Những bệnh phụ nữ cần tiêm phòng trước khi kết hôn

Những bệnh phụ nữ cần tiêm phòng trước khi kết hôn
Lễ cưới được xem là ngày trọng đại của mọi cô dâu, chính vì thế, các cô gái luôn dành mọi sự lo lắng cho việc chuẩn bị ngày về chồng mà quên mất một điều quan trọng đó là chuẩn bị sức khỏe tốt để làm mẹ…

Theo các chuyên gia, mang thai là thời điểm nhạy cảm, hệ thống miễn dịch cơ thể hoạt động kém hơn so với bình thường. Nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, đặc biệt nhiều bệnh thông thường cũng có thể tiến triển nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Bất cứ dấu hiệu bất thường nào của người mẹ cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ.

Nhiều cặp vợ chồng muốn có con ngay sau khi cưới nên nếu phải chờ thêm thời gian để tiêm ngừa sẽ tạo nên áp lực cho cả vợ lẫn chồng, khiến tâm lý của cả hai không thoải mái. Bên cạnh đó, một số cặp vợ chồng trẻ do chưa có kinh nghiệm trong việc phòng tránh thai nên thường gặp tình trạng vỡ kế hoạch. Chính vì thế, việc tiêm phòng cho phụ nữ trước khi cưới và mang thai là rất cần thiết, giúp bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé sau này.

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Ngọc, Phó trưởng khoa Xét Nghiệm - Sinh học - Lâm sàng, Viện Pasteur TP.HCM, ung thư cổ tử cung, thủy đậu, cúm, sởi - quai bị - rubella, bạch hầu - uốn ván - ho gà là những vắcxin quan trọng cần chích ngừa trước khi sinh con.

Vắcxin ngừa ung thư cổ tử cung

Mỗi năm, Việt Nam có gần 4.200 ca mắc ung thư cổ tử cung mới và hơn 2.400 ca tử vong. Đây là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ, trưởng thành. Hơn 90% nguyên nhân bệnh có liên hệ chặt chẽ đến virus HPV. Theo bác sĩ Minh Ngọc, ung thư cổ tử cung diễn tiến âm thầm, thường kéo dài 15-20 năm. Triệu chứng thường khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Do đó, nhiều trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, bệnh nhân phải cắt bỏ một phần hay toàn bộ tử cung, tước bỏ quyền làm mẹ của người phụ nữ.

Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, cách phòng ngừa bệnh đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắcxin ngừa virus HPV, cùng với tầm soát định kỳ nhằm phát hiện sớm điều trị kịp thời bệnh.

Lịch chủng ngừa chuẩn là 0-2-6 tháng. Tức là sau 2 tháng tiêm mũi một, chị em tiêm tiếp mũi 2 và sau 6 tháng mũi một thì tiêm ngừa nốt mũi 3. Với vắcxin HPV, sau khi tiêm đủ lịch, chị em có thể có thai ngay.

Vắcxin đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ngừa trước lần quan hệ tình dục đầu tiên, bác sĩ Ngọc cho biết. Tại Việt Nam, vắcxin được chỉ định cho phụ nữ 9-26 tuổi, đạt hiệu quả cao nhất khi tiêm ở lứa tuổi 10 – 15.

Thủy đậu

Mắc thủy đậu trong thai kỳ để lại những hệ lụy nghiêm trọng với phụ nữ mang thai, bào thai, trẻ sơ sinh. Phụ nữ bị nhiễm thủy đậu khi mang thai có 10% nguy cơ tiến triển viêm phổi. Nếu người mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ thì nguy cơ bị sảy thai rất lớn.

Thủy đậu có thể lây từ mẹ sang con và gây bệnh thủy đậu bẩm sinh. Tỷ lệ lây từ mẹ sang con trong 3 tháng đầu thai kỳ là 0,4%. Trẻ có các biểu hiện khi sinh như các sẹo ngoài da, chi ngắn, đục thủy tinh thể hay chậm phát triển.

Trẻ sơ sinh có nguy cơ 24 đến 48% nhiễm thủy đậu khi mẹ bị thủy đậu trong khoảng 4 ngày trước sinh đến 2 ngày sau sinh. Tình trạng lây nhiễm này tác động đến các cơ quan nội tạng của trẻ, liên quan đến 30% trường hợp trẻ tử vong.

Sởi - quai bị - rubella

Sởi, rubella, quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh rubella ở trẻ thường nhẹ, ít biến chứng, đối với phụ nữ mang thai thì hậu quả vô cùng nặng nề.

Thai phụ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây sảy thai, thai chết lưu, hội chứng rubella bẩm sinh và nhiễm rubella ở trẻ khi chào đời. Bệnh rubella bẩm sinh gây các dị tật tim, đục thủy tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển, đái tháo đường ở trẻ sơ sinh, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh... Nhiều trẻ mắc đa dị tật.

Virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ mắc quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể bị sảy thai hoặc sinh con dị tật. Nếu mắc bệnh vào 3 tháng cuối của thai kỳ thì chị em dễ sinh non hoặc thai chết lưu.

Với người lớn, chỉ cần tiêm một liều duy nhất. Nếu bạn dự định có thai thì nên tiêm ngừa ít nhất 1 tháng trước khi mang thai.

Cúm

Bà bầu đặc biệt dễ bị tổn thương khi mắc cúm vì hệ miễn dịch suy giảm để thích ứng với thai nhi đang phát triển. Khi hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể người mẹ không thể tự chống lại bệnh cúm. Bệnh có thể tiến triển nặng dẫn đến viêm phổi và những vấn đề sức khỏe khác. Trường hợp thai phụ bệnh không nặng đến mức cần nhập viện thì em bé cũng dễ sinh nhẹ cân hoặc sinh non, đặc biệt nếu mẹ bị cúm trong 3 tháng đầu.

Vắc xin cúm tiêm 1 mũi bảo vệ trong vòng 01 năm,nên tiêm trước khi mang thai hoặc có thể dùng trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ, tuy nhiên nên hạn chế tiêm trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Phụ nữ mang thai mắc cúm thì nên đến bệnh viện sớm để được điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Bạch hầu-uốn ván- ho gà

Đây là các bệnh đã được tiêm vắc xin từ lúc nhỏ. Phụ nữ trước khi mang thai nên tiêm nhắc 01 mũi giúp gia tăng kháng thể của mẹ truyền cho con giúp bé có kháng thể phòng bệnh khi chưa tới tuổi tiêm ngừa.

Các vắc xin trên có thể tiêm cùng lúc nhưng ở những vị trí khác nhau. Tùy theo tiền sử tiêm chủng của bạn, nhân viên y tế sẽ có chỉ định vắc xin phù hợp .

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.