Theo phản ánh của bạn đọc và quan sát của phóng viên, nhiều khu đất trống chưa thực hiện dự án như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ… đều có hiện tượng tập kết rác thải xây dựng rồi đốt.
Điểm chung của những bãi rác nêu trên thường có quy mô lớn, gần nơi có nhiều công trường, công trình xây dựng. Gọi chung là phế thải xây dựng nhưng trong phế thải này có nhiều rác thải dễ cháy và khi cháy gây độc hại như gỗ, vải, nhựa… Tuy nhiên, hiện nay, chính quyền các quận huyện, phường xã tại Hà Nội đang khá lúng túng.
Bà Lê Thị Tuyết Mai, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Gia Lâm cho biết, trước khi báo Tiền Phong phản ánh về bãi tập kết rác thải xây dựng lớn, đốt rác trái phép nằm ở gần khu đô thị Ocean Park, huyện chưa nắm được thông tin vì không thấy người dân phản ánh. Sau đó, bà Mai xin lại địa chỉ để huyện xác minh làm rõ. Hơn 10 ngày trôi qua nhưng đến nay UBND huyện Gia Lâm chưa có phản hồi về phương án xử phạt, các biện pháp xử lý cán bộ để xảy ra tình trạng tập kết, đốt rác quy mô lớn, kéo dài như trên thế nào.
Theo luật sư Phạm Hồng Hải, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Danh Tuệ, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, về xử lý cá nhân, tổ chức đốt rác hiện đã có đầy đủ quy định, cả về hành chính lẫn hình sự. Theo đó, khoản 2 điều 25, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường) quy định: Hành vi thải rác trái quy định bị phạt ở mức 2 triệu đồng. Nếu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý theo Điều 235, Bộ luật Hình sự hiện hành về “Tội gây ô nhiễm môi trường” với khung phạt nhẹ nhất là từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Theo luật sư Hải, trong điều luật này cũng quy định cụ thể về gây ô nhiễm khi phát thải khí độc vào môi trường và hoàn toàn có thể áp dụng với hành vi đốt rác quy mô lớn trong nội thành Hà Nội như trên.