Những ân tình từ hai mái đường biên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sinh sống ở vùng biên giới, đồng bào các dân tộc xứ Lạng đã có truyền thống đoàn kết, thân thiện với người dân bên kia biên giới. Các hoạt động giao lưu, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể hai nước luôn diễn ra sôi nổi, chân tình và rộng khắp…

Chuyện đời thường...

Tôi có anh trai sinh sống ở thị trấn biên giới Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn). Thi thoảng, lên nhà anh chơi, bắt gặp các thương nhân, bạn bè người dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc đang hàn huyên bàn chuyện làm ăn, trò chuyện thật vui vẻ. Một trong những người thân thiết, ấn tượng đối với tôi là Cố Dỉ sinh năm 1957. Ông Dỉ nom chất phác, thật thà, thường mặc kiểu áo Tôn Trung Sơn, đi giày vải truyền thống. Vốn là người sinh ra, lớn lên ở Nàm Chàm, thôn giáp biên giới Việt - Trung thuộc trấn Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây được qua lại biên giới thường xuyên nên Cố Dỉ nói tiếng Việt khá thạo.

Những ân tình từ hai mái đường biên ảnh 1

Chuyên gia Trung Quốc (bìa trái) hướng dẫn sơ cứu cho cán bộ Hội CTĐ Lạng Sơn. Ảnh: Duy Chiến.

Nhớ lại vào khoảng giữa năm 1989, chưa đi làm việc nhà nước, tôi theo anh trai vượt con đường nhỏ theo hướng chốt kiểm soát Biên phòng Cốc Nam - Cổng Trắng thuộc thị trấn Đồng Đăng để qua bên kia biên giới mua chăn con công về bán. Ngày đó, nếu gặp đơn vị chức năng của ta lẫn phía bạn, người dân chỉ cần trình chứng minh thư người bản địa giáp biên là qua lại thoải mái. Chập tối, chúng tôi đến một dãy nhà kiểu trình tường khép kín, nơi sinh sống của gia đình Cố Dỉ.

“Mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân ở khu vực biên giới hai nước đã và đang tiếp tục có những bước phát triển rất tốt đẹp, tạo điều kiện cho nhân dân hai bên mở rộng giao lưu hữu nghị, tăng cường hợp tác cùng nhau phát triển...”.

Nông Lương Chấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn

Bao giờ cũng vậy, thấy các bạn Việt Nam sang là Cố Dỉ tay bắt, mặt mừng, sai con cháu mổ gà đãi khách. Tôi nhớ mãi, khi mang “lô hàng” từ Việt Nam sang là đổi được kha khá chăn con công Trung Quốc, đài Cassette 555. Ngày đó, cứ vác một chiếc đài qua biên giới, đến thị trấn Đồng Đăng, bán đi là được hơn nửa chỉ vàng. Đến bữa ăn cơm tối, tôi thích nhất là món rau cải ngọt xào cả cây với gừng nóng ăn với bát cháo kiểu Trung Hoa nước ra nước, cái ra cái.

Cố Dỉ giải thích: “Cháo này khác với Việt Nam vì chúng tôi nấu gạo cạn nước để vài phút sau đó mới đổ nhiều nước làm thành cháo. Ở Trung Quốc, ngoài cơm hàng ngày đều có một nồi cháo để ăn với các món mặn như: Tầu choong, đậu dị, củ cải xào rim thịt, rau muống, cải thảo…

Dần dà, hai gia đình coi nhau như người thân, đi lại thăm hỏi, nhất là dịp lễ Tết, Quốc khánh hai nước và ngày hội Đồng Đăng mồng 10 tháng Giêng hàng năm, Cố Dỉ đưa con cháu, bạn bè sang nhà anh trai tôi giao lưu, uống rượu. Đại dịch COVID-19 diễn ra, bẵng đi mấy năm không gặp, tuần trước bỗng nhiên con trai Cố Dỉ xuất hiện, trên ngực có mảnh vải đen và cho biết, bố anh đã mất sau cơn đau tim, đột quỵ. Trước khi qua đời, Cố Dỉ gọi con trai đến, căn dặn thay cha thường xuyên sang Việt Nam và gửi cho anh trai tôi vỉ thuốc chống chứng mất ngủ - thứ mà gia đình thường gửi mua ở trấn Bằng Tường…

Lan tỏa tình thân

Những ân tình từ hai mái đường biên ảnh 2

Đón mừng các công dân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thăm thân. Ảnh: Duy Chiến.

Trong hai ngày (29 và 30/11/2023), Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Hội CTĐ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tổ chức hội nghị tập huấn sơ cấp cứu năm 2023 cho 30 cán bộ các huyện, thành hội và tình nguyện viên tại các điểm sơ cấp cứu trên địa bàn Lạng Sơn. Trực tiếp tham gia giảng dạy là hai chuyên gia nước bạn: Ông Lương Kim, 37 tuổi, giảng viên cao cấp và Lục Tân Dục, 36 tuổi, giảng viên Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu Hội CTĐ Quảng Tây. Bằng trách nhiệm, tình cảm của mình, hai chuyên gia đã tranh thủ thời gian để truyền đạt các kiến thức, kĩ năng về sơ cấp cứu khẩn cấp; các trường hợp cấp cứu thường gặp như hội chứng mạch vành cấp tính, đột quỵ, các quy trình cứu hộ khi bị thương do tai nạn và trường hợp khẩn cấp như say nắng, điện giật, rơi từ trên cao, động vật cắn; kiến thức cơ bản về “chuỗi sinh tồn”. Quy trình hồi sức tim, phổi tại chỗ.

Đồng thời, các học viên còn được chia sẻ về mục đích và nguyên tắc chăm sóc chấn thương, phân loại thương tích; chảy máu và cầm máu, kỹ thuật băng bó, bong gân và cố định gãy xương; vận chuyển và điều trị thương tích đặc biệt… Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: “Mặc dù bất đồng ngôn ngữ, phải thông qua phiên dịch, nhưng hai cán bộ của Hội CTĐ Quảng Tây rất say mê truyền đạt kiến thức, kể cả lúc đi ăn trưa, nghỉ ngơi, họ cũng giao lưu, ôn lại kiến thức đã học. Hội CTĐ Quảng Tây chu đáo chuẩn bị giáo án và các mô hình, học cụ đầy đủ, phong phú và sau đó tặng lại cho Hội CTĐ Lạng Sơn để sử dụng sau này".

Bà Hương cho biết thêm, tại thành phố Lạng Sơn, Hội CTĐ tỉnh Lạng Sơn cũng vừa hội đàm với Hội CTĐ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc về phối hợp hai bên trong hoạt động nhân đạo. Tham gia có đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh Lạng Sơn, Hội CTĐ một số tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc của Việt Nam như: Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ninh. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hội CTĐ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây Ngũ Lệ Đông khẳng định, phía bạn sẵn sàng chung tay với các đồng nghiệp Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần CTĐ “Nhân đạo, bác ái, cống hiến”, thúc đẩy triển khai hơn nữa các thỏa thuận liên quan trong bản ghi nhớ hợp tác.

Thời gian tới, Hội CTĐ hai bên sẽ tập trung vào “ba cứu” (cứu hộ khẩn cấp, viện trợ nhân đạo và sơ cứu khẩn cấp), giúp xây dựng một cộng đồng vì an ninh, an toàn nhân loại; đồng thời hợp tác đào tạo công tác sơ cấp cứu và hỗ trợ cho trẻ em dưới 14 tuổi mắc bệnh tim bẩm sinh và nhiều hoạt động nhân đạo thiết thực khác…Nhân dịp này, Hội CTĐ Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây đã trao kinh phí hỗ trợ mua xe ô tô chuyên dụng phục vụ công tác cho Hội CTĐ tỉnh Lạng Sơn với số tiền 410 triệu đồng.

Theo báo cáo của tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua các ngành, huyện, thị biên giới của hai tỉnh- khu cùng thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực, phát huy cơ chế giao lưu giữa các cơ quan đảng, tổ chức chính trị - xã hội, như: Ban Tổ chức, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội CTĐ... giao lưu hợp tác giữa các ngành Ngoại vụ, Công an, Biên phòng, Hải quan, Công thương, Văn hóa, thể thao và du lịch, Nông nghiệp, Giáo dục và đào tạo, Y tế, Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu… Đến nay, hai bên đã có 5 cặp huyện - thị biên giới ký kết thiết lập quan hệ “huyện - thị hữu nghị quốc tế”, 12 cặp thôn, bản biên giới ký kết “thôn bản hữu nghị biên giới”, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn thực hiện có hiệu quả chương trình kết nghĩa, 11 đồn biên phòng ký kết “đồn - trạm hữu nghị, biên giới bình yên”.

MỚI - NÓNG