựa tinh thần để giải tỏa ức chế.
Cũng theo PGS-TS Trịnh Hoà Bình, giai đoạn giao thời giữa tính cách “trẻ con” và chuyển sang làm “người lớn”, trẻ thường rất “nhạy cảm”, mong manh trong tâm hồn và cách nghĩ nên mỗi khi có sự việc rắc rối dù là rất nhỏ cũng nhanh chóng bị suy sụp. Do vậy, trong giai đoạn này rất cần sự quan tâm sâu sát của gia đình, bạn bè và nhà trường để có thể động viên, tham gia gỡ rối giúp các bạn vượt qua những áp lực cuộc sống hàng ngày.
Theo Ngọc Bảo- Nguyễn Long
Anninhthudo