Những bé ẵm ngửa, rời tay mẹ về Việt Nam tránh dịch

Tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh bế, dỗ vị khách nhí trở về từ Đức vì lo sợ dịch, trên chuyến bay ngày 10/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh bế, dỗ vị khách nhí trở về từ Đức vì lo sợ dịch, trên chuyến bay ngày 10/3. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chuyến bay VN36, Frankfurt - Nội Bài, ngày 10/3 đón hai khách đặc biệt, một bé 2 tháng tuổi và chị gái 3 tuổi về Việt Nam mà không có cha mẹ đi cùng.

Chiều hôm đó, bầu trời Frankfurt âm u và lạnh, một cặp vợ chồng người Việt đau dứt ruột trao hai con cho bà ngoại đưa về Việt Nam. Lo sợ Covid-19 lan rộng, trong khi các biện pháp phòng chống của nước sở tại khiến họ không yên tâm. Vì công việc, cặp vợ chồng không thể về nước nhưng không đành lòng để con ở lại với rủi ro, bà ngoại được cầu cứu, từ Việt Nam bay sang để đón các cháu về quê nhà Hải Phòng.

Ban đầu các bé ngoan ngoãn, thiu thiu ngủ. Nhưng máy bay cất cánh được một lúc, cô em 2 tháng tuổi bắt đầu quấy khóc. Thấy vậy tiếp viên trưởng Lưu Phương Anh đến hỏi han. Người bà không hiểu vì sao cháu đã ăn, đã thay bỉm mà vẫn khóc, Phương Anh nhận ra có vẻ bé bị nóng nên đề nghị cởi bớt áo cho con.

"Là một người mẹ, tôi hiểu mỗi lần khóc là con thèm hơi sữa. Tôi xin bế bé một chút. Như một phản xạ tự nhiên, bạn nhỏ liền rúc tìm hơi mẹ. Vì con mới ăn xong nên tôi vỗ lưng nhè nhẹ để bạn ợ hơi sữa. Chỉ một chút con nín, nằm im", nữ tiếp viên trưởng kể.

Trong nhiều năm làm nghề, chưa khi nào Phương Anh trải qua tình huống này. Trên chuyến bay xuyên đại dương, hai bé khóc ngằn ngặt vì nhớ mẹ. Người bà mỏi rời tay vì vừa bế bé em, vừa quay sang dỗ bé chị. Khi bế và ru đứa trẻ, Phương Anh hiểu nỗi niềm của cha mẹ các em. "Chắc chắn người mẹ sẽ rất nhớ, thương và không muốn rời xa con", chị chia sẻ.

Sau khi ru bé ngủ say, chị Phương Anh đặt em ngủ để tiếp tục nhiệm vụ. Chị cũng nhắc các thành viên trong phi hành đoàn quan tâm ba bà cháu hơn. Cứ khoảng 30 phút là cô bé sơ sinh lại tỉnh và khóc. Các tiếp viên khác trong tổ bay thay nhau bế em bé giúp người bà và mang thêm đồ chơi, chơi cùng bé 3 tuổi.

6h10' sáng 10/3, máy bay hạ cánh xuống Nội Bài. Sau hành trình dài 12 giờ, ba bà cháu đã có người nhà đón ngay tại cửa, Phương Anh và tổ bay cũng yên tâm hơn.

"Trên đường về, hình ảnh hai đứa trẻ cứ đọng mãi trong suy nghĩ của tôi. Thương bố mẹ bé một phần, thương hai bạn nhỏ ngàn lần bởi dù mới chỉ ba tuổi và hai tháng tuổi đã phải xa vòng tay cha mẹ", Phương Anh nói, trên quần áo vẫn còn vương hơi sữa của bé. 

Chiều 11/3, Nguyễn Kim Chi, 22 tuổi ôm cháu trai Nguyễn Nhật Khánh Đăng, 6,5 tháng tuổi hoà vào dòng người rời khỏi khu cách ly ở Sơn Tây, Hà Nội. Hai cô cháu lập tức ra đón chuyến bay về Vinh (Nghệ An) rồi từ đó đi ôtô về quê nhà ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nửa tháng qua, bé Khánh Đăng đã sống trong vòng tay cô ruột mình, còn cha mẹ em đang ở Busan, Hàn Quốc, cách con hơn 4.000 cây số.

Trên đất khách, anh trai Kim Chi làm công nhân nhà máy, còn chị dâu vừa nghỉ sinh bé, vẫn chưa đi làm lại. Như nhiều cặp vợ chồng đi xuất khẩu lao động thường gửi con về quê khi tròn 6 tháng hay một tuổi, anh chị của Chi cũng có ý định sẽ gửi Khánh Đăng về quê vào tháng 4 này.

Giữa tháng 2 vừa qua, "bệnh nhân 31" siêu lây nhiễm gây ra nỗi kinh hoàng cho cả nước Hàn Quốc. Nhiều người Việt học tập và lao động tại đây sợ hãi trở về Việt Nam. "Anh chị em vì miếng cơm, manh áo không thể về nước, đành phải gửi bé về", Chi chia sẻ.

Khánh Đăng còn chưa cai sữa đã phải rời vòng tay mẹ. Cậu bé lên chuyến bay cùng với người dì vào ngày 25/2. Cùng ngày, Kim Chi cũng từ quê bay ra Nội Bài đón cháu. Đến nơi cô mới biết Khánh Đăng phải theo dì vào khu cách ly.

Đêm đó Chi thuê nhà nghỉ bên ngoài Trường quân sự ở thị xã Sơn Tây, nóng ruột lo cho cháu ở trong bởi "dì chưa quen, không khéo chăm cháu". Bố mẹ bé và ông bà ở quê nhà cũng lo lắng khôn nguôi. "Sáng hôm sau em được vào với cháu. Nghe kể cháu khóc suốt từ chiều tới cả đêm vì nhớ mẹ, em cũng ứa nước mắt theo", Chi kể.

Những bé ẵm ngửa, rời tay mẹ về Việt Nam tránh dịch ảnh 1 Kim Chi và bé Khánh Đăng chiều 10/3 tại tầng 4, khu cách ly Trường quân sự Sơn Tây. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chưa từng gặp cháu nhưng may sao ngay từ lúc sang tay Chi, Khánh Đăng nín khóc, chịu bú bình và chịu ngủ. Suốt hai tuần, tại phòng 403 khu cách ly, cậu bé là niềm vui cho 17 người trong phòng. Ở một phòng khác cũng có một bé gái 6 tháng tuổi "chạy dịch" cùng chuyến bay với Khánh Đăng.

"Ở trong này chẳng thiếu thứ gì, nhưng em mong được về nhà và biết cháu cũng như vậy", Chi nói.

Trở về vòng tay của ông bà và người thân đêm 11/3, Khánh Đăng không hề lạ lẫm. Từ đây, cậu bé sẽ lớn lên ở vùng biển Cương Gián quê nhà, để cha mẹ phương xa yên tâm làm việc.

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, kể từ khi Covid-19 vượt khỏi biên giới Trung Quốc, nhiều chuyến bay đã đón thêm hành khách đặc biệt là các em bé còn bế ngửa trở về Việt Nam. Ngoài những trường hợp trên, chuyến bay ngày 5/3, từ Incheon, Hàn Quốc về Vân Đồn, Quảng Ninh cũng đón 6 bé, trong đó có 2 bé còn ẵm ngửa.

Bố mẹ, gia đình tiễn em ở sân bay Incheon và uỷ quyền cho người quen trên chuyến bay ẵm về Việt Nam tránh dịch. Trên chuyến bay bé được nhân viên y tế và các thành viên phi hành đoàn cùng chăm sóc. Khi về đến sân bay Vân Đồn, bà của bé đã đón. Hiện hai bà cháu đang ở trong khu cách ly theo đúng quy trình. 

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG