Nguyên còn lặn lội tìm đến nhiều tác giả để trà rượu mạn đàm, trở thành bạn vong niên thân thiết của họ. Vì thế các bài báo của anh thường mang dấu ấn riêng, khai phá từ đám rêu phong cổ kính nhưng vẫn có sức hút bởi sự lạ về số phận, cuộc đời của những con người và tác phẩm đã làm say mê bao thế hệ.
Cuốn Những bóng hồng trong thơ nhạc tập hợp những bài báo như thế. Từ những nhạc phẩm nổi tiếng viết về những giai nhân, tác giả cất công đi tìm những người con gái đã làm say mê các thi sỹ, nhạc sỹ để họ thổn thức, làm nên các vần thơ, giai điệu đi mãi với thời gian.
Từ Duyên trong Thà như giọt mưa (thơ Nguyễn Tất Nhiên- nhạc Phạm Duy) cho tới Ngọ trong Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư- nhạc Phạm Duy). Từ người đẹp đất Quảng Hồ Thị Thu khiến hai chàng thi sỹ say mê với Ru con tình cũ (Đynh Trầm Ca) và Thu hát cho người (Vũ Đức Sao Biển) hay cô vợ 16 tuổi Lê Đỗ Thị Ninh khiến Hữu Loan làm nên bài thơ bất hủ Màu tím hoa sim.
Rồi ca sỹ Thanh Thúy- giọng hát liêu trai thập niên 60 tại Sài Gòn làm bao nhạc sỹ thầm thương trộm nhớ, chỉ biết gửi tâm tình qua nhạc như Thuý đã đi rồi, Thôi (Y Vân), Ướt mi, Thương một người (Trịnh Công Sơn), Tiếng hát về khuya (Tôn Thất Lập)… Sau 11 giai nhân trong Những bóng hồng trong thơ nhạc, Hà Đình Nguyên đang ấp ủ tập 2, 3 và “sẽ kéo dài không biết bao nhiêu tập”- anh cho biết.