Những bữa ăn nhọc nhằn

TP - Đang tuổi ăn tuổi lớn mà triền miên cơm hàng cháo chợ, lúc cơm bụi, khi bánh mì, gói xôi để qua bữa từ đầu tuần đến cuối tuần thì quả là đáng ngại. 

Thiếu chất, dẫn đến suy dinh dưỡng do cơ cấu bữa ăn không đảm bảo, nguy cơ cao mất an toàn vệ sinh thực phẩm vì thường xuyên dùng các loại đồ ăn không rõ ràng về nguồn gốc, thực phẩm đường phố, thiếu hụt sự chăm sóc của cha mẹ, dễ dẫn đến những hệ lụy khó lường…

 

Nhưng những điều ấy lại đang xảy ra với nhiều học sinh ở thành phố lớn như TPHCM và chắc Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... cũng không ngoại lệ. Trẻ em ở lứa tuổi học trò, niềm hy vọng và tương lai của đất nước đang phải vật lộn với mớ bòng bong giáo dục mà người lớn tạo ra.

Học sáng, học chiều, học tối, nhiều ngày trong tuần và giữa những buổi học ấy là những bữa ăn tạm bợ, qua quýt, là chiếc bánh mì từ quầy xe đẩy ở cổng trường, là gói xôi hay hộp cơm chiên mẹ mua vội trên đường đưa con đến trường.

“Ác” ở chỗ: nhóm thức ăn đường phố, quà bánh bán rong xung quanh các trường học nằm trong nhóm nguy cơ cao mất vệ sinh trong khi trẻ chưa thể có đầy đủ ý thức tự bảo vệ mình. 

Vì sao con em chúng ta lại phải quay cuồng với công việc học hành như thế? Vì sao, người lớn, nhất là những người hoạch định những chính sách vì trẻ em, vẫn để con em chúng ta khổ quá vậy?

Vì sao người ta cứ hô hào cải cách giáo dục, giảm tải để học sinh học hành nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn, nhưng những chiếc balo trĩu nặng sách vở, những bữa ăn nhọc nhằn, những căng thẳng trong kỳ thi, trong cuộc chiến “bảo vệ thành tích” của người lớn cứ tiếp tục đè nặng lên vai học sinh?

Hô hào cấm học thêm nhưng chuyện học thêm vẫn tồn tại và người muốn dạy thêm vẫn tìm được nhiều cách để hợp thức hóa học thêm bằng những “đơn xin tự nguyện học thêm”, những đề thi hũ nút, đánh đố những học sinh “tối dạ”, không biết đến học thêm nhà thầy.

Một cuộc chạy marathon của cả phụ huynh lẫn học sinh, ngay từ lúc đứa trẻ đang ở độ tuổi mẫu giáo: học trước tuổi, học chính khóa, học thêm, học năng khiếu. Ngay cả đối với một số bậc cha mẹ có trình độ nhận thức tốt thì cũng khó lòng dám mạo hiểm đưa con mình thoát ra hoặc đứng độc lập với vòng quay ấy.

Nhưng có lẽ lúc này đừng nên nói xa xôi. Bởi suy cho cùng, trẻ “biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”. Ngay thứ đầu tiên là bữa ăn, chúng ta cũng chưa lo được cho trẻ thì nói gì đến những thứ cao xa.