Những anh hùng chưa được phong tặng

Những anh hùng chưa được phong tặng
TP - Họ là Nụ, Hương, Thanh, Viên, Quy, Yến... hay là sim, mua, dã quỳ, lau lách ở bên mọi nẻo đường vạn dặm Trường Sơn.
Những anh hùng chưa được phong tặng ảnh 1
Các chị trở lại chiến trường xưa

Như câu thơ Phạm Tiến Duật “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”, các chiến sĩ nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn qua bao đạn bom, mưa nắng, vạch ngang một nét son mềm mại, độc đáo và kỳ diệu vào chiến tranh Việt Nam. Nhưng giờ đây, họ đã trở lại với đời thường, bôn ba và vật lộn...

Những chiến sĩ nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn trong trùng trùng điệp điệp những sư đoàn xe Trường Sơn, của đội ngũ bộ đội Trường Sơn trong chiến tranh hơn ba mươi năm về trước... Bây giờ, các chị ở đâu, làm gì? Ai còn sống và ai đã khuất? Những cô gái lái xe tải quân sự Trường Sơn năm ấy như sương khói lẫn vào nhân dân rồi ư? Đã hơn ba mươi năm, đã sít soát bốn mươi năm các chị vào chiến trường còn gì.

Đạn bom là thế, thân gái mười sáu mười tám còn vào được chiến trường đã khơi gợi và thách thức tôi làm cuộc tìm kiếm các chị, tìm kiếm những cô gái lái xe tải quân sự Trường Sơn ngày ấy. Bây giờ, các chị sinh sống ở những đâu...

Cảm ơn thời đại thông tin đã cho tôi mau chóng tìm ra những người con gái Trường Sơn năm xưa, tưởng như đã hòa lẫn vào dòng đời sinh sôi bất tận. Nhà văn Chu Lai và vợ ông - nhà văn Vũ Thị Hồng - cho tôi vài số điện thoại. Nhà văn chồng bảo: “Hay lắm Khai ạ. Thân phận lắm. Chúng ta phải làm cái gì chứ. Trên thế giới này, có lẽ chỉ chiến tranh Việt Nam mới có. Thế mà bây giờ, nhiều người sống khổ lắm. Lam lũ lắm!”.

Nữ nhà văn Quân đội Vũ Thị Hồng hý hoáy tìm số điện thoại của Ban liên lạc Trung đội nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn rồi bảo tôi: “Khai cứ đi tìm đi, rồi ta kết hợp tổ chức một chương trình giao lưu, mời các chị ấy về nhân dịp Kỷ niệm giải phóng miền Nam, khó khăn gì, chị giúp”.

Tôi lên đường. Trời Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... những ngày ấy mưa rét, ẩm mốc. Có một cái gì xôn xao, reo gọi ở trong tôi. Cứ hiện lên những cô gái mảnh mai căng mắt, rướn người vần vô lăng những chiếc xe tải Jin ba cầu, Gát 59, 69 kềnh càng trong đạn bom, đèo dốc Đông - Tây mấy ngả Trường Sơn trong các thước phim tài liệu tôi như được tiếp thêm sức lực.

Chiếc xe máy cà tàng cà rịch của tôi cứ thế lùi lũi bất chấp mưa rét, đường ổ trâu, ổ voi lăn bánh dọc ngang khắp các tỉnh thành.

Chị Hòa - trưởng ban liên lạc, có đời riêng khá đặc biệt. Là chính trị viên đại đội nữ lái xe (1971 - 1972), nghĩa là lo liệu phần hồn cho các “nữ xế” Trường Sơn vốn tinh quái, bướng bỉnh vào bậc nhất nhì lúc ấy.

Chị Hòa tiếp tôi ân cần, cung cấp mọi thông tin. Nhắc đến chị em, chị khóc. Bản thân chị, người chính ủy, chỗ dựa của chị em, năm bốn mươi tuổi mới lập gia đình và diệu kỳ thay, (hay giời thương) đã cho chị một mụn con ở cái tuổi tưởng như rất khó ấy.

Chị khóc khi nói về những Trinh điếc (lái xe bị bom đánh nhiều quá điếc), Phàn còi (nhỏ bé cân nặng chưa đầy bốn mươi ki lô gam), Vân hoa lá (buồng lái lúc nào cũng có hoa và lá), Thanh vại (chiến tranh ác liệt thế mà người cứ vại ra), Kim Quy nhè (xe chết ở ngầm là khóc nhè), Ánh người thứ 41 (to lớn như người Liên Xô) bây giờ còn đang lái xe cho Bộ Tài chính...

Giọng chị nhòe đi, đứt nối khi nói về chị Phùng Thị Viên, trung đội trưởng đã mất (năm 2000) vì ung thư, và các chị, nghĩa là ba mươi chín chị đã cùng nhận cháu Đoàn Phương Nga, con gái chị Viên làm con nuôi.

Chiến trường. Đạn bom. Sự sống và cái chết mong manh, ẩn hiện. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, những bàn tay, khối óc mười tám đôi mươi. Tầng tầng lửa, núi cao, vực sâu thách thức, ngang ngửa, trập trùng.

Những nữ lái xe tải quân sự Trường Sơn mảnh dẻ những dáng hình con gái, như cánh lan rừng hiện ra mộc mạc. Rùng rùng những đoàn xe ra trận. Những vô lăng tròn, những vòng quay xuyên đạn bom, xuyên mưa nắng, xuyên thời con gái hướng ra phía trước.

Buồng lái xe là buồng con gái, một chút riêng ao ước, đơn sơ. Một chút riêng sâu thẳm. Khoảng trời hương bưởi hương nhu mềm đạn bom, mềm sắt thép.

Xe thì lớn, người thì nhỏ chỉ thấp thoáng những đôi mắt to tròn con gái. Cái mềm mại thách thức sự hung tàn, cái nhỏ nhắn dường như vượt kích thước cuộc chiến tranh mà bay lên, ngân rung và đánh thức.

Theo chỉ dẫn của chị Hòa, tôi đến nhà nữ xế Thanh vại tại ngõ 95 Kim Mã, Hà Nội. Đón tôi là đức ông chồng vâm váp nhưng hiền hậu, vào đề ngay. Anh là Hiệp, cùng cánh xế Trường Sơn cả.

Chà chà! “Xế gặp xế nên duyên ư?”. Thì thế. Đụng nhau ở Trường Sơn. Hôm ấy tắc đường, đang chả lùi chả tiến được thì một cái Jin ba cầu ở đâu sấn đến quát: “Anh kia, lùi ra!”. Lại tiếng con gái cơ chứ. Điên tiết vặc lại: “Đường đâu mà lùi!”.

Người kia đâu có vừa, sấn sổ: “Lùi ngay không tôi bắn!”. Thế đấy, anh Hiệp phá lên cười, nụ cười tài xế nổ giòn như ống khói ô tô. Chị Thanh vại người Hải Phòng, mười sáu tuổi bố ép lấy chồng không chịu. Rồi vào lính. Rồi vào Trường Sơn. Rồi thành tài xế.

Nổi tiếng ngang tàng, ương ngạnh, nhưng lì lợm với đạn bom, thương yêu chị em, sống chan hòa và cũng chính là chị cùng chị Hòa, chị Quy, chị Vân mấy năm nay mở một cuộc đi tìm lại đồng đội. Khó khăn, tốn kém và khóc nhiều trước những cảnh huống đứt gánh giữa đường.

Chị bảo tôi: “Khai ạ, sống được như vậy là may rồi, nhiều đứa khổ lắm cơ, đến quần áo còn không có bộ nào ra hồn để diện”. Thế đấy, người từng vung maniven trước cánh xế nam Trường Sơn ngày ấy bây giờ trầm mặc, ưu tư.

Khó khăn nhất phải kể đến chị Nguyễn Thị Phàn ở Thái Bình. Số chị khổ từ trong bụng mẹ. Người loắt cha loắt choắt thế này ngày xưa chị lái xe tải quân sự thế nào nhỉ? Tôi cũng đã gần hai mươi năm lính, đã hai năm lái xe tải và thấm lắm những khúc cua xóc nảy người, vành tay lái nặng như cùm trong cái nóng như rang của buồng ca bin cổ lỗ.

Trò chuyện với tôi, chị nói nhanh, khó nghe và rất lạ là không bao giờ kêu ca mình khổ, cứ luôn miệng cảm ơn Đảng và đồng đội. Chị khoe vẫn còn giữ được chiếc đồng hồ Pôn Jốt của Bác Hồ gửi tặng.

Tôi ngắm nghía chiếc đồng hồ, nâng nó lên mà lặng đi. Hóa ra niềm tin của con người mãnh liệt và bền lâu lắm, ăn sâu bám rễ để có cội có cành, có sông và biển, đất và trời từ những gì rất nhỏ và rất sâu.

Chị Kim Quy và chị Vân hoa lá ngồi hai bên tôi. Các chị còn phong độ lắm. Tôi trêu: “Chắc chưa hết khấu hao!”, cả hai nữ xế phá lên cười sảng khoái phát tôi đau điếng. Chị Kim Quy quê Kim Động, Hưng Yên, nhập ngũ năm 1965 đến năm 1968 vào trung đội nữ lái xe tải sau khóa học có bốn mươi lăm ngày rồi trở thành tay lái “cứng cựa” nhất nhì trung đội. Chị Vân nhìn tôi nháy mắt: “Nghịch lắm đấy. Ngày xưa ghê gớm lắm!”.

Kim Quy phản pháo ngay: “Còn mày đấy. Ghét của nào trời trao của ấy. Rốt cục lại vớ phải một ông xế Trường Sơn”. Hai chị lại cười. Chuyện tình của Vân hoa lá rất thú vị. Chị chở thương binh ra Bắc. Anh tài xế bị thương một chân còn cưa cẩm được cô nữ lái xe xinh đẹp.

Hóa ra cánh xế nam Trường Sơn quả danh bất hư truyền, cũng chả chịu thua kém gì ai, gớm lắm. Và ông xế này cứ như chuẩn bị lực lượng cho một cuộc chiến nữa hay sao mà bốn lần vinh dự làm cha của những năm chiến sĩ. Chị Vân cười cười: “Máy móc lái xe mà lị!”, làm tôi không nhịn được thốt lên: “Lạy các mẹ. Đúng thật là...”.

Chuyện về chiến sĩ nữ lái xe tải Trường Sơn ngày ấy, bây giờ thật là lắm chuyện. Cũng có chuyện vui, có chuyện buồn và cả ước nguyện: Được gặp mặt nhau, được giao lưu. Tôi, người em út, người đồng đội nhỏ tuổi của các chị đã cùng các anh, các chị thực hiện được điều mong ước ấy.

Buổi giao lưu đã diễn ra thân mật, xúc động tại Học viện Hậu Cần vừa qua. Nhiều người chứng kiến cảm động gọi họ là những anh hùng, nhưng thật sự họ chưa bao giờ nhận được danh hiệu ấy.

Hôm đó các chị vui lắm. Nụ cười và nước mắt, hoa và huân chương, tóc bạc và tóc xanh nhấp nhánh, rạng rỡ khuôn mặt ba mươi mấy con người trong tiếng nhạc khải hoàn chào mừng kỷ niệm ngày chiến thắng...

Thời gian vẫn miệt mài với dòng chảy của mình, sau những khúc quanh, các chị bây giờ vẫn quần tụ bên nhau không chỉ để mà nhớ về một khúc khải hoàn chiến thắng, mà là ôn lại những kỷ niệm chiến trường và dường như đời sống riêng tư cũng đang ấm dần lên với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Hàng năm, các chị vẫn gặp gỡ nhau vào ngày 17 - 12 và tôi, cậu em út luôn được các chị nhớ đến. Tôi luôn thầm mong ước các chị sẽ bình an, hạnh phúc ở chặng đường phía trước của mình. 

Đội lái xe tải quân sự Trường Sơn ngày ấy (sau này tập hợp ra Sơn Tây phiên chế thành đại đội huấn luyện chiến sĩ lái xe nữ được hai khóa với hai trăm học viên để phục vụ các chiến trường trước năm 1975) hiện nay còn sống gần trọn vẹn ở các tỉnh phía Bắc.

Họ gồm bốn mươi chị do chị Nguyễn Thị Hòa nhà ở sát cổng Học viện Hậu Cần - Long Biên, Hà Nội làm trưởng ban liên lạc. Trong 40 chị có đến 19 chị là thương binh với mỗi người mỗi cảnh.

MỚI - NÓNG
Giá vàng nhẫn tròn lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC giảm về mức 81,8 triệu đồng/lượng. Ảnh:PQ.
Giá vàng nhẫn phá vỡ mọi kỷ lục
TPO - Sáng nay (20/9), giá vàng nhẫn tròn tiếp tục tăng 100.000 đồng/lượng, lên mức 79,3 triệu đồng/lượng, mức cao nhất trong lịch sử. Giá vàng SJC bất ngờ quay đầu giảm, về mức 81,8 triệu đồng/lượng.